Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tọa vụ con dâu khai tử bố mẹ chồng: 'Vụ án rất phức tạp'

Thẩm phán tòa Hà Nội đánh giá vụ tranh chấp liên quan việc con dâu khai tử bố mẹ chồng đang sống ở quận Tây Hồ rất phức tạp. Do vắng nhiều thành phần nên tòa hoãn làm việc.

Sáng 23/7, TAND Hà Nội mở lại phiên xử vụ tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ và yêu cầu hủy sổ đỏ trong giao dịch mua bán nhà đất liên quan vụ Con dâu khai tử bố mẹ chồng đang sống để bán nhà đất xảy ra ở quận Tây Hồ.

Con dâu khai tử bố mẹ chồng: 'Chúng tôi coi nhau đã chết từ lâu rồi' Bà V. nói rằng do mâu thuẫn nên gia đình bà và bố mẹ chồng từ lâu đã coi nhau không còn tồn tại. Khi làm thủ tục công chứng, bà khai bố mẹ chồng đã qua đời.

Nguyên đơn và bị đơn đều vắng mặt

Trong phần thủ tục, HĐXX cho biết công chứng viên Nguyễn Thanh Tú (nguyên cán bộ Phòng Công chứng số 3 Hà Nội) vắng mặt. Trước đó, ông Tú gửi bản giải trình về trình tự, thủ tục công chứng liên quan vụ việc.

Đại diện Phòng Công chứng số 3 Hà Nội cũng vắng mặt, chỉ gửi văn bản đến tòa với nội dung phòng đã cung cấp toàn bộ hồ sơ, chứng cứ lưu trữ liên quan công việc của ông Tú trước đây. Phòng Công chứng số 3 không có ý kiến gì thêm về vụ việc.

"UBND phường Nhật Tân cũng không có ý kiến phúc đáp với tòa vì sao đại diện cơ quan này không có mặt trong phiên xử hôm nay", chủ tọa Ngô Thị Thu Thiện thông báo.

Con dau khai tu bo me chong o Ha Noi anh 1

Ông Hợp và vợ (cùng mặc áo nâu) và con cái tại phiên tòa sáng 23/7. Ảnh: Hoàng Lam.

Về phía bị đơn là bà V. (64 tuổi, ở Hà Nội), HĐXX cho biết chiều 22/7, người phụ nữ này gửi đơn thư qua đường chuyển phát nhanh. Trong đó, bà V. trình bày do sức khỏe yếu, bị đau đầu và chóng mặt do hội chứng tiền đình nên xin vắng mặt.

Cùng nêu lý do bị ốm đột xuất, nguyên đơn là vợ chồng chị T.H. (ở quận Ba Đình) cũng không xuất hiện tại tòa.

Theo quan sát của Zing, phòng xử án chỉ có cụ Đỗ Văn Hợp và vợ là Nguyễn Thị An (cùng 88 tuổi) và một số người thân đến dự khán. Trong vụ án này, vợ chồng cụ Hợp là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Cụ ông đã ủy quyền cho con gái tên Đỗ Thị Huyền tham gia tố tụng.

"Đây là lần thứ 23 giải quyết vụ án nhưng đại diện chính quyền và nguyên đơn cùng bị đơn đều không đến dự. Tôi yêu cầu tòa xác minh có đúng chị V. đang gặp vấn đề sức khỏe hay không", bà Huyền nêu ý kiến.

Bà Huyền nhấn mạnh 2 cụ đã già yếu, rất hiếm khi đến dự tòa được như hôm nay nên người ủy quyền của 2 cụ đề nghị HĐXX tiếp tục làm việc để giải quyết cho dứt điểm vụ tranh chấp.

“Bố mẹ tôi hàng trăm lần đi kêu cứu khắp các cơ quan, đơn vị chức năng ở Hà Nội. Họ phải ra đây để nhìn thấy bố mẹ tôi còn sống khỏe mạnh, không phải đã chết như lời chị dâu tôi khai tử”, bà Huyền trình bày.

Luật sư Đặng Văn Cường, bảo vệ cho người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cho rằng vụ án kéo dài từ năm 2017, nguyên đơn và vợ chồng cụ Hợp đều có hàng loạt yêu cầu độc lập cần được tòa xem xét.

Với việc nguyên đơn và bị đơn vắng mặt dù tòa đã triệu tập trên 2 lần, luật sư kiến nghị tòa xem xét đình chỉ giải quyết khiếu nại của nguyên đơn và xem xét yêu cầu của người liên quan trong vụ án, chuyển họ thành nguyên đơn.

Khi được hỏi, đại diện VKSND Hà Nội nhận thấy nguyên đơn và bị đơn đều có đơn xin hoãn phiên tòa với lý do sức khỏe. Căn cứ các quy định của pháp luật, kiểm sát viên đề nghị HĐXX xác minh nguyên đơn và bị đơn ốm ở mức độ nào.

Sau gần nửa giờ thảo luận, chủ tọa Ngô Thị Thu Thiện cho biết HĐXX chưa xác minh được tình trạng sức khỏe của nguyên đơn và bị đơn.

"Tòa chưa có căn cứ khẳng định nguyên đơn ốm thật hay không. Còn bị đơn xuất trình giấy tờ liên quan việc đi viện, chúng tôi cũng cần xác minh thêm vì vụ án rất phức tạp", chủ tọa thông báo.

Ngoài ra, HĐXX cũng chưa nhận được phản hồi từ phía UBND phường Nhật Tân giải thích lý do vì sao đại diện cơ quan này không đến dự tòa. Vì thế, để có thêm thời gian xác minh các vấn đề trên, tòa quyết định hoãn làm việc.

Con dâu nhận sai

Chia sẻ với Zing, ông Hợp cho biết năm 1998, ông chia cho con trai cả tên Tiến mảnh đất rộng hơn 180 m2 sau khi con lập gia đình. Năm 2005, ông Tiến qua đời khi đã xây xong nhà. Một năm sau, bà V. (vợ ông Tiến) đến Phòng Công chứng số 3 Hà Nội làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế nhà và đất.

Thông báo về việc khai nhận di sản ngày 4/7/2006 do công chứng viên Nguyễn Thanh Tú ký duyệt nêu rõ: “Người để lại di sản: Ông Tiến đã chết ngày 8/1/2005. Cha, mẹ đẻ của ông Tiến đã chết”.

Con dau khai tu bo me chong o Ha Noi anh 2

Ngôi nhà xảy ra tranh chấp đang được con gái bà V. dùng làm nơi ở. Ảnh: Hoàng Lam.

Sau khi nhận được văn bản, UBND phường Nhật Tân đã niêm yết thông tin về việc kê khai di sản thừa kế tại trụ sở. Đáng chú ý, trong đó có nội dung ghi ông bà Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An đã chết.

Năm 2015, chị Mai (con gái cả của bà V.) gặp ông Hợp và thông báo bà V. đã làm thủ tục nhận di sản thừa kế, sau đó làm sổ đỏ nhà đất và bán toàn bộ tài sản cho người khác.

Ra UBND phường tìm hiểu, ông Hợp biết được chính bà V. đã khai tử bố mẹ chồng khi làm giấy tờ tại Phòng Công chứng số 3, Hà Nội. Khi ông hỏi chuyện thì bà V. đã bán nhà, đất và sang tên sổ đỏ cho vợ chồng chị T.H.

Trao đổi với Zing, bà V. giải thích khi đến làm thủ tục kê khai thừa hưởng quyền thừa kế tài sản, công chứng viên hỏi về bố mẹ chồng, bà đã kê khai là "ông, bà ấy chết cả rồi".

Nói lý do của việc này, bà V. cho hay lúc còn sống, chồng cũng dặn bà như thế. Hơn nữa, bố mẹ chồng đã không coi con trai và con dâu còn sống từ trước, thì bà cũng coi ông bà cụ đã chết từ lâu.

Bà V. thừa nhận bản thân sai khi khai tử bố mẹ chồng, nhưng bà cho rằng điều đáng tiếc là câu trả lời lại được công chứng viên ghi vào văn bản rồi gửi sang UBND phường.

Vụ con dâu khai tử bố mẹ chồng đang sống: Ai phải chịu trách nhiệm?

Luật sư cho rằng việc con dâu khai với phòng công chứng rằng bố mẹ chồng của bà đã chết dù họ đang sống là có mục đích cá nhân liên quan đến việc thừa kế.

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm