Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ con dâu khai tử bố mẹ chồng đang sống: Ai phải chịu trách nhiệm?

Luật sư cho rằng việc con dâu khai với phòng công chứng rằng bố mẹ chồng của bà đã chết dù họ đang sống là có mục đích cá nhân liên quan đến việc thừa kế.

Con dâu khai tử bố mẹ chồng: 'Chúng tôi coi nhau đã chết từ lâu rồi' Bà V. nói rằng do mâu thuẫn nên gia đình bà và bố mẹ chồng từ lâu đã coi nhau không còn tồn tại. Khi làm thủ tục công chứng, bà khai bố mẹ chồng đã qua đời.

Liên quan việc bà V. (64 tuổi, ở Hà Nội) khai tử bố mẹ chồng đang sống để nhận thừa kế nhà, đất và gây ra vụ tranh chấp tài sản, nhiều ý kiến cho rằng trách nhiệm đầu tiên thuộc về bà V.

Cũng có người thắc mắc vì sao công chứng viên của Phòng Công chứng số 3 Hà Nội và cán bộ tư pháp UBND phường Nhật Tân, quận Tây Hồ lại không xác minh kỹ thông tin bà V. khai bố mẹ chồng đã chết, dù ông bà đang sống?

Zing ghi nhận quan điểm của một số luật sư nhìn nhận, đánh giá về vụ tranh chấp dân sự được nhiều người quan tâm.

Công chứng viên có trách nhiệm gì?

Theo luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa), sau khi chồng qua đời, bà V. đến Phòng Công chứng số 3 Hà Nội để làm thủ tục kê khai thừa hưởng quyền thừa kế tài sản. Khi công chứng viên hỏi về bố mẹ chồng, bà đã kê khai là "ông, bà ấy chết cả rồi" mặc dù bố mẹ chồng bà V. đang sống khỏe mạnh.

Căn cứ những việc bà V. đã làm như trên, luật sư cho rằng nếu xét ở yếu tố nhận thức con người bình thường thì bà này hoàn toàn biết bố mẹ chồng của mình còn sống hay đã chết.

Khai tu bo me chong anh 1

Cụ Đỗ Văn Hợp và cụ Nguyễn Thị An còn sống nhưng bị con dâu khai "đã chết" khi đi làm thủ tục công chứng. Ảnh: Hoàng Linh.

"Việc bà V. khai bố mẹ chồng đã chết có thể nhằm mục đích chiếm lấy tài sản thừa kế do chồng để lại là nhà và đất", ông Giáp nhận định.

Đối với công chứng viên chỉ căn cứ lời khai của bà V. rồi ghi nội dung thể hiện bố mẹ chồng bà đã chết, luật sư Giáp chỉ rõ trong các điều luật của Nghị định số 75/2000/NĐ-CP, chưa có chỗ nào khẳng định, bắt buộc công chứng viên phải đối chiếu bản gốc giấy chứng tử.

Việc này chỉ cần căn cứ trên khai báo, cam kết của người khai nhận di sản thừa kế. Ngoài ra, thông báo khai nhận di sản thừa kế chỉ yêu cầu công chứng viên phải gửi để niêm yết tại trụ sở UBND xã, phường theo quy định.

Theo luật sư, khoản 2 Điều 6 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP yêu cầu công chứng viên khi thực hiện công chứng, chứng thực, người thực hiện công chứng, chứng thực phải: “Khách quan, trung thực và phải chịu trách nhiệm về việc công chứng, chứng thực của mình; trong trường hợp biết hoặc phải biết việc công chứng, chứng thực hoặc nội dung công chứng, chứng thực là trái pháp luật, đạo đức xã hội, thì không được thực hiện công chứng, chứng thực”.

Tuy nhiên, luật sư nhận định khi công chứng đối với một tài sản quan trọng là quyền sử dụng đất mà chỉ dựa trên lời khai báo của đương sự, không kiểm tra giấy tờ là thiếu trách nhiệm vì đơn giản để nói rằng một người đã chết thì phải có giấy chứng tử.

Cùng cho rằng trách nhiệm trong vụ việc thuộc về bà V., luật sư Trương Quốc Hòe (Văn phòng luật Interla) phân tích khi làm thủ tục công chứng, bà V. phải cung cấp toàn bộ hồ sơ và cam đoan chịu trách nhiệm về việc không bỏ sót người thừa kế theo pháp luật.

Nhưng bà V. đã cung cấp thông tin sai sự thật về việc bố mẹ chồng đã chết nên người phụ nữ này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật do đưa thông tin sai sự thật.

Ngoài ra, luật sư Hòe còn cho rằng trách nhiệm để xảy ra tranh chấp còn bao gồm cả công chứng viên và Phòng Công chứng số 3 Hà Nội trong việc khai nhận di sản thừa kế.

Cán bộ tư pháp phường có thiếu trách nhiệm?

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính Pháp) đánh giá trong vụ việc này, để xảy ra chuyện bà V. kê khai bố mẹ chồng đã chết và được chấp thuận trên văn bản nhận di sản thừa kế, là có một phần trách nhiệm của cán bộ tư pháp UBND phường Nhật Tân thời điểm đó.

Tìm hiểu sâu vụ việc, luật sư Cường nhận thấy văn bản nhường quyền di sản thừa kế và khai nhận di sản thừa kế được lập và công chứng ngày 11/8/2008. Nhưng thông báo niêm yết công khai tại phường Nhật Tân lại từ ngày 4/7 đến ngày 4/8/2006, nghĩa là trước cả thời gian có văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

Do vậy, luật sư đánh giá việc này trái quy định về trình tự, thủ tục niêm yết công khai văn bản thỏa thuận phân chia di sản theo quy định tại khoản 3, Điều 52 Nghị định 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực.

"Điều đó cho thấy cán bộ tư pháp phường đã có sai sót trong việc niêm yết công khai văn bản thừa kế, từ đó làm cơ sở để bà V. đăng ký sang tên nhà đất và chuyển nhượng sở hữu cho người khác", luật sư nhấn mạnh.

Khai tu bo me chong anh 2

Bà V. nói dối bố mẹ chồng đã chết nên công chứng viên ghi nội dung này vào văn bản thừa kế. Ảnh: Hoàng Lam.

Theo ông Cường, năm 2000, bà V. và chồng là ông Tiến được cơ quan chức năng ở Hà Nội cấp sổ đỏ cho nhà và đất. Trong khi đó, bố mẹ chồng bà V. cho rằng họ chưa chia thừa kế các tài sản này.

Luật sư Cường đánh giá việc cấp sổ đổ cho vợ chồng ông Tiến là không đúng đối tượng và sai trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật. Như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bố mẹ chồng bà V.

Đối với thủ tục khai nhận di sản thừa kế của ông Tiến (đã mất), ông Cường phân tích trong nội dung văn bản thể hiện ông Tiến không còn người thừa kế nào khác, trong khi đó bố mẹ đẻ của ông là cụ Đỗ Văn Hợp và cụ Nguyễn Thị An còn sống.

Do đó, luật sư cho rằng đây là thiếu sót của công chứng viên, khi làm mất đi quyền thừa kế của những người thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 672 Bộ luật dân sự 1995.

Con dâu khai tử bố mẹ chồng đang sống: 'Tôi đã sai'

Người phụ nữ 64 tuổi giải thích bố mẹ chồng coi con trai và con dâu như đã chết nên khi làm thủ tục thừa kế, bà đã khai man. Bà thừa nhận việc làm của mình là sai.

Hoàng Lam - Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm