Chiêu né thuế khi mua siêu xe của các đại gia Việt
Khoảng 100 chiếc xe Rolls-Royce đang lăn bánh ở Việt Nam, nhưng không phải chiếc xe nào cũng đóng đủ các loại thuế dành cho xe ô tô nhập khẩu theo cách thông thường.
Chủ nhân sở hữu xe Rolls-Royce cũng như các dòng xe sang đang hiện diện ở Việt Nam dùng đủ mánh lới để né được tối đa số tiền thuế phải đóng.
Xe khủng...
Khoảng 250.000 USD là giá cho một chiếc xe Rolls-Royce bản cơ sở. Nếu đi theo đường nhập khẩu chính tắc của xe mới và không phải núp bóng thân phận nào cả, thì số thuế, phí mà người chủ xe Rolls-Royce sẽ phải nộp để đeo biển trắng nội địa không hề nhỏ.
Tính sơ bộ, các loại thuế, phí sẽ gồm: 175.000 USD (thuế nhập khẩu 70%) cộng với 255.000 USD (thuế tiêu thụ đặc biệt 60% tính trên giá xe và thuế nhập khẩu), cộng thêm 68.000 USD (thuế giá trị gia tăng 10% tính trên tổng giá xe đã có thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt).
Như vậy, chỉ tính tổng số thuế phải nộp theo đường chính ngạch khi mua một chiếc xe Rolls-Royce mới và không núp bóng thân phận nào để lách thuế sẽ lên tới 498.000 USD. Cộng với giá xe cơ sở thì một chiếc xe Rolls-Royce cơ bản khi về tới Việt Nam có giá không dưới 750.000 USD, không kể một số chi phí vận chuyển.
Khoảng 100 chiếc xe Rolls-Royce đã được nhập về Việt Nam. |
Con số này chưa tính tới 10% lệ phí trước bạ, khoảng 75.000 USD nữa mà thượng đế phải trả để mang biển trắng nội địa. Nếu chọn biển Hà Nội hay biển TP.HCM thì lệ phí trước bạ sẽ phải nộp cỡ 100.000 USD.
Nghĩa là để sở hữu một chiếc xe Rolls-Royce mới hoàn toàn và đường đường ngẩng cao đầu với thiên hạ là “ta đi đường chính ngạch”, ít nhất thượng đế sẽ phải bỏ ra khoảng từ 850.000 USD đến 900.000 USD, tương đương với 17,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đây chỉ là phiên bản xe Rolls-Royce cơ sở. Nếu khách hàng muốn có những sự lựa chọn đặc biệt, riêng có, khẳng định bản sắc cá nhân của mình trên chiếc xe Rolls-Royce, thì số tiền phải bỏ ra để sở hữu những phiên bản đặc biệt này, về nguyên tắc còn phải khủng hơn.
Trong buổi ra mắt đại lý đầu tiên của Rolls-Royce tại Việt Nam, đại diện của hãng siêu xe này cho biết, họ có thể chiều lòng bất cứ các ý thích nào của chủ nhân trên một chiếc siêu xe. Có thể là một màu sơn theo ý thích khiến các chuyên gia phải pha, chọn từ trên 44.000 màu sắc mới có được, hay là một vài vật dụng đặt trên xe từ gỗ của một cây trong vườn của người mua xe…
Nói vậy để thấy, khi đã sở hữu chiếc xe có giá khủng như Rolls-Royce tại Việt Nam, tổng tài sản mà thượng đế đó có cũng vào hàng kinh khủng, mà nếu quy đổi ra tiền đồng chắc chắn có ít nhất 11 con số 0 theo sát sau.
Nhất là khi xe Rolls-Royce, theo khẳng định của các đại diện Rolls-Royce Motor Cars, rằng “đồng nghĩa với việc thêm vào bộ sưu tập xe (vốn đã hoành tráng) của các thượng đế một sự lựa chọn nữa”.
Tuy không có một con số thống kê chính thức, nhưng nhìn vào những gương mặt đang sở hữu Rolls-Royce và các loại siêu xe khác tại Việt Nam, thì có thể thấy hầu hết chủ sở hữu hoặc đang sử dụng xe Rolls-Royce là các đại gia trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, ngân hàng thương mại, thầu khoán hay khai thác tài nguyên.
...nhưng nộp thuế không khủng
Khi Rolls-Royce Motor Cars bổ nhiệm đại lý đầu tiên của mình tại Việt Nam, công ty cổ phần ô tô Regal (Regal Cars), sự quan tâm về những chiếc siêu xe này không chỉ dừng lại ở người hâm mộ, giới siêu giàu hay giới báo chí, mà còn có các cơ quan thuế.
Nếu nhập khẩu xe mới, không núp bóng thân phận nào thì số thuế thu ở khâu hải quan khi nhập khẩu xe là rất lớn. Còn với các cục thuế địa phương, phí trước bạ 10 - 15% sẽ mang lại khoản thu không hề nhỏ. Trong hoàn cảnh thu ngân sách khó khăn, các doanh nghiệp giải thể hàng loạt, tiểu gia, đại gia thi nhau gục ngã, trốn nợ và hay bị các khách hàng kiện ra tòa, thì việc có những đại gia xuống tay sắm xe Rolls-Royce và siêu xe cũng được ngành thuế trông chờ để gỡ gạc lại phần nào về nguồn thu.
Tuy nhiên, trong số xấp xỉ 100 chiếc xe Rolls-Royce nói riêng cũng như các siêu xe khác đang hiện diện tại Việt Nam, số xe nhập khẩu được đăng ký là xe mới 100%, đi đàng hoàng không núp bóng thân phận nào chỉ đếm trên một bàn tay.
Thống kê của rất nhiều cơ quan hải quan địa phương cho thấy, hàng loạt xe Rolls-Royce và các mẫu siêu xe khác như Bentley, Lamborghini đã vào Việt Nam theo con đường Việt kiều hồi hương, ngoài ra là đường tạm nhập tái xuất hoặc biển ngoại giao.
Với chính sách hiện hành, các xe ô tô nhập khẩu theo diện Việt kiều hồi hương được miễn thuế nhập khẩu (70%) và thuế giá trị gia tăng (10%), chỉ phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt (60%). Chưa kể các loại xe này sẽ không phải tính giá trị theo xe mới 100% khi nộp thuế, bởi là tài sản đang sử dụng của Việt kiều ở nước ngoài.
Với một chiếc xe mới bản cơ sở có giá 250.000 USD như nói trên, nếu là hàng đang sử dụng dưới 3 năm thì nguyên tắc tính giá trị áp thuế của cơ quan thuế là 85% giá ban đầu và chỉ phải chịu 60% thuế tiêu thụ đặc biệt. Nghĩa là, cộng cả giá mua xe mới và thuế tiêu thụ đặc biệt thì chưa tới 400.000 USD. Cộng thêm 10% phí trước bạ để mang biển trắng nội địa thì cũng chưa đến 500.000 USD.
Chi phí này nếu so với mức 850.000 - 900.000 USD của xe mới chính ngạch bớt đi được cả chục tỷ đồng. Vì vậy, việc tìm mọi cách né được thuế phải nộp cho cơ quan hữu trách mà “vẫn sang trọng” là điều mà từ tiểu gia đến đại đại gia đều phải nghĩ tới. Nhất là trong lúc khó khăn này.
Tham khảo các mối nhập xe thì công thức để sở hữu xe siêu sang nhưng không tốn tiền hiện nay là “sổ việt kiều + xe mới nhưng chờ đủ tuổi + quay công tơ mét để thành xe qua sử dụng”.
Cơ quan chức năng đều biết vấn đề này, nhưng bất cập là luật hiện hành không có quy định nào cấm hoặc buộc truy thu thuế nhập khẩu với Việt kiều hồi hương có mang theo xe ô tô sau đó bán đi vì không cần dùng nữa.
Bởi vậy, dù Rolls-Royce có sử dụng chương trình tùy chọn Bespoke để thỏa mãn nhu cầu “cá nhân hóa”, dấu ấn riêng trên chiếc xe thì các đại gia Việt Nam chả khó khăn lắm trong việc tìm một Việt kiều ở nước ngoài để chuyển tải các yêu cầu của mình tới nhà sản xuất, trước khi chiếc xe tới điểm đến cuối cùng là Việt Nam.
Cần phải nhắc thêm là, các đại diện của Rolls-Royce Motor Cars khi có mặt ở Hà Nội cũng thừa nhận, họ rất chào đón các khách hàng đã lựa chọn mình thay vì nhà sản xuất “lựa chọn khách hàng” như đồn đại bấy lâu.
"Né" bằng cách đưa siêu xe vào tài sản doanh nghiệp
Không chỉ tìm kiếm chi phí thấp trong việc sở hữu xe bằng né thuế, các siêu xe cũng không đứng tên các cá nhân mà thường đứng tên công ty. Khi đã là tài sản cố định của doanh nghiệp, siêu xe sẽ tiếp tục hưởng lợi với việc khấu trừ 10% thuế giá trị gia tăng đầu vào và tính khấu hao trong hoạt động hàng năm.
Theo quy định hiện hành của ngành thuế, giá trị xe tối đa để được khấu trừ luôn 10% thuế giá trị gia tăng là 1,6 tỷ đồng, nghĩa là được khấu trừ 160 triệu đồng tiền thuế.
Tuy vậy, số tiền cả chục tỷ đồng bỏ ra mua siêu xe và phần thuế giá trị gia tăng còn lại sau khi đã trừ đi 160 triệu đồng kia sẽ lại được tính vào giá trị của chiếc ô tô với tư cách là tài sản cố định. Tiếp đó, hàng năm tài sản này sẽ được khấu hao chi phí cố định và một số các chi phí bảo hành, bảo dưỡng, xăng xe chạy vào giá thành sản phẩm mà đại gia kinh doanh. Dĩ nhiên, người tiêu dùng sẽ là người cuối cùng chi trả các chi phí này khi chấp nhận mua sản phẩm của các đại gia.
H, một đại gia sở hữu Rolls-Royce thừa nhận, mỗi năm tiền xăng xe, thay dầu, kiểm tra cho con xe Rolls-Royce của mình đang đi cũng tới 300 - 400 triệu đồng, nếu không là tài sản của doanh nghiệp để tính vào chi phí hoạt động thì cũng mệt.
Một chuyên gia về thu phí trước bạ ô tô ở Hà Nội cũng cho hay, các đại gia mua siêu xe đều đăng ký tên công ty để nộp thuế trước bạ, chứ nếu ai đăng ký tên cá nhân thì phải thật siêu giàu. Tất nhiên, công ty thì cũng của đại gia và ai dám yêu cầu đại gia cho xem đăng ký siêu xe mang tên ai, bởi có khi chỉ thấy xe là đã...ngợp rồi.
Theo Đầu Tư