Cơ quan Quản lý Không gian mạng tại Trung Quốc thực hiện chiến dịch kéo dài 2 tháng nhằm xóa bỏ các hoạt động online trên mạng dụ dỗ giới trẻ rút hầu bao, chi số tiền lớn cho thần tượng của họ, theo China Daily.
Trên các diễn đàn này, việc theo chân người nổi tiếng một cách mù quáng hay tìm cách mua chuộc, chửi bới fan của thần tượng đối thủ cũng bị lôi kéo mạnh mẽ.
Wang Sixin, giáo sư về luật an ninh mạng tại Đại học Truyền thông Trung Quốc, đánh giá đây là hoạt động bức thiết để làm sạch không gian mạng và ngăn chặn giới trẻ hâm mộ idol một cách thiếu tỉnh táo.
“Thay vì mất thời gian soạn thảo quy định, việc trực tiếp ra tay dẹp bỏ là phương pháp hữu hiệu ngăn chặn thanh thiếu niên dễ bị lừa dối hoặc kích động trước thông tin có hại trên mạng”, ông nói.
Chính quyền Trung Quốc mạnh tay ngăn nạn người trẻ cống tiền cho ngôi sao giải trí một cách mù quáng. |
Theo Legal Daily, khoảng 27% số thần tượng âm nhạc của khán giả Trung Quốc sinh từ năm 1990 đến 2000. Tỷ lệ này lên tới 70% với những idol sinh sau năm 2000, khiến việc quản lý càng cần chặt hơn. Hơn một nửa số khán giả theo dõi người nổi tiếng là sinh viên chưa có thu nhập ổn định, cuộc khảo sát chỉ ra.
Theo giáo sư Wang, việc người trẻ hâm mộ các ngôi sao nhạc pop là điều phổ biến và cũng không phải vấn đề đáng lo ngại.
“Tuy nhiên, sử dụng các hoạt động kinh doanh nhằm thu hút fan sẵn sàng bỏ hết tiền ra mua những sản phẩm mà idol họ dùng hay quảng cáo là điều không đúng đắn”, ông nói.
Hồi tháng 1, cộng đồng fan Trung Quốc của Jennie (Black Pink) gây sốc khi tặng thần tượng 70 món hàng hiệu đắt đỏ, với những chiếc túi đặc trưng của các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Chanel, Louis Vuitton. Không chỉ cho Jennie, hội người hâm mộ này còn chuẩn bị thêm quà cho gia đình, bạn bè và cả cún cưng của thần tượng.
Ngoài ra, hành vi mở diễn đàn, trang web đăng tải nội dung sai sự thật về người nổi tiếng hoặc xúi giục các cộng đồng fan khác nhau gây hấn, tranh cãi trên mạng cũng cần dừng lại.
Số hàng hiệu fan Trung Quốc bỏ ra mua tặng thần tượng Jennie (Black Pink). |
“Trên mục hot search của Weibo luôn có những lời chửi rủa và gièm pha các nghệ sĩ. Thật khó nhìn vào mà không cảm thấy khó chịu. Nó khiến bạn không thể lướt Internet một cách thoải mái”, một người dùng cho hay.
Trước chiến dịch mới, các trang tin tức và mạng xã hội phổ biến tại Trung Quốc như Sina và Weibo phải truy quét, tìm ra những tài khoản chuyên kích động cãi nhau, gây hấn.
Từ 24-31/7, hơn 1.000 chủ đề gây tranh cãi, thu hút cộng đồng mạng chửi bới bị xóa bỏ, 1.086 tài khoản vi phạm và hơn 3.500 bình luận bị xóa.
Zhao Zhanling, cố vấn pháp lý của Hiệp hội Internet Trung Quốc, đề nghị các bậc cha mẹ, giáo viên tăng cường giao tiếp với con cái và cố gắng hiểu tại sao chúng lại ủng hộ thần tượng.
Ngô Diệc Phàm là ngôi sao từng bị ảnh hưởng hình ảnh nặng nề vì hành vi của người hâm mộ. |
“Các nền tảng trực tuyến có thể sử dụng biện pháp kỹ thuật để hạn chế việc dùng dịch vụ của trẻ vị thành niên, ví như đưa ra quy định số tiền hay quà tặng một đứa trẻ donate cho các streamer, mức tiền mà chúng có thể nạp vào tài khoản của mình”, ông Zhao cho biết.
Người này nhấn mạnh điều quan trọng là phải cho giới trẻ ý thức được các hành vi trên mạng có thể vi phạm pháp luật.
28% trong số gần 42.000 vụ mâu thuẫn trên Internet xảy ra tại Trung Quốc những năm gần đây liên quan đến xúc phạm nhân phẩm, danh dự, với nhiều bị cáo là sinh viên, thanh niên thất nghiệp ủng hộ thần tượng bằng cách lăng mạ, bôi nhọ người nổi tiếng khác.
“Là người của công chúng, các idol học cách chấp nhận việc có những bình luận ‘ném đá’ khó nghe với mình. Nhưng với những người bênh vực, tình cảm họ dành cho thần tượng không đồng nghĩa với việc được phép vi phạm pháp luật”, thẩm phán Jiang Ying nói.