- Nhiều chuyên gia cho rằng, chất lượng đào tạo đại học còn hạn chế một phần nguyên nhân vì mức học phí còn rất thấp và mang tính chất đại trà. Việc tăng học phí có đồng nghĩa tăng chất lượng đào tạo, thưa ông?
- Thực hiện thông báo Kết luận số 37/TB-TW ngày 26/5/2011 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 9/8/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công” trong lĩnh vực giáo dục đã nhấn mạnh “Nhà nước trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị công lập đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính và thực hiện có lộ trình việc xóa bỏ bao cấp qua gía, phí dịch vụ”.
Quan điểm xây dựng học phí đối với giáo dục đại học chia làm 2 nhóm trường:
Đối với các cơ sở giáo dục đại học tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị tự chủ): Học phí được xây dựng theo lộ trình tính đủ chi phí đào tạo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể, đến năm 2016, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp;
Đến năm 2018: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý;
Đến năm 2020: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.
Ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Tiền Phong. |
Đối với các cơ sở giáo dục đại học chưa tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị chưa tự chủ), mức thu học phí tăng dần hàng năm khoảng 10%. Do vậy, khả năng bù đắp chi phí đào tạo còn thấp. Tính trung bình đến năm học 2019-2020, mức học phí mới đáp ứng được một phần chi phí đào tạo, phần còn lại do ngân sách nhà nước cấp phát.
Trong điều kiện hiện nay, kinh tế khó khăn, việc làm và thu nhập của người dân còn thấp nên không thể tăng đại trà học phí mà việc xây dựng học phí lần này chưa tính đến tăng đồng loạt để bù đắp chi phí.
Chất lượng giáo dục phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có học phí. Ngoài ra, đối với các trường công lập, học phí chỉ là nguồn thu của cơ sở giáo dục. Trên thực tế những năm trước đây và đến hiện nay, về cơ bản, Nhà nước vẫn đảm bảo hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên và chi đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục để đảm bảo hoạt động giáo dục, giảng dạy của các cơ sở giáo dục được diễn ra bình thường, đảm bảo chất lượng.
- Nếu so với tốc độ tăng học phí thực hiện từ năm 2010-2014 theo Nghị định 49, mức tăng học phí mới thế nào và dựa trên cơ sở nào?
- Khung học phí mới đối với giáo dục mầm non, phổ thông được xây dựng dựa trên chỉ số giá tiêu dùng. Học phí giai đoạn 2016-2020 vẫn tăng theo chỉ số giá tiêu dùng bình quân hàng năm, giống nguyên tắc trước đây quy định tại nghị định 49.
Mức học phí cụ thể sẽ do các địa phương ban hành để phù hợp thu nhập của người dân tại địa phương mình giống như trước đây.
Mức học phí đại học chương trình đại trà tại trường chưa thực hiện tự chủ, tốc độ tăng hàng năm là 10%. Mức tăng này được xây dựng dựa trên mức tăng chỉ số giá trung bình của cả giai đoạn 2010-2015, và chậm hơn so với giai đoạn 2011-2015 (trước đây Nghị định 49 tính trung bình khoảng là 20%/năm).
Mức học phí đại học đối với các trường thực hiện tự chủ được xây dựng dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí và theo lộ trình tính đủ chi phí đào tạo quy định tại Nghị định số 16 của Chính phủ.
- Bộ trưởng GD&ĐT từng chỉ đạo quyết liệt xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật với từng ngành nghề đào tạo? Việc này được thực hiện đến đâu và có được thể hiện ở chừng mực nào đó trong quy định học phí mới theo ngành nghề đào tạo?
- Bộ GD&ĐT đã hoàn thành Đề án xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và đang gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành. Kết quả của Đề án đã được sử dụng để xây dựng cơ chế chính sách của ngành trong thời gian qua.
Cụ thể, đã sử dụng để xây dựng Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Sử dụng trong việc tính toán khung học phí đại học cho khối các trường tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư theo lộ trình tính đủ chi phí đào tạo.
Đề xuất mức chi cho hoạt động giảng dạy và học tập từ ngân sách chi thường xuyên cho hoạt động giáo dục là tối thiểu 25% (trước đây QĐ 59 của Thủ tướng Chính phủ quy định 20%). Tuy nhiên hiện trong thời kỳ ổn định ngân sách, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định mới cho giai đoạn 2017-2020 sẽ tham khảo đề xuất này.
- Từ năm học 2015-2016, nhiều trường đại học được thực hiện đề án tự chủ tài chính theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt? Mức học phí của các trường này so với mặt bằng học phí chung thế nào? Bộ GD&ĐT có đánh giá được tác động của chính sách học phí mới lên người học hay không?
- Từ năm học 2015-2016, một số trường đại học sẽ thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ hoạt động (bao gồm cả tự chủ về tài chính) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Nghị quyết 77 của Chính phủ, mức học phí của các trường này tính trung bình gấp khoảng trên 2 lần so với các trường chưa tự chủ.
Chính sách học phí mới không tác động lớn đến người học so với trước đây vì các lý do:
Học phí mầm non, phổ thông vẫn tăng bình quân hàng năm theo chỉ số giá tiêu dùng, và vẫn do địa phương quy định đảm bảo phù hợp với thu nhập của người dân tại địa phương như trước đây.
Học phí đại học chương trình đại trà tại trường chưa tự chủ tăng 10%, tăng chậm hơn giai đoạn 2011-2015 (trước đây khoảng 20%/năm).
Các trường tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, mức trần học phí có cao hơn mức học phí các trường áp dụng hiện nay. Tùy tình hình cụ thể các trường xác định mức học phí phù hợp để một mặt nâng cao chất lượng đào tạo nhưng mặt khác đảm bảo được mức chi trả của người dân. Đến nay đã có 11 trường thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư.
Học sinh nghèo, học sinh diện chính sách, vẫn được hưởng chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập như trước đây.