Đi chợ để chọn người bạn đời của mình nghe có vẻ lạ thường, đặc biệt là trong thời đại ngày nay, nhưng đó lại là cách những người phụ nữ Maithili ở Bihar, Ấn Độ chọn chồng. Mỗi năm, hàng nghìn người đàn ông tụ tập dưới tán cây Pipal của khu chợ địa phương thuộc quận Madhubani, bang Bihar để chờ được các cô dâu tương lai lựa chọn. |
Chợ chú rể được gọi là Saurath Mela hoặc Sabhagachhi, kéo dài 9 ngày. Phiên chợ đặc biệt này được cho là do Raja Hari Singh của triều đại Karnat mở cách đây hơn 7 thế kỷ để giúp phụ nữ dễ dàng tìm được người chồng phù hợp. Mỗi chú rể được định giá dựa trên năng lực của họ, bao gồm cả trình độ học vấn và xuất thân. |
Các cô gái đi cùng gia đình để kén rể. Họ sẽ xem xét qua các giấy tờ của chàng trai như giấy khai sinh và bằng cấp, học thức. Nếu tìm thấy người ưng ý, họ bắt đầu thảo luận chi tiết. |
Kênh tin tức Al Jazeera gần đây đã ghi nhận thực tế tại chợ chú rể truyền thống của Bihar, cho biết các kỹ sư, bác sĩ và nhân viên chính phủ được săn đón nhiều nhất. Ngoài ra, những chàng trai trẻ tuổi cũng là thành phần chiếm số lượng đông nhất. |
Mặc dù của hồi môn chính thức được coi là bất hợp pháp ở Ấn Độ, tại phiên chợ chú rể này, những chàng trai tiềm năng (cử nhân trẻ, đáp ứng các tiêu chuẩn) có thể vô tư ra giá của hồi môn với gia đình cô dâu. |
Bản thân các cô dâu hầu như không có tiếng nói trong việc chọn ai làm chồng mà quyết định cuối cùng phụ thuộc vào gia đình nhà gái. Khi lựa chọn một chú rể tại phiên chợ, họ sẽ cân nhắc giữa khả năng tài chính của gia đình và bản lý lịch của chàng trai. |
Chợ chú rể của Bihar gần như không còn phổ biến như cách đây vài thập kỷ bởi sự phát triển của các ứng dụng hẹn hò trực tuyến. Thế nhưng, phiên chợ mỗi năm vẫn thu hút hàng nghìn ứng viên, nhiều người còn không quản ngại đường xa, đi hàng trăm km để đến tham gia. |
Điều thú vị là Ấn Độ cũng có chợ cô dâu. Ở Haudati, cô dâu có nhiều mức giá khác nhau, tùy thuộc vào trình độ và kỹ năng nội trợ. |