Dịch Covid-19 khiến cuộc sống của nhiều gia đình đảo lộn khi trẻ em không thể đến trường hay tham gia các chương trình trại hè, hoạt động ngoài trời.
Trong khó khăn chung đó, nhờ có hàng loạt hoạt động để hai con luôn bận rộn, chị Huyền Machi (Ecopark, Hưng Yên) vẫn giữ được nhịp sống bình thường dù có hai con nhỏ cần chăm lo, một bé 7 tuổi và bé còn lại mới 20 tháng tuổi.
Trong những ngày ở nhà vì dịch, hai cậu con trai của chị Huyền bận rộn chơi đùa, đọc sách, làm việc nhà. |
Cho con tự chơi
Để con không cắm cúi vào TV, điện thoại, chị Huyền cho lũ trẻ tự chơi với nhau. Lúc đó, con không cần đến bố mẹ chơi cùng hay trông nom nhiều.
Căn nhà nhỏ của gia đình chị trở thành nơi vui chơi cho hai con cùng trẻ em nhà hàng xóm. Nhà không rộng nhưng chị tối giản đồ đạc nên khu vực để trẻ chơi nhiều, hầu hết không gian phòng khách, phòng ngủ của con đều là chỗ chơi đùa an toàn.
Vợ chồng chị cũng chuẩn bị cho con nhiều đồ chơi sáng tạo, phân loại theo từng hộp, không trộn lẫn. Nhờ đó, trẻ thích chơi hơn. Đồ chơi cũng rất đa dạng, từ những loại thiên về sáng tạo, phát triển trí tuệ đến loại rèn kỹ năng vận động.
“Quan trọng nhất, tôi cho phép lũ trẻ chơi hết mình, chơi kiểu gì cũng được, chỉ có một yêu cầu duy nhất - chơi xong, trả mọi thứ về chỗ cũ”, chị Huyền Machi chia sẻ.
Ngoài ra, nữ phụ huynh con cho phép con đùa nghịch trong nhà tắm. Ở đó, con có thể chơi trận chiến nước hoặc các hoạt động yêu thích. Con chỉ cần đưa giấy vệ sinh, khăn ra phòng khác trước khi chơi, không bắn nước lên trần, ổ điện và lau dọn sạch sẽ sau khi chơi xong.
Lũ trẻ tương đối thích hoạt động này. Mỗi ngày, các con dành khoảng 2 tiếng để nghịch nước, một lượt vào buổi trưa và lượt còn lại vào buổi chiều.
Vì khu vực chị sống chưa hạn chế người dân ra ngoài, chiều chiều, gia đình chị vẫn đạp xe quanh khu để tinh thần thoải mái và đảm bảo sức khỏe.
Chị Huyền cho rằng con có khả năng tự chơi là một trong những yếu tố giúp cuộc sống gia đình chị không bị đảo lộn khi dịch Covid-19 bùng phát. Đương nhiên, trẻ không tự nhiên có được kỹ năng này mà cần khoảng thời gian dài để xây dựng. Bố mẹ cũng cần chuẩn bị, vất vả đồng hành để giúp con rèn kỹ năng tự chơi.
Khi con chơi, bố mẹ phải để mắt đến con thường xuyên, dọn dẹp lại, giải quyết những sự vụ cãi nhau.
Đọc sách, làm việc nhà, khởi nghiệp
Không chỉ cho con tự chơi, chị Huyền còn để cuộc sống mùa dịch của con bận rộn với việc đọc sách, làm việc nhà và khởi nghiệp kinh doanh.
Trong đó, khoảng 50% thời gian mỗi ngày của con đều dành cho việc đọc sách. Gia đình chị có rất nhiều sách. Sách để khắp mọi nơi và con chị cũng có thói quen đọc sách. Do đó, khi không chơi đùa, con sẽ say mê đọc.
Bé lớn nhà chị Huyền từng cùng mẹ tham gia chuỗi đọc sách online miễn phí, tìm hiểu về virus, vi khuẩn, kháng sinh, vaccine, hệ miễn dịch. Chị cho rằng dịch bệnh là cũng là cơ hội để các con tìm hiểu về các vấn đề này một cách thiết thực và gần gũi hơn.
Nữ phụ huynh gợi ý một số sách cho trẻ trong dịch như Cùng Laila khám phá về virus Corona, Này, chớ táy máy liếm sách, Bật mí về những bí mật, Cổ Oai ơi, hay các bộ sách Thắc mắc về vi khuẩn, Các bệnh thường gặp, Tớ yêu cơ thể mình...
Ngoài ra, các bé cũng cùng mẹ xem các video về dịch bệnh. Nhờ đó, con hiểu dịch bệnh nguy hiểm và cách phòng tránh.
Những ngày không đến trường do dịch của con trai chị Huyền còn đỡ nhàm chán khi con dành quỹ thời gian để làm việc nhà.
Dù mới 7 tuổi, con có nhiệm vụ dọn bàn ăn trước và sau ăn, phơi quần áo, cho quần áo vào máy giặt, thu quần áo, lau nhà. Cậu bé cũng thường xuyên giúp mẹ đi mua vài món đồ và thỉnh thoảng tự đi chợ, nấu ăn.
“Tầng nhà tôi có bé gái bằng tuổi con trai tôi. Mỗi lần sang chơi, cô bé rất thích giúp con tôi phơi quần áo vì ở nhà không được làm. Tôi nghĩ lũ trẻ khá thích làm việc nhà, chỉ là bố mẹ đi sau dọn dẹp sẽ mệt một chút”, chị Huyền Machi nói.
Ngoài ra, con trai chị Huyền còn khởi nghiệp kinh doanh. Chị từng cho con làm trà sữa và kem mang bán. Lũ trẻ bận rộn suốt 2 tuần, lôi kéo vài đứa bạn khác đi mua đồ, sản xuất, thiết kế ảnh, giao hàng.
“Có hôm, 20h, vừa ăn xong, con xỏ patin vào đi giao trà sữa tiện thể lượn lờ ra hồ luôn đến tận gần 22h mới về. Con luôn bận rộn mà vui vẻ. Sau khi con kết thúc phi vụ kinh doanh, mấy bạn xung quanh cũng khởi nghiệp nhặt rau hộ, nước ép ổi…”, chị Huyền kể.
Với hàng loạt hoạt động, khi phải ở nhà vì dịch, những đứa trẻ vẫn được chơi đùa thoải mái còn người lớn vẫn có thể làm việc và có thời gian rảnh rỗi cho bản thân.