Cho con du học sớm chỉ làm sang bố mẹ
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hà Thành (Quản lý dự án Chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội) cho rằng, việc bố mẹ cho con đi du học sớm giống như hình thức trẻ con ở quê ra thành phố học. Đây là một lựa chọn mới mẻ của nhiều gia đình hướng đến. Tuy nhiên hiệu quả hoàn toàn không giống nhau, không phải tất cả các em được đưa đi du học sớm đều đạt được những điều mà gia đình kỳ vọng.
“Không có công thức chung nào cho sự thành công này, điều đó phụ thuộc vào từng gia đình, đặc biệt từng cá nhân của mỗi trẻ. Sẽ là thiên đường nếu trẻ đó được chuẩn bị tâm lý, sức lực vững vàng nhưng cũng có thể là địa ngục với trẻ không sẵn sàng cho việc dịch chuyển. Lúc này du học chỉ là cách… làm sang cho bố mẹ”- thạc sĩ Hà Thành nhấn mạnh.
Khi du học, các em phải tự làm mọi việc. Ảnh: Infonet. |
“Nhiều trẻ không chống lại nỗi cô đơn, dù được chuẩn bị tốt có em vượt qua được, các em biến sự cô đơn thành động lực để hòa nhập và thích nghi song có những em bị sang chấn tâm lý do không thích nghi được môi trường học tập phải trở về nước, thậm chí có nhiều em phải điều trị tâm lý” - thạc sĩ Hà Thành nói.
Chia sẻ với phóng viên, một du học sinh đi du học từ lớp 10 nay đang học thạc sĩ tại Mỹ tâm sự: “Nếu được lựa chọn lại, em sẽ đi sau khi học xong lớp 12. Vì em đã phải trải qua nhiều khó khăn trong thời gian dài mà đối với bạn bè cùng trang lứa ở Việt Nam, đó là những khoảnh khắc tươi đẹp nhất của tuổi học trò”.
Không nên du học quá sớm
Theo một chuyên gia Tổ chức Khảo thí ACT thì nhiều phụ huynh cho con du học từ lúc 15-16 tuổi, độ tuổi chưa đủ chín để tự sống tự lập. Các em cần thêm vài năm nữa đủ trưởng thành để có thể du học thành công. Trong thời gian đó, học sinh cần trau dồi những kỹ năng cần thiết để có thể học tốt ở nước ngoài như nâng cao trình độ tiếng Anh, tìm hiểu phương pháp học, tìm hiểu văn hóa nước sẽ du học… Như vậy, việc ra nước ngoài học sẽ ít bỡ ngỡ và hòa nhập môi trường mới nhanh chóng hơn.
Đồng quan điểm này, bà Vũ Kim Hường, Phó giám đốc Công ty Giáo dục và Đào tạo Quốc tế Đại Tây Dương cho rằng, loại trừ khả năng kinh tế vững vàng của gia đình thì cho con du học sớm chỉ phù hợp với những gia đình có người thân ở nước ngoài hoặc những trẻ mà trước đó đã học ở những trường quốc tế tại Việt Nam.
Theo bà Hường, việc du học chỉ thực sự hiệu quả đối với những trẻ có khát vọng có ý chí, sự quyết tâm rất rõ ràng. Điều này chỉ được thể hiện rõ với những em đã tốt nghiệp THPT hoặc vào học đại học 1-2 năm, tự tìm kiếm học bổng.
Đối với suy nghĩ của nhiều phụ huynh rằng học trường trung học Mỹ thì sẽ vào được ĐH Mỹ dễ dàng, ông Brian Jauregui, đại diện Phòng tuyển sinh quốc tế California State University, Northridge, cho biết: Muốn vào ĐH Mỹ không nhất thiết phải học trường trung học ở Mỹ. Thay vì thế, các em vẫn có thể học bậc phổ thông ở Việt Nam và vượt qua các yêu cầu tuyển sinh của trường đại học ở Mỹ.
Trong trường hợp bố mẹ vẫn quyết tâm cho con đi du học sớm, Ths tâm lý Hà Thành cho rằng, bố mẹ vẫn trao đổi, định hướng cho con. Tuyệt đối không nên tô hồng việc du học như một thiên đường. Bởi nền giáo dục nói chung không đến nỗi quá nhiều khác biệt (giống như 2 thái cực một bên cực tệ và bên kia cực tốt)- khiến trẻ khi vấp phải thực tế không như hình dung sẽ rất dễ sốc.
Nền giáo dục nào cũng có mặt ưu và nhược, không có nền giáo dục nào hoàn hảo. Ngay ở những nước Anh, Mỹ vẫn có những khó khăn đối với du học sinh Việt Nam. Vì thế, điều quan trọng là các bậc phụ huynh hãy giúp con đương đầu với những khó khăn này như thế nào mà thôi.