Bức xúc
Theo đơn phản ánh của số đông phụ huynh, những bức xúc bắt nguồn từ đầu năm 2011-2012 Trường Mầm non Tương Giang 2 thu 100.000 đồng/học sinh/năm học để “hỗ trợ dạy và học”. Cuối năm khi phụ huynh hỏi, bà hiệu trưởng Nguyễn Thị Hoan “chỉ nói chung chung không nêu được cụ thể”.
Sáng 5/9 chỉ có 75/235 học sinh Trường MN Tương Giang 2, xã Tương Giang, TX Từ Sơn, Bắc Ninh đến dự lễ khai giảng năm học mới 2013-2014. |
“Sau khi chúng tôi có kiến nghị, cô Hoan đã họp và xin lỗi phụ huynh. Năm 2012-2013 trường không thu khoản hỗ trợ dạy và học nữa. Nhưng sang năm học 2013-2014, trường lại tiếp tục với mức 120.000 đồng/học sinh/tháng” – bà H. có cháu đang học tại trường kể lại.
Không chỉ vậy, ngày 29/8/2013 trường họp phụ huynh để triển khai các khoản thu chi đầu năm. Nhưng theo phụ huynh, đến cuối buổi họp mới được đọc, các khoản thu quá nhiều và giáo vên yêu cầu phải kí luôn nên họ “không có thời gian suy nghĩ và bàn bạc” dẫn tới bức xúc.
Lá đơn của hàng chục phụ huynh phản ánh bức xúc với hiệu trưởng Trường MN Tương Giang 2 Nguyễn Thị Hoan gửi báo chí. |
Phụ huynh T. thắc mắc: Hàng năm trường được nhà nước cấp ngân sách nhưng tại sao vẫn thu tiền điện (14.000 đồng/HS/tháng); tiền dọn cỏ, mua cây chăm sóc trường (6.000 đồng/HS/tháng).
Chị T., bức xúc kể: “Cũng trong buổi họp phụ huynh ngày 29/8 có nhiều khoản tôi không đồng ý đóng vì quá cao. Hôm sau 30/8, cô giáo có gọi điện yêu cầu ký đồng ý. Nếu không đồng ý cô sẽ giữ cháu ở lại trường. Thực tế tôi đã nhờ hai người nhà ra đón nhưng cô không trả cháu. Sau con khóc quá tôi đành ký vào để đón con về”.
Một số phụ huynh cũng cho biết, vì không ký đồng thuận các khoản thu nên con họ bị mời ra ngoài lớp đứng...
Chưa hết, bà H. đại diện nhóm phụ huynh bức xúc thêm: “Năm 2012-2013, tiền ăn bán trú của các cháu còn thừa hơn 11 triệu đồng nhưng khi hỏi nhà trường cũng chưa có giải đáp thỏa đáng cho phụ huynh”.
Đáng lưu ý, trong năm học 2012-2013 ngân sách NN chi 76 triệu đồng cho trường sửa chữa đường điện và các thiết bị nhà vệ sinh nhưng trong cuộc họp phụ huynh cuối năm ngày 18/5/2013 trường vẫn xin phụ huynh mỗi cháu 45.000 đồng (tổng số hơn 12 triệu đồng) để thay mới trường học.
Bức xúc, nhiều phụ huynh đã cùng đứng tên kí vào đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền của thị xã Từ Sơn, ngành GD-ĐT Bắc Ninh từ tháng 6/2013 nhưng qua gần 3 tháng vẫn chưa nhận được trả lời, hồi âm.
Cho con nghỉ
Trước tình hình căng thẳng và ý định không cho con đến trường khai giảng, chiều 4/9 UBND xã Tương Giang đã tổ chức cuộc họp bất thường có mời các ban ngành đoàn thể của thôn Hồi Quan (toàn bộ học sinh Trường MN Tương Giang 2 ở thôn Hồi Quan), xã, hiệu trưởng và các hiệu phó Trường MN Tương Giang 2 cùng toàn thể phụ huynh học.
Trường MN Tương Giang 2, TX Từ Sơn, Bắc Ninh. |
Cuộc họp kéo dài từ 14h chiều đến 18h cùng ngày nhưng phụ huynh vẫn ra về với “bức xúc chưa được giải đáp thỏa đáng” dẫn tới sự việc họ không cho con đến khai giảng và bước vào buổi học đầu tiên của năm học mới.
Chủ tịch UBND xã Tương Giang Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Phụ huynh cần tách bạch việc tố cáo hiệu trưởng và quyền lợi được đến trường của các con. Hiện UBND thị xã Từ Sơn đã lập tổ thanh tra liên ngành giải quyết kiến nghị, tố cáo của người dân. Trong khi chờ đợi kết quả, các cháu vẫn phải được đến trường”.
Phó chủ tịch phụ trách mảng Văn hóa-Xã hội UBND xã Tương Giang Tạ Huy Hoàng cho rằng phản ứng cho con nghỉ học là “tiêu cực,vi phạm quyền trẻ em”.
Dù đã được tuyên truyền, vận động nhiều nhưng theo nhiều phụ huynh, họ cực chẳng đã mới cho con nghỉ học vì họ không yên tâm gửi con tới trường...
Hiệu trưởng nói gì?
Bà Nguyễn Thị Hoan cho biết, những vấn đề liên quan đến tài chính của trường mà phụ huynh tố cáo tôi đã giải trình với tổ thanh tra liên ngành của UBND thị xã Từ Sơn. Đúng sai như thế nào sẽ sớm có kết luận.
Việc đóng góp của phụ huynh trên tinh thần tự nguyện. Những khoản như thu tiền sửa đường dây điện nhà trường đã công khai số điện thoại của người sửa (cùng làng) để bà con gọi xác minh nếu cần.
Chủ tịch UBND xã Tương Giang Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Phụ huynh cần tách bạch việc tố cáo hiệu trưởng và quyền lợi được đến trường của các con”. |
Chuyện thu tiền hỗ trợ dạy và học hay các khoản khác đều phải căn cứ theo hướng dẫn của Phòng GD-ĐT thị xã Từ Sơn. Trước khi đưa ra dự thu chi nhà trường đã tham khảo 3 trường mầm non trên địa bàn xã. Một số khoản còn thấp hơn các trường bên. Có khoản thu dọn cỏ, mua cây, chăm sóc vườn thu thêm vì diện tích sân vườn của trường lớn.
Khoản thu 100.000 đồng hỗ trợ dạy học từ năm 2011-2012 đến năm học 2012-2013 đã dừng lại nhưng sang đến năm nay trường đưa vào danh sách dự thu chi (mức dự thu là 120.000 đồng/ HS/ tháng). Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến phụ huynh thắc mắc.
Theo bà Hoan, việc dự thu không ngoài mục đích nâng cao chất lượng dạy học. Khoản thu này dự chi các khoản: mua sắm phục vụ dạy và học, chi cho các hoạt động trong nhà trường của học sinh (tổ chức khai giảng, trung thu, Nô-el, 20/11, Tết 1/6, thi đua khen thưởng...).
Còn về cuộc họp phụ huynh chiều 29/8/2013 bà Hoan cho biết, phụ huynh đều có biên bản của trường xin ý kiến các khoản thu chi đầu năm. Trong đó, cũng nhiều khoản phụ huynh cho rằng quá cao, không hợp lý. Kết quả 82% đồng ý, 18% không đồng ý.
"Đây mới là dự thu chi. Nếu phụ huynh không đồng ý cũng không thể ép họ nhưng như vậy các con sẽ thiệt thòi" - bà Hoan nói.
Bà Hoan trấn an, phụ huynh không nên đem bức xúc để khiến các cháu học sinh phải nghỉ học. "Tôi có nghe chuyện phụ huynh vận động nhau cho con nghỉ học nhưng không hiểu tại sao mọi người lại cho các cháu nghỉ nhiều đến thế".
Phía UBND xã cùng các đoàn thể như Hội cựu chiến binh,…cùng nhà trường đã tuyên truyền, vận động để phụ huynh cho các cháu đến lớp. Nhưng buổi học ngày 6/9 chỉ 45/235 cháu đến lớp.
Trường đã báo cáo tình hình lên trên Phòng GD-ĐT TX Từ Sơn. Trước mắt, nhà trường kết hợp với chính quyền xã, các ban ngành đoàn thể của địa phương tích cực tuyên truyền vận động phụ huynh thay đổi suy nghĩ.
"Nếu người dân vẫn tiếp tục không cho con đến trường, tôi nghĩ các cấp chính quyền sẽ phải vào cuộc quyết liệt hơn để các cháu học sinh không bị thiệt thòi" - lời bà Hoan.