Cuối tháng 9, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã nhắc lại chủ trương cấm dạy thêm ở quy mô nhỏ, được ngụy trang dưới nhiều tên gọi khác nhau.
"Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng khác nhau khác và sử dụng nhiều phương tiện khác nhau để truy quét và phát hiện những hoạt động bất hợp pháp dưới các tên gọi như 'dạy một thầy một trò', 'giúp việc gia đình cao cấp', 'dạy thêm huy động vốn cộng đồng' và 'dạy trực tuyến'", một quan chức của Bộ Giáo dục cho biết.
Vị này nói thêm chính phủ biết tới thị trường chợ đen cung cấp dịch vụ dạy thêm đã xuất hiện kể từ sau khi các chính sách kiểm soát nhắm vào cơ sở dạy thêm được áp dụng vào tháng 7.
"Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện chủ trương, đồng thời làm giảm sự hài lòng của công chúng đối với cải cách này. Vì vậy, chúng tôi giữ thái độ rõ ràng rằng sẽ quyết trừng phạt những hoạt động vi phạm quy tắc đó".
Lệnh cấm dạy thêm được cho là nỗ lực nhằm giảm gánh nặng học hành cho các em học sinh ở Trung Quốc. |
Cha mẹ lách luật vì con
Tuy nhiên, bất chấp quy định, một số gia đình đã cố tìm cách lách luật, tiếp tục thuê gia sư riêng cho con.
Michelle Su là một trong số đó. Người mẹ đến từ Thượng Hải gửi cậu con trai lớp 8 của mình đến nhà 2 gia sư vào cuối tuần để tham gia các lớp học tiếng Anh và Vật lý.
Mặc dù điều này vi phạm lệnh cấm dạy thêm vào cuối tuần của chính phủ, Su cho biết bà không quan tâm.
"Chừng nào còn zhongkao (kỳ thi tuyển sinh trung học) và gaokao (kỳ thi tuyển sinh đại học), kế hoạch của tôi để giúp con trai phát triển trong học tập sẽ không thay đổi", Su nói.
Su đã thuê giáo viên Vật lý sau khi được một phụ huynh khác giới thiệu, trong khi người trung gian cho gia sư tiếng Anh là giáo viên tại một cơ sở dạy thêm mà con trai cô từng theo học trước khi có lệnh cấm.
Cả hai lớp đều có 3 học sinh tham gia. Mỗi lớp kéo dài 2 giờ có giá 300 nhân dân tệ (46 USD).
"Việc dạy một kèm một sẽ tốn ít nhất là 700 nhân dân tệ (tương đương 108 USD) mỗi buổi. Nó nằm ngoài khả năng chi trả của tôi".
Su cho biết chưa kiểm tra xem liệu 2 gia sư này có được cấp phép - một yêu cầu bắt buộc đối với những người hoạt động trong ngành dạy thêm. "Điều tôi quan tâm là họ dạy có tốt không và điểm số các môn này của con trai tôi có được cải thiện hay không. Chỉ vậy thôi", Su nói.
Học sinh Trung Quốc từ nhỏ đã đối diện áp lực học tập lớn. Ảnh: Reuters. |
Bà Fang, một người mẹ khác ở Thượng Hải, cho biết giáo viên Toán mà bà thuê trong năm qua đã tạm dừng lớp dạy thêm và hoàn trả học phí vào tháng 8.
Nhưng một gia sư tiếng Anh cho con trai của Fang và một cậu bé khác vẫn dạy trực tuyến vào chủ nhật hàng tuần.
"Giáo viên tiếng Anh này đã dạy cho con tôi trong hai năm. Anh ấy biết rõ về chúng tôi và chúng tôi đã hứa sẽ không báo cáo anh ấy với chính quyền. Nhưng anh ấy trở nên thận trọng hơn trước. Gần đây, anh ấy chuyển sang dạy trên một nền tảng trò chuyện trực tuyến khác", Fang nói với tờ Post.
Việc kiểm soát lĩnh vực dạy thêm, học thêm là một phần trong sáng kiến của Trung Quốc nhằm giảm gánh nặng bài tập về nhà của học sinh tiểu học và trung học cơ sở do đào tạo ngoại khóa, được gọi ngắn gọn là chính sách “hai giảm”.
“Chính sách 'hai giảm' là một dự án dài hạn, phức tạp và có hệ thống. Chúng ta phải thực hiện nó một cách rộng rãi và nghiêm ngặt. Chúng ta phải kiên trì triển khai nó", quan chức Bộ Giáo dục nói.
Một số giáo viên đã gặp khó khăn bởi cải cách này.
Cô Wang, một nữ giáo viên tiếng Anh tại một cơ sở giáo dục sau giờ học ở Thượng Hải cho biết cô sẽ không bao giờ tính đến các cơ hội dạy thêm chui trong tương lai vì các quy định nghiêm ngặt hiện tại.
"Quá nhiều rủi ro. Giấy phép giáo viên của tôi sẽ bị thu hồi. Tôi chắc chắn sẽ không làm điều đó", Wang nói.
Cô cho biết trước đây, một số phụ huynh đã yêu cầu dạy kèm con họ tại nhà, nhưng cô không đồng ý với mức phí dạy thêm cao.
Một số chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân báo cáo việc dạy thêm bất hợp pháp, treo thưởng hàng trăm nhân dân tệ cho ai báo cáo vi phạm.
Đầu tháng này, cơ quan quản lý giáo dục ở An Huy đã phạt một giáo viên trung học vì dạy kèm học sinh tại biệt thự của anh ta trong kỳ nghỉ hè.
Li Tao, giáo sư từ Viện Phát triển Giáo dục Nông thôn Trung Quốc tại Đại học Sư phạm Đông Bắc (Trường Xuân), cho biết nhu cầu học thêm sẽ tồn tại miễn là còn sự cạnh tranh gay gắt về bằng cấp.
“Nhiều phụ huynh của học sinh tiểu học, trung học cơ sở hiện nay đã được hưởng lợi từ bằng cấp cao. Họ có khả năng tài chính để thuê gia sư và biết rằng một nền giáo dục tốt có thể ngăn việc con cái họ rơi vào vị trí thấp trong xã hội", Li nói với tờ Post.
"Để giải quyết sự lo lắng của phụ huynh về việc giáo dục con cái, các nhà chức trách nên để họ hiểu các giá trị giáo dục đúng đắn và cải cách hơn nữa hệ thống giáo dục", ông nói thêm.