Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cho giáo viên dạy thêm là ý kiến hay, nhưng cần quản lý chặt chẽ

Giáo viên, nhà quản lý giáo dục hoan nghênh dự thảo mới của Bộ GD&ĐT, nhưng cũng mong bộ quản lý chặt chẽ để tránh hiện tượng tiêu cực xảy ra.

Giáo viên ủng hộ đề xuất cho dạy thêm ngoài trường. Ảnh: Việt Linh.

Bộ GD&ĐT mới công bố dự thảo thông tư Quy định về dạy thêm học thêm. Trong đó, nội dung đáng chú ý nhất là giáo viên có thể mở lớp dạy ngoài trường. Các cá nhân, tổ chức có nguyện vọng mở lớp dạy thêm cần đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

Tin tốt với giáo viên

Khi nghe tin Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến cho dự thảo về việc dạy thêm, học thêm, cô Lê Thảo, giáo viên tại Hà Nội, rất phấn khởi. Cô giáo nói rằng việc Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo này là minh chứng cho việc các nhà quản lý giáo dục đang dần quan tâm, lắng nghe nguyện vọng của giáo viên nhiều hơn.

Cô giáo cũng hy vọng dự thảo sớm được thông qua để giáo viên có thể yên tâm mở lớp dạy thêm một cách công khai, qua đó kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Vì nếu chỉ dựa vào tiền lương dạy học ở trường, giáo viên, nhất là giáo viên trường công lập, sẽ không đủ sống và chăm lo cho gia đình.

day them ngoai truong anh 1

Cô Lê Thảo hy vọng giáo viên sẽ có thêm nguồn thu nhập nếu được phép dạy thêm ngoài trường. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Nhiều năm làm giáo viên tiểu học, cô Lê Thảo thường nhận được đề nghị từ phụ huynh học sinh về việc mở lớp phụ đạo cho con trong năm học và dịp hè. Tuy nhiên, cô giáo đành từ chối vì điều này vốn trái quy định. Nếu bị phát hiện, giáo viên có thể bị hạ bậc thi đua trong năm học tiếp theo, dẫn đến việc không được lên lương.

“Giáo viên hợp đồng có thể không sợ bị phạt nhưng giáo viên biên chế rất cẩn trọng chuyện này. Nhưng thật lòng mà nói, nhu cầu học thêm của học sinh rất lớn, phụ huynh cũng muốn cho con đi học vì không có thời gian dạy con ở nhà. Nếu bây giờ Bộ GD&ĐT cho phép dạy thêm ngoài trường thì tốt quá, chúng tôi sẽ rất biết ơn”, cô Thảo nói.

Cũng bàn về dự thảo dạy thêm của bộ, thầy Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), tin rằng ý kiến này có thể triển khai vì giáo viên sẽ rất ủng hộ.

Trước đây, nhà nước vẫn luôn cấm dạy thêm vì hoạt động này gây ra một số hiện tượng tiêu cực như ép học sinh đi học thêm, dùng đề thi để “lôi kéo” học sinh hoặc “đì” học sinh nếu không tham gia lớp học.

Nhưng hiện tại, khi Bộ GD&ĐT đã đưa ra dự thảo này, thầy Đạt tin rằng đây là dấu hiệu cho thấy bộ đã có thể giải quyết phần nào những hiện tượng tiêu cực nêu trên. Hơn nữa, bộ cũng đã nhìn nhận đến nhu cầu chính đáng của học sinh và giáo viên, cụ thể là học sinh muốn học thêm để có kiến thức và giáo viên có nguyện vọng dạy thêm để tăng thu nhập.

“Tôi thấy đây là một dự thảo hay, cho giáo viên mở lớp ngoài để dạy chính học sinh của mình cũng là điều tốt vì họ là những người rất hiểu học sinh, họ biết nên dạy các em điều gì”, thầy Đạt nói với Tri Thức - Znews.

Nhưng cần quản lý đúng đắn

Là một nhà quản lý giáo dục, thầy Đào Tuấn Đạt rất ủng hộ dự thảo mới của bộ. Tuy nhiên, thầy giáo nêu rằng dự thảo này cần thêm một số nội dung liên quan khâu quản lý để tránh xảy ra hiện tượng tiêu cực như trước đây.

Thứ nhất là về khâu đăng ký học thêm ngoài trường. Thầy Đạt nói rằng thay vì để 1-2 giáo viên trong trường mở lớp dạy thêm theo hướng tự phát, nhà trường nên có một phòng ban hoặc một cán bộ chuyên trách để học sinh đăng ký học thêm với giáo viên yêu thích. Các em có thể tự do đăng ký với giáo viên mình muốn, không nhất thiết phải chọn giáo viên dạy trên lớp.

Cách làm này giúp nhà trường quản lý chặt hoạt động dạy và học thêm ngoài trường, dễ kiểm soát số lượng học sinh và có thể rà soát nhanh chóng nếu phát sinh sự cố.

day them ngoai truong anh 2

Nếu cho phép giáo viên dạy thêm, Bộ GD&ĐT cần quản lý chặt chẽ để hoạt động dạy và học diễn ra hiệu quả, không có hiện tượng tiêu cực. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Thứ hai là lịch dạy thêm ngoài trường. Hiệu trưởng trường trường THPT Anhxtanh nhấn mạnh điều này cần phải được làm chặt để tránh tình trạng học sinh chưa kịp nghỉ hè đã phải mang cặp sách đi học thêm.

Theo đó, thầy giáo đề xuất Bộ GD&ĐT cần đặt ra những “khoảng cấm”, nghĩa là các khoảng thời gian mà giáo viên không được mở lớp dạy thêm cho học sinh, chỉ được dạy trong thời gian cho phép.

Thứ ba là về vấn đề thu học phí. Thầy giáo lấy ví dụ tại Hàn Quốc, nhiều trung tâm dạy thêm tư nhân lớn tổ chức dạy và học rất bài bản, được nhà nước quản lý chặt và có quy định rõ ràng nên phụ huynh có thể tham khảo học phí trước khi cho con đi học. Sự quản lý chặt chẽ về việc thu học phí cũng là điều nên làm để hoạt động dạy thêm, học thêm diễn ra ổn định hơn.

“Tiêu cực khi dạy thêm, học thêm là điều rất khó tránh khỏi. Nhưng nếu các lãnh đạo nhà trường, các sở và Bộ GD&ĐT có phương án quản lý tốt, hiện tượng này sẽ được hạn chế. Ngoài ra, tôi cũng đề xuất các trường nên có hòm thư để học sinh phản ánh vấn đề tiêu cực trong quá trình học thêm ngoài trường. Nếu có hòm thư, hiệu trưởng cần phải giải quyết nhanh và rõ ràng để trẻ yên tâm đi học”, thầy Đạt đề xuất.

Cô Lê Thảo cũng đề cập đến khâu quản lý nếu dự thảo dạy thêm của bộ được thông qua và có hiệu lực. Cụ thể, dự thảo của bộ có đề cập một nội dung là: “Nếu lớp dạy thêm của giáo viên này có học sinh thuộc lớp do giáo viên dạy trực tiếp trong trường, giáo viên phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó (bao gồm họ tên và tên lớp) để gửi lên hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm”.

Cô giáo nói rằng việc yêu cầu giáo viên cam kết không ép trẻ đi học là chưa đủ, các lãnh đạo giáo dục cần phải có biện pháp mang tính răn đe hơn để tránh hiện tượng này xảy ra. Cô lấy ví dụ bộ có thể áp dụng chế tài xử phạt hoặc kỷ luật nếu giáo viên bị phản ánh là ép trẻ học thêm ngoài trường.

Ngoài ra, cô Thảo nói rằng để tránh việc giáo viên dùng đề thi để thu hút học sinh, các trường và lãnh đạo giáo dục cần có biện pháp xử lý cứng rắn, tránh để “con sâu làm rầu nồi canh”.

“Bộ cho giáo viên dạy thêm ngoài trường là điều tốt, nhưng tôi vẫn mong hoạt động dạy thêm này có sự quản lý đúng đắn. Nếu để tiêu cực xảy ra, không chỉ một mà rất nhiều giáo viên khác cũng sẽ bị ảnh hưởng theo, hình ảnh của người làm giáo dục cũng trở nên xấu xí trong mắt nhiều người”, cô Thảo nói.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Dự kiến cho phép giáo viên dạy thêm ngoài trường

Dự thảo thông tư quy định về dạy thêm học thêm của Bộ GD&ĐT có một số nội dung liên quan việc cho phép giáo viên tham gia hoạt động dạy thêm bên ngoài trường học.

Thái An

Bạn có thể quan tâm