Dự thảo về việc dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến góp ý trong thời gian từ ngày 22/8 đến 22/10. Ảnh: Việt Linh. |
Bộ GD&ĐT mới công bố dự thảo thông tư Quy định về dạy thêm học thêm, bao gồm nguyên tắc dạy thêm, học thêm; tổ chức dạy thêm, học thêm; trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
Giáo viên có thể mở lớp dạy ngoài
Trong đó, nội dung đáng chú ý nhất là dự thảo về việc dạy thêm, học thêm ngoài trường. Tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài trường cần đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Trong trường hợp giáo viên (bao gồm phó hiệu trưởng hoặc cấp phó của người đứng đầu) muốn tham gia dạy thêm ngoài trường, bộ yêu cầu các giáo viên phải báo cáo hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nếu lớp dạy thêm của giáo viên này có học sinh thuộc lớp do giáo viên dạy trực tiếp trong trường, giáo viên phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó (bao gồm họ tên và tên lớp) để gửi lên hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm.
Hiệu trưởng có nguyện vọng tham gia dạy thêm ngoài nhà trường cần phải báo cáo và được sự đồng ý của trưởng Phòng GD&ĐT (đối với cấp THCS) hoặc giám đốc Sở GD&ĐT (đối với cấp THPT).
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm và phải được công khai trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Dự thảo mới của Bộ GD&ĐT cho phép giáo viên dạy thêm ở trong và ngoài trường học. Ảnh: Phương Lâm. |
Dạy thêm trong trường cũng cần công khai
Đối với hoạt động dạy thêm, học thêm trong trường, Bộ GD&ĐT yêu cầu tổ chuyên môn tổ chức họp để thống nhất đề xuất với người đứng đầu nhà trường việc dạy thêm, học thêm đối với các môn học do tổ chuyên môn đảm nhận.
Đối với các môn học có đề xuất việc dạy thêm, học thêm, tổ chuyên môn phải trình bày rõ lý do, mục tiêu, nội dung, thời lượng đề xuất dạy thêm, học thêm và danh sách giáo viên đăng ký dạy thêm theo môn học ở mỗi khối lớp.
Việc đề xuất dạy thêm, học thêm của tổ chuyên môn phải được lập thành biên bản, có chữ ký của tổ trưởng và thư ký là một giáo viên được bầu trong cuộc họp.
Khi đó, hiệu trưởng căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh.
Tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không được quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp THCS và không quá 48 tiết/tuần đối với cấp THPT.
Ngoài ra, nhà trường cần công khai việc tổ chức dạy thêm, học thêm về mục tiêu, nội dung, thời lượng, mức thu tiền học thêm và danh sách giáo viên dạy thêm theo môn học, ở mỗi khối lớp để học sinh có nguyện vọng học thêm tự nguyện đăng ký học thêm.
Thông qua đó, hiệu trưởng căn cứ nguyện vọng của học sinh xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm (xếp lớp, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu theo từng môn học ở mỗi khối lớp).
Hiệu trưởng cũng cần báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp trước khi tổ chức dạy thêm, học thêm. Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm của nhà trường được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường và thông báo cho cha mẹ học sinh.
Về việc thu tiền học thêm, mức thu được thực hiện theo nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở đề xuất của UBND cấp tỉnh theo quy định.
Trong trường hợp nhà trường, cơ sở dạy thêm, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm cũng sẽ bị xử lý theo quy định.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.