Nhìn mọi người háo hức săn vé concert của BlackPink tổ chức ở SVĐ Mỹ Đình vào cuối tháng 7 tới, Ngọc Lan (26 tuổi, Hà Nội) lại nhớ tới cảm giác săn vé vừa hồi hộp, vừa lo lắng thế nào.
Lan tham dự show của nhóm hồi tháng 1 tại Thái Lan và mua vé từ tháng 11 năm ngoái.
Lần đầu đi concert của nhóm cũng như show diễn ở nước ngoài, cô lên kế hoạch cụ thể, tìm hiểu kỹ sơ đồ chỗ ngồi, tập trước cách thanh toán thẻ quốc tế. Những ngày tiếp sau, cô dành nhiều giờ đọc các chia sẻ trong nhóm cộng đồng fan, bài đăng từ những khán giả từng đi trước đó để lấy kinh nghiệm.
Để có trong tay tấm vé đi xem show biểu diễn của thần tượng, nhất là các tên tuổi lớn, những người hâm mộ như Lan phải bỏ nhiều công sức và thời gian. Bù lại là cảm giác hạnh phúc khi có cơ hội được nhìn ca sĩ yêu thích ngoài đời thực, nghe trực tiếp nhiều ca khúc đã thuộc lòng từ lâu.
Người hâm mộ dùng nhiều thiết bị khác nhau để xếp hàng chờ mua vé mở bán sớm của Taylor Swift. Ảnh: The Straits Times. |
"Như một cuộc chiến"
Quyết tâm săn được vé concert của Taylor Swift tổ chức tại Singapore vào tháng 3/2024, Hoàng Trần (25 tuổi, Hà Nội) bỏ cả giấc ngủ trưa để ngồi canh màn hình máy tính vào ngày mở bán vé (7/7).
Bánh mì cũng được nam nhân viên văn phòng mua từ trước để ngồi ăn tại chỗ trong lúc săn vé, tránh cảnh phải di chuyển ra chỗ khác.
Để tăng tỷ lệ trúng, Hoàng rủ nhóm bạn 3-4 người bạn nữa cũng có nhu cầu như anh. Mỗi người lại chuẩn bị thêm một vài thiết bị để cùng vào mua. Ai vào được sớm trước sẽ mua cho cả nhóm.
Riêng Hoàng chuẩn bị 2 máy tính xách tay, thêm một điện thoại và một máy tính bảng.
"Trước đó, từ chia sẻ của những fan quốc tế khác trên mạng xã hội, mình biết quá trình xếp hàng trên hệ thống, chờ đến lượt vào mua có thể rất lâu, kéo dài đến 4-5 tiếng là chuyện bình thường bởi người mua rất đông.
Tuy đã xác định vậy, bản thân vẫn không tránh khỏi cảnh thấy nản, mệt bởi theo số thứ tự được phát, mình phải chờ hơn 400.000 người mới đến lượt", Hoàng kể.
Cũng là lần đầu tranh vé concert tổ chức ở nước ngoài của ca sĩ nổi tiếng hàng đầu thế giới, Hoàng ví quá trình mua vé như "một cuộc chiến" vì có thể xếp hàng rất lâu nhưng khi vào đến phần đặt chỗ, người mua chỉ có khoảng 10 phút thực hiện tất cả bước cần thiết như chọn ghế, số lượng, thanh toán, chưa kể những sự cố có thể phát sinh như hệ thống lỗi, mạng chậm.
Ngọc Lan ở show của BlackPink tại Bangkok (Thái Lan). Ảnh: NVCC. |
Trong nhóm chat chung, tin nhắn từ những người bạn hiện lên liên tục, cập nhật tình hình lẫn nhau và cả thông tin cộng đồng fan chia sẻ trên mạng.
"Thấy kha khá người khoe đã mua được vé, mình càng bồn chồn hơn, sợ chưa đến lượt mình đã hết sạch. Qua vài tiếng, mình thấy cơ hội hẹp dần nhưng cũng tự nhủ không bỏ cuộc giữa chừng", Hoàng cho hay.
Cuối cùng, may mắn cũng mỉm cười với anh, sau 6 tiếng chờ đợi, đến gần cuối chiều, Hoàng cũng săn được 2 cặp vé có giá khoảng 40 triệu đồng.
"Dù mức giá phải trả cao gần gấp đôi dự tính ban đầu vì chỗ mình định săn đã hết, mình vẫn thấy hạnh phúc. Giây phút nhận được thông báo đặt vé thành công, mình mất một lúc mới tin là đã làm được", anh bày tỏ.
Tuy nhiên, không phải fan nào cũng may mắn tự săn được vé giá gốc.
Vào ngày mở bán vé cho show diễn của BlackPink, Ngọc Lan cũng đăng nhập tài khoản từ sớm, chuẩn bị sẵn Internet tốc độ cao kèm theo 1-2 thẻ ngân hàng khác dự trù phòng trường hợp thanh toán lỗi.
Tuy lên kế hoạch kỹ càng, Lan cho hay quá trình phụ thuộc nhiều vào may mắn bởi số thứ tự xếp hàng được hệ thống thả ngẫu nhiên, người đăng nhập sớm không có nghĩa là được mua sớm và ngược lại.
“Mình vừa qua thời gian xếp hàng, mới vào khu vực mua chưa được bao lâu thì nhận thông báo vé ở khu trên khán đài muốn mua đã không còn chỗ trống. Cảm giác lúc ấy rất hụt hẫng".
Đến ngày hôm sau, cô tiếp tục dành nguyên ngày để canh vé. Song, các chỗ còn mua được chỉ còn vị trí đứng. Cuối cùng, Lan chấp nhận mua lại vé san nhượng, với giá gấp đôi so với giá niêm yết.
Phụ thuộc nhiều vào may mắn
Từng có 5 lần đi các đêm diễn của nghệ sĩ yêu thích tại các nước Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Singapore, My Hoàng (26 tuổi, Hà Nội) rút ra được kha khá kinh nghiệm trong quá trình tự săn vé.
Thông thường, thời gian thông báo lịch diễn thường rất sớm và cách xa so với ngày tổ chức.
Vì vậy, My Hoàng thường phải tính toán kỹ trước khi quyết định săn vé. Các yếu tố để cô cân nhắc bao gồm: mức độ yêu thích dành cho người biểu diễn, tài chính, thời gian diễn ra.
Ngoài ra, My còn chú ý tới địa điểm tổ chức, với mong muốn chọn chỗ nào mình chưa tới để kết hợp đi du lịch.
Cô đánh giá nghệ sĩ càng nổi tiếng, độ cạnh tranh để có cơ hội tham dự concert càng cao và nhiều khi phụ thuộc vào may rủi.
My Hoàng tham dự show diễn của thành viên Suga (BTS) ở Hàn Quốc hồi tháng 6. Ảnh: NVCC. |
"Ví dụ, khi săn vé của nhóm nhạc BTS, người hâm mộ phải trải qua vòng đầu tiên là raffle (một dạng quay số bốc thăm), nếu trúng sẽ có cơ hội mua vé ở vị trí đẹp, gần sân khấu.
Còn không, fan phải chờ tới lượt sau, khi mở bán những chỗ còn lại. Tuy nhiên, fan quốc tế rất khó tự mua được vé ở vòng này dù canh từ rất sớm".
Tùy theo từng show, My sẽ tự mình săn vé hoặc kết hợp đặt chỗ những bên dịch vụ ở nước tổ chức, nếu đủ khả năng chi trả. Điều này đòi hỏi cần bỏ thời gian tìm hiểu về độ tin cậy của người bán.
"Ở những show nhất định phải đi, mình sẵn sàng trả thêm tiền công cho bên nhận đặt hộ, có khi bằng một nửa giá trị tiền vé. Ngược lại, mình nói 'không' với mua sang nhượng với giá độn cao gấp mấy lần bởi thấy không đáng", cô bày tỏ.
Còn khi tự mua, giống như nhiều fan khác, My dành thời gian đọc kỹ các điều khoản trong quy định, điều khoản của ban tổ chức, đơn vị bán vé, từ những chi tiết nhỏ nhất như tên hiển thị trên vé, mình được phép 'giữ vé' chờ trả tiền trong bao lâu.
Đến ngày mở bán, cô ghi ra trước mọi thông tin cá nhân cần thiết, từ thẻ ngân hàng cho đến hộ chiếu. Các thao tác cũng cần rất nhanh và chính xác. Ngoài ra, cô cố giữ được tâm trạng thoải mái, bình tĩnh, tránh căng thẳng.
"Lần tiếc nhất là khi mua vé một show ở Singapore, vào đến nơi, mình thấy một vị trí rất đẹp nhưng lại chần chừ không đặt luôn, cuối cùng hụt chỗ. Đến khi bên dịch vụ đưa lại vé, chỗ ngồi lại xấu và xa hơn mình nghĩ nhiều.
Còn lần tự mua vui nhất là khi đi xem Suga (BTS) biểu diễn ở Hàn Quốc vào tháng 6 vừa qua. May mắn, mình bốc thăm được quyền mua vé khu VIP, không phải xếp hàng lâu, vị trí đẹp, gần sân khấu với mức giá gốc", My kể lại.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.