Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Chờ hàng giờ dưới trời rét ăn mì ramen vỉa hè hồ Tây

Bất chấp thời tiết lạnh giá, nhiều bạn trẻ vẫn đi hàng chục km, xếp hàng đến nửa đêm để thưởng thức món mì ramen vỉa hè hồ Tây đang "làm mưa làm gió" trên MXH thời gian gần đây.

Nằm trên vỉa hè phố Trích Sài, ven hồ Tây, quán mì phục vụ mì ramen kiểu Nhật Bản thu hút nhiều bạn trẻ đến thưởng thức. Ảnh: Yatai ramen Hanoi.

"Ngon nhưng chờ lâu", "xếp hàng cả tiếng" hay "thách thức sự kiên nhẫn của khách hàng"... là những bình luận về sự đông đúc của quán mì ramen bên đường Trích Sài, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Chỉ mới mở cửa khoảng hơn 2 tháng, địa điểm này được cho là quán mì ramen vỉa hè đầu tiên tại Hà Nội, thu hút lượng lớn thực khách là các bạn trẻ ghé thưởng thức và check-in.

"Biết quán đông khách nên 22h tôi mới đến, nhưng khi đến nơi vẫn rất đông, phải chờ 25 phút mới có đồ ăn", Bùi Huyền (sinh năm 2001, ngụ đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) nói với Tri Thức - Znews.

Ha Noi anh 1

Thực khách xếp hàng tràn xuống lòng đường chờ đến lượt vào bàn, thưởng thức mì. Ảnh: Quỳnh Trang.

Nhà ở quận Gia Lâm, Hiếu Trung (sinh năm 2006) cùng bạn thân Tuấn Anh lái xe hơn 20 km đến quán mì ramen vỉa hè "hot nhất TikTok" để thưởng thức.

2 chàng trai tỏ ra vui vẻ chờ 30 phút cho 2 tô mì. Trước đó, họ chuẩn bị tâm lý đợi một tiếng bởi chứng kiến lượng khách đông, mọi người đều đang xếp hàng.

"Đây là lần đầu tiên tôi ghé quán. Thông qua mạng xã hội, tôi được biết quán ramen này nổi tiếng và nhiều người review nên muốn đến thử. Tô mì khá ngon, nước dùng béo, đậm đà, hợp khẩu vị của tôi", Tuấn Anh chia sẻ và đánh giá 9/10 cho món mì.

Với mức giá 59.000 đồng/bát ramen, nhiều bạn trẻ sẵn sàng chi tiền để trải nghiệm. Phần lớn thực khách nhận xét giá tiền rẻ hơn nhiều nếu vào các nhà hàng ramen Nhật Bản có không gian khép kín, tiện nghi.

"Bày bán trên vỉa hè chính là điểm nhấn hút khách của quán. Nếu mở trong một nhà hàng chưa chắc đã hút được nhiều khách thế này. Cách trang trí nổi bật và mới mẻ cũng giúp tiệm nổi tiếng trên mạng xã hội, từ đó kéo lượng khách lớn đến thưởng thức", thực khách Đặng Nam (sinh năm 2003, ngụ Hà Đông, Hà Nội) nhận xét.

Quán ramen cách nhà khoảng 16 km, lại phải chờ khá lâu giữa trời lạnh mới có bàn khiến nam thực khách đôi phần hụt hẫng. Song, về phần hương vị, Nam đánh giá nước dùng vừa vặn, hợp khẩu vị số đông. Quán ghi điểm khi điều chỉnh mức cay phù hợp với yêu cầu.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, Việt Anh, chủ quán mì, cho biết trung bình một ngày quán bán 200-250 bát. Lượng khách đến quán rất đông, nhiều khi hết hàng sớm trước giờ đóng cửa.

"Tôi đi rất nhiều nước, có cơ hội trải nghiệm hầu hết văn hóa các nước Đông Nam Á, nhưng văn hóa vỉa hè ở Việt Nam trong mắt tôi là đặc sắc nhất. Tình cờ biết đến ẩm thức vỉa hè 'Yatai' trong chuyến đến Nhật, tôi nảy ra ý định học hỏi ẩm thực của họ đem về kết hợp với văn hóa vỉa hè tại Việt Nam, mang đến cho thực khách sự đa dạng trong trải nghiệm vị giác", Việt Anh chia sẻ.

Yatai là những quầy hàng vỉa hè truyền thống ở Nhật Bản. Theo đó, các quầy hàng bắt đầu mở cửa từ chiều tối đến khuya (thường từ 18h đến 2h sáng hôm sau).

Đặc trưng của quầy là một chiếc xe đẩy, bên ngoài quán được trang trí nhiều màu sắc với đèn lồng. Mùa đông có thêm tấm bạt che để chắn gió hay mưa lạnh. Ở giữa là khu vực của đầu bếp chế biến, xung quanh xếp nhiều ghế sẵn cho khách, trên bàn có đủ các lọ gia vị, đũa xếp gọn gàng.

Ha Noi anh 6

Chủ quán cho biết các nguyên liệu và công đoạn nấu mì đều được thực hiện tỉ mỉ. Ảnh: Quỳnh Trang.

Đem gần như nguyên vẹn mô hình Yatai Nhật Bản về vỉa hè đường phố Hà Nội, Việt Anh tâm sự bản thân bỏ rất nhiều công sức và tâm huyết vào quán ăn này với mong muốn đem đến nhiều trải nghiệm độc đáo cho thực khách.

"Thực tế khách đến đây không hẳn vì món ăn ngon mà còn muốn trải nghiệm đặc sắc văn hóa Nhật Bản, khác ra sao với quán ăn vỉa hè ở Việt Nam", Việt Anh chia sẻ.

Chủ quán ramen cho biết tuy là mô hình vỉa hè, quy trình từ chế biến đến lựa chọn nguyên liệu rất tỉ mỉ và cầu kỳ. Các nguyên liệu quán đều nhập tươi và bán hết trong ngày. Thịt lợn, rau, ngô ngọt... nhập từ siêu thị lớn. Riêng sợi mì được đặt làm thủ công. Một số gia vị truyền thống, quán phải lùng sục khắp các cửa hàng nội địa Nhật để tìm mua.

Hiện tại quán có 4 vị nước dùng, bao gồm Tan tan ramen (nước hầm xương kết hợp sữa đậu nành, thêm vị cay tê của ớt chưng tứ xuyên), Tankotsu ramen (nước hầm xương hòa cùng nươc tương Dashi), Miso ramen (nước hầm xương kết hợp sốt đậu nành lên men), Shoyu ramen (nước hầm xương kết hợp nước tương đậu nành).

Tuy nhiên, cũng chính mô hình vỉa hè, không gian hạn chế khiến quán chỉ đón được một lượng khách nhất định. Chờ lâu, nhiều người mất kiên nhẫn đành ngậm ngùi ra về hoặc đến nơi thì quán hết hàng.

Việt Anh cho biết hiện quán đang cố gắng đóng gói quy trình để mở thêm cơ sở phục vụ lượng khách quá tải. Chủ tiệm khẳng định quán không nâng cấp thành nhà hàng, vẫn giữ nguyên mô hình vỉa hè như hiện tại bởi "như vậy mới đúng văn hóa ẩm thực đường phố Nhật Bản mà chúng tôi muốn truyền tải".

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch

Viễn cảnh éo le của mì ramen Nhật Bản

Giá nguyên liệu leo thang khiến một số chủ cửa hàng kinh doanh món mì ramen khó lòng giữ mức giá phải chăng như cũ, theo Reuters.

Món mì ramen bọ biển không phải ai cũng dám thử

Một quán mì ở Đài Loan (Trung Quốc) vừa ra mắt món mì bọ biển khổng lồ với giá 48 USD. Tuy nhiên, không phải thực khách nào cũng đủ can đảm thử món ăn này.

Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm