- Anh thấy thế nào khi thời gian qua, nhiều khán giả phải chờ đợi để mua được vé "Lửa Thiện Nhân”?
- Sự đón nhận của khán giả có thể xem là sự thành công nhất định đối với tôi rồi. Tuy nhiên, tôi chờ đợi hiệu ứng với xã hội với thông điệp: Cùng xem để cùng vui sống, nhân ái và thương yêu. Xem phim xong, chúng ta chưa giúp được gì cụ thể cho nhau, nhưng ít nhất trong cư xử hằng ngày sẽ nhẹ nhàng, nhân ái hơn. Nhiều thầy cô xem phim xong gọi cho tôi, mong muốn phim đến được với nhiều em học sinh hơn. Có cô nói xem phim này có thể bằng hàng trăm tiết giáo dục công dân. Cô ấy có thể nói hơi quá, nhưng tôi nghĩ nó cũng có tác động nào đó đến với các cháu, đặc biệt nhờ sự kiên cường của bé Thiện Nhân.
Đạo diễn Đặng Hồng Giang nói rằng, anh cố tử tế hơn khi theo đuổi câu chuyện của Thiện Nhân. |
- Trong buổi gặp gỡ báo chí, chị Mai Anh tỏ ra áy náy vì chị ấy nhiều khi do mệt mỏi nên có khi không theo lời đạo diễn. Những điều này hẳn ảnh hưởng ít nhiều đến ý đồ đạo diễn?
- Trong quá trình quay phim, tôi luôn nói với nhân vật của tôi rằng, hãy quên chúng tôi, cố gắng nói và hành động như hằng ngày. Tuy nhiên, cảnh quay nào mà nhân vật của mình làm gì chưa đúng ý, tôi rất ít khi yêu cầu làm lại vì khi đó mất tự nhiên. Không còn cách nào khác ngoài chịu khó, tôi phải quay lại với công việc của họ vào hôm sau.
- Suốt ba năm làm phim, nhiều lần mẹ bé Thiện Nhân - chị Mai Anh cáu với anh vì làm phim kỹ, thêm mệt mỏi. Điều gì thôi thúc anh nhất để đi đến cùng?
- Tôi nhìn thấy một câu chuyện đẹp. Giữa một xã hội đôi khi căng thẳng, sáng mở báo ra nhiều chuyện buồn hơn vui, tôi muốn đưa câu chuyện đẹp này đến với mọi người. Câu chuyện về Mai Anh, Thiện Nhân, Greig, Na Hương và bác sỹ Roberto đã đẹp từ lâu rồi, chứ không phải chờ tới lúc phim ra mắt. Phim không thể làm nó đẹp hơn được. Thiên chức của người làm truyền thông cho tôi niềm tin theo đuổi câu chuyện có tác động tích cực đối với xã hội.
- Anh cảm nhận thế nào về linh hồn của bộ phim, chú lính chì Thiện Nhân?
- Trong quá trình làm Lửa Thiện Nhân, tôi đã làm rất nhiều phim khác cho Đài truyền hình TPHCM, tôi gặp gỡ nhiều nhân vật. Riêng với Thiện Nhân, cháu bé này rất lạ. Trong quá trình đeo đuổi quay hình ảnh, chúng tôi có nhiều cảm xúc: yêu quý, khâm phục... Khi cậu bé nhập cuộc, nó bỏ qua những cảm giác có người đeo bám, chúng tôi theo không kịp. Rõ ràng, chính sự năng động của nó làm nên cái hồn của phim. Không hề có sự bi lụy, mặc dù hoàn cảnh thoạt nghe quá đau xót, nhưng tiếp xúc không hề có nước mắt. Chính sự năng động đó lại làm khán giả chảy nước mắt. Bên cạnh đó, Mai Anh, Greig trả lời phỏng vấn rất đời, như hơi thở.
- Đồng nghiệp tại LHP độc lập New York góp ý những gì, để anh chỉnh sửa và có một bản dựng ưng ý hơn ra mắt khán giả trong nước?
- Họ khuyên nên cô đọng lại vì khi mang đến LHP độc lập New York, phim dài đến 86 phút. Tôi làm chặt chẽ thêm, bớt đi những chi tiết không cần thiết. Đặc biệt họ góp ý thêm về vấn đề kỹ thuật, âm thanh hiện trường không tốt lắm nên chúng tôi phải thiết kế lại. Rồi những thước phim quay bằng máy ảnh du lịch, điện thoại đều phải nhờ đến chuyên gia hậu kỳ để chuyển hóa đưa lên màn ảnh lớn. Tuy thế, cảm xúc của những video tư liệu đó được đặt vào đúng chỗ, kết hợp âm nhạc tạo nên cảm xúc chân thật cho những tình tiết rất nhỏ trong phim. Đó chính là linh hồn của phim.
- Một câu chuyện hay, thậm chí kịch tính cũng đến rất tự nhiên. Vậy, dấu ấn đạo diễn ở đâu?
- Tôi là người có công mang câu chuyện đó đến với khán giả, tất nhiên có sự sắp xếp cho mạch truyện logic, chỗ nào cần nhấn thì nhấn thêm một chút. Vốn dĩ câu chuyện đã đẹp, còn làm nên câu chuyện đẹp, chính là các nhân vật. Ở dòng phim hiện thực, nếu không có câu chuyện đẹp bạn không thể làm phim được, vì bạn không thể tô hồng thêm.
- Không ít nhà báo tỏ ra bức xúc vì một bộ phim như “Lửa Thiện Nhân” bị đối xử bất công, không chen chân được ở các rạp lớn. Anh thấy thế nào?
- Tôi chưa từng nghĩ đó là sự bất công. Những người làm công tác phát hành đi theo tôn chỉ và định hướng kinh doanh của họ. Chính những nhà làm phim tài liệu, hiện thực cũng nên xem lại: Đề tài, cách làm đủ hay để cuốn hút các nhà rạp hay chưa. Còn việc không đưa được phim ra rạp lớn, tôi nghĩ là giai đoạn khó khăn đối với dòng phim tài liệu hiện thực. Tôi biết nhiều đồng nghiệp say mê dòng phim này, qua Lửa Thiện Nhân tôi hy vọng mọi người nhìn thấy tiềm năng.
Thêm cơ hội tiếp cận Lửa Thiện Nhân
Sau khi phim được chiếu độc quyền tại cụm rạp Ngọc Khánh tại Hà Nội, rạp Tân Sơn Nhất (TPHCM), Lửa Thiện Nhân do hãng Oriental Pictures sản xuất, được công chiếu trên toàn hệ thống cụm rạp Platinum từ ngày 30/10.