Câu chuyện thầy Phạm Quốc Đạt (THPT Võ Trường Toản, quận 12, TP.HCM) bị đình chỉ giảng dạy đang gây tranh cãi sau khi giáo viên này cho học sinh lớp 11 đóng một số cảnh bị cho là nhạy cảm trong trích đoạn "Hạnh phúc của một tang gia" (Số Đỏ - Vũ Trọng Phụng) và "Bỉ vỏ" của Nguyên Hồng vào đầu năm 2019.
Hai clip về vở kịch của học sinh được lan truyền trên mạng nhà trường cho rằng một số cảnh sân khấu hóa tái hiện “cảnh nóng”, như ân ái giữa Xuân tóc đỏ và cô Tuyết, cảnh nhân vật Tám Bính bị hãm hiếp… Thầy Đạt bị cho là vượt quá khuôn khổ của sự sáng tạo khi dạy học.
Trong khi phụ huynh cho rằng nhà trường và thầy cô nên chọn lọc tác phẩm để học sinh sân khấu hóa, nhiều giáo viên tranh luận về việc học sinh hóa thân vào những nhân vật văn học, đóng những cảnh ân ái, hãm hiếp.
Giáo viên tranh cãi
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), khi xem những hình ảnh học sinh THPT Võ Trường Toản sân khấu hóa các phân cảnh được cho là nhạy cảm, ông cảm thấy rất bình thường.
"Đồng ý phải có ranh giới giữa sáng tạo và dung tục nhưng chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật rằng ngày nay, học sinh có thể xem những cảnh quan hệ tình dục ở phim ảnh, trên mạng xã hội, YouTube. Nếu thầy cô, phụ huynh cứ e dè khi nhắc đến những điều này, việc giáo dục giới tính ở nhà trường không được trọn vẹn. Tương tự, những phân cảnh hãm hiếp, ân ái được dàn dựng bằng kỹ thuật ánh sáng, sau một tấm màn rất sáng tạo thì sao chúng ta lại dè chừng?", thầy Phú đặt câu hỏi.
Theo hiệu trưởng này, ở cấp độ quản lý, người đứng đầu trường học nên ủng hộ, động viên thầy cô và học trò sáng tạo trong dạy và học, chỉ cần điều đó không vi phạm đạo đức, chuẩn mực xã hội. Giờ dạy của người thầy, hãy để giáo viên được làm chủ.
Học sinh cấp 2 đã học Ngữ văn bằng hình thức sân khấu hóa. Ảnh: THCS Đào Duy Từ. |
Thường cho học sinh sân khấu hóa các tác phẩm văn học, cô Lê Thanh, giáo viên dạy Ngữ văn cấp ba ở Bình Định, cho rằng không thể lấy lý do học sinh có thể xem những thứ liên quan tình dục dễ dàng để dễ dãi trong dạy học. Phần đông học sinh vẫn rất trong sáng, cho nên, vấn đề liên quan tình dục vẫn rất nhạy cảm, nhất là được diễn hoặc xem giữa đám đông là bạn bè của mình.
Theo nữ giáo viên, thầy cô có thể cho học sinh sân khấu hóa tác phẩm nhưng có cần thiết phải đưa những cảnh nhạy cảm vào không. Để khám phá tác phẩm văn học không cần thiết phải đưa trọn vẹn, y nguyên các cảnh nhạy cảm học sinh mới hiểu được, chỉ cần dẫn lời, các em cũng đã hình dung.
Theo cô Trần Thị Quỳnh Anh, giáo viên môn Ngữ văn tại trường THPT Trưng Vương (TP.HCM), khoan bàn đến những cảnh diễn ái ân của học sinh có dung tục hay không, việc đưa nhưng trích đoạn này cho các em sân khấu hóa đã là không cần thiết.
Cô Quỳnh Anh cho biết trích đoạn "Hạnh phúc một tang gia" trích từ tác phẩm "Số đỏ" được dạy trong nhà trường không hề có cảnh ái ân giữa cô Tuyết và Xuân tóc đỏ. Tương tự, tác phẩm "Bỉ vỏ" của Nguyên Hồng cũng không nằm trong đơn vị kiến thức được dạy.
"Cho học sinh sân khấu hóa những trích đoạn không nằm trong chương trình học có phù hợp không và việc đưa những cảnh nhạy cảm vào có khiêng cưỡng quá không", nữ giáo viên băn khoăn.
Giáo viên trường THPT Trưng Vương cho rằng việc việc đánh giá sẽ tuỳ thuộc cảm quan của mỗi người và phải xem toàn bộ vở kịch mới biết có phù hợp hay không, hay chỉ là khiên cưỡng đưa vào như một chi tiết làm thoả mãn trí tò mò tuổi mới lớn của học trò.
"Sáng tạo là cần thiết, nhưng sáng tạo giống một con diều, cần sợi dây để níu giữ. Nếu phải chọn sân khấu hoá tác phẩm 'Hạnh phúc một tang gia', mình sẽ thể hiện những cảnh nhạy cảm theo một cách khác nhẹ nhàng hơn, có những thứ không nhất thiết phải làm rõ ràng quá vì tuổi của các em còn nhỏ. Như cảnh đêm trăng tại vườn chuối trong tác phẩm "Chí Phèo", đóng đến đoạn Chí sà vào Thị ngay chỗ bụi chuối thì học sinh sẽ rung rinh cây chuối. Như vậy, các em vẫn hiểu được lại vừa hài hước, gây cười sẽ hiệu quả hơn rất nhiều", cô Quỳnh Anh cho biết.
Thầy Phạm Quốc Đạt, giáo viên môn Văn trường THPT Võ Trường Toản - người cho học sinh sân khấu hóa những phân đoạn trên - cho rằng khi xem một tác phẩm hay trích đoạn thì nên đặt nó vào trong bố cảnh nó xuất hiện. Nếu chỉ xem những đoạn nhỏ có cảnh cưỡng hiếp hay ân ái thì sẽ rất dễ thấy đó là dung tục. Các em tham gia diễn vai từ đầu đến cuối, đi hết một tác phẩm thì sẽ cảm thấy đó là bình thường và càng hiểu rõ về tác phẩm ấy.
Nên chọn tác phẩm... an toàn?
Xem đoạn video phân đoạn nhạy cảm của học sinh trường THPT Võ Trường Toản, chị Nga, một phụ huynh có con học cấp ba tại TP.HCM, cho biết nếu biết con mình sẽ đóng những cảnh này, chị sẽ không cho tham gia.
"Tôi không cấm con biết và đóng cảnh hơi nhạy cảm, nhưng có cần thiết quá rõ ràng như vậy không, nhất là khi các con đóng với bạn học của mình, rồi xem cùng lớp hoặc với cả trường", chị Nga nói.
Ngược lại, anh Hải Quốc, phụ huynh học sinh lớp 12, nêu quan điểm con mình từng tham gia hóa thân nhân vật trong tác phẩm "Chí Phèo" ở lớp. Con gái anh còn rất hồ hởi cho gia đình cùng xem tác phẩm mình vào vai.
"Tôi thấy việc học sinh hóa thân khi học Văn rất thú vị, mang tinh thần tích cực. Nếu học sinh thích và mong muốn làm như vậy, tôi nghĩ cứ cho phép. Đây cũng là một cách học hiệu quả", phụ huynh Quốc cho biết.
Trong khi đó, chị Hà Oanh (quận 4, TP.HCM) lại cho rằng nhà trường, thầy cô nên chọn lọc tác phẩm để các em sân khấu hóa.
"Đồng ý rằng sân khấu tác phẩm văn học thì học sinh sẽ thích thú, lớp học cũng sinh động, không nhàm chán. Nhưng có rất nhiều tác phẩm, thầy cô có thể cho các em chọn những tác phẩm khác, không nhất thiết phải có 'cảnh nóng'", chi Oanh cho hay.