Bác sĩ Đào Thị Thu Hương đang khám tâm lý cho một bé trai mắc bệnh tăng động. |
Một số bậc cha mẹ thường mong con mình sẽ mạnh dạn, tự tin vui chơi, chạy nhảy mà không cảm thấy sợ sệt với thế giới xung quanh. Tuy nhiên, việc con quá gan dạ, bình tĩnh, không tỏ ra cảm giác lo sợ cũng khiến cha mẹ phiền muộn.
Phát hiện con trai thường xuyên chạy nhảy nhiều, vui chơi không dừng nhưng ít nói và không biết sợ từ khi mới 2 tuổi, chị Nguyễn Thùy (sống tại TP.HCM) luôn sống trong muộn phiền và lo lắng.
Tuy nhiên, khi đặt lịch hẹn khám tâm lý và kiểm tra trí tuệ cho con, chị Thùy tiếp tục bất an khi danh sách chờ khám đến tận hơn giữa tháng 4.
Loay hoay tìm nơi khám tâm lý cho con
Chia sẻ với Zing, chị Thùy cho biết đã tham khảo và tìm kiếm nhiều đơn vị điều trị tâm lý trẻ em tại các bệnh viện lớn ở TP.HCM. Tuy nhiên, danh sách chờ khám tâm lý của trẻ nhỏ khá đông khiến người mẹ bối rối.
"Lúc đầu, thấy con hoạt bát, hiếu động tôi cũng mừng. Dần dần, con cứ chạy suốt, khi thấy xe lớn phía trước, con cũng không biết sợ hay kiêng dè, tôi bắt đầu lo lắng", chị Thùy tâm sự.
Do đó, khi gần 2 tuổi, chị đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Các bác sĩ bảo con có chiều hướng tự kỷ nhưng chưa thể kết luận chắc chắn. Thêm vào đó, bác sĩ dặn dò con còn nhỏ, chưa có cơ hội tiếp xúc nhiều với bên ngoài nên mẹ cần cho con đi nhà trẻ và quan sát thêm.
Nhưng đến hiện tại, bé đã 37 tháng tuổi, đi nhà trẻ được 7 tháng vẫn còn chạy nhiều, chậm nói, lười ăn và không biết sợ. Chị Thùy cảm thấy không an tâm nên quyết định tiếp tục đưa con đi khám tâm lý.
"Ở nhà, thỉnh thoảng tôi sẽ bật tivi để con nghe nhạc nhưng ngồi chưa bao lâu thì con đứng lên chạy. Khi đi học, con rất ít chơi với bạn, chỉ ngồi chung với bạn được một lát thì cầm đồ chơi ra chỗ khác", chị Thùy cho hay.
Chị Thùy liên hệ với Bệnh viện Nhi đồng 2 để đặt hẹn. Với tâm lý lo lắng và muốn con mình đi khám càng sớm càng tốt nhưng lịch khám còn rất xa, phải chờ hơn 3 tuần. Chị Thùy đành phải đổi sang khoa Tâm lý tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM.
May mắn, lịch hẹn không quá lâu. Con chị Thùy được kê thuốc uống để cải thiện tình trạng khó ngủ, ngủ không sâu giấc và kén ăn, đồng thời khắc phục tình trạng chạy nhiều. Tuy nhiên, về việc khám tâm lý qua bài test kiểm tra trí tuệ để chẩn đoán mức độ tâm lý, mãi đến 19/4 bé mới có lịch khám.
Chị Thùy loay hoay liên hệ lại với khoa Tâm lý của Bệnh viện Nhi đồng 2, Nhi đồng 1 đều cùng tình trạng "tắc nghẽn" danh sách chờ.
Hàng nghìn trẻ đi khám tâm lý mỗi tháng
Sáng 16/2, Zing liên hệ đến số hotline đặt lịch khám tâm lý cho trẻ tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Tuy nhiên, đơn vị này cho biết chỉ nhận lịch khám tâm lý cho bệnh nhi mới từ ngày 6/3. Phụ huynh có thể chọn ngày khám phù hợp nhưng thời gian khám chính xác sẽ do bệnh viện sắp xếp.
Trao đổi với Zing, thạc sĩ, bác sĩ Đào Thị Thu Hương, khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết xếp hàng trong danh sách chờ khám tâm lý tại đơn vị này là tình trạng thường gặp.
Mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận khoảng 90-100 ca khám tâm lý, trung bình khoảng 2.000-2.200 ca/tháng. Hiện tại, số bệnh nhi đặt lịch chờ khám trong khoảng 12/2-13/3 là 600-700 trẻ. Số lượng này chỉ là trẻ khám lần đầu, chưa tính trường hợp tái khám.
"Thời điểm này vẫn chưa quá đông so với đợt đỉnh điểm mọi năm là vào mùa hè. Tuy nhiên, nhìn chung, số lượng trẻ khám tâm lý có xu hướng ngày càng tăng cao và nhu cầu phụ huynh đưa con đi khám tâm lý, tâm thần cũng nhiều hơn", bác sĩ Hương chia sẻ.
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Thị Thu Hương, khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2. |
Theo bác sĩ Hương, nguyên nhân của tình trạng này có thể là phụ huynh ý thức và quan tâm nhiều hơn về vấn đề tâm lý, tâm thần của con cái. Với những gia đình có thói quen cho trẻ sử dụng màn hình điện tử, phụ huynh cũng bắt đầu cho con đi khám vì sợ ảnh hưởng khả năng ngôn ngữ, phản xạ và tâm lý của trẻ.
Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông và mạng xã hội thường đề cập về nguy cơ phát triển tâm lý, tâm thần ở trẻ, từ đó khiến các bậc phụ huynh muốn đưa con đi khám nhiều hơn.
Theo bác sĩ Hương, khoa Tâm lý của bệnh viện sẽ tiếp nhận bệnh nhi có vấn tâm lý ở bất kỳ độ tuổi, đa số là 2-10 tuổi. Các trường hợp trẻ dưới 18 tháng tuổi hoặc trên 15 tuổi mắc vấn đề tâm lý vẫn có tiếp nhận nhưng tương đối ít.
Chia theo giai đoạn phát triển, trẻ 2-6 tuổi sẽ thường gặp các vấn đề chậm nói, chậm nhận thức và mắc các vấn đề liên quan tăng động. Trong khi đó, trẻ từ 6 tuổi trở lên thường mắc bệnh tăng động, giảm chú ý, lo âu, rối loạn khí sắc, loạn thần, rối loạn hành vi, cư xử…
Với mỗi nhóm trẻ khác nhau, các bác sĩ sẽ có thời gian thăm khám và tư vấn khác nhau, nhưng thường theo quy trình sau:
Trước tiên, với ca bệnh mới, lần đầu đến khám, trẻ sẽ được đưa vào gặp các chuyên viên tâm lý để quan sát, đánh giá khả năng nhận thức, cảm xúc, khả năng ngôn ngữ, vận động tinh, vận động thô… Phiên khám này thường mất 20-30 phút. Với các trường hợp cá biệt, biểu hiện tinh tế và khó phát hiện phải cần nhiều thời gian hơn.
Sau đó, những trẻ nào cần phải dùng thuốc do có rối loạn tăng động, mất ngủ, giảm tập trung chú ý hay có hành vi nguy cơ sẽ được bác sĩ thăm khám và kê đơn. Cuối cùng, tùy trường hợp, trẻ sẽ được kiểm tra chỉ số trí tuệ nếu được chỉ định hoặc yêu cầu tại một phòng khác trong khoảng 30-45 phút.
Với nhu cầu khám và trị liệu tâm lý cao, Bệnh viện Nhi đồng 2 trang bị 6 phòng chuyên viên tâm lý, 2 phòng bác sĩ và một phòng kiểm tra chỉ số trí tuệ.
Sách về nghề y
Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:
Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.
Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.