Trào lưu "shoe-vesting" (chỉ việc bán lại những mẫu giày hiếm lạ với mức giá cao hơn nguyên bản) bắt đầu thu hút sự quan tâm của thanh thiếu niên Hàn Quốc từ năm 2020.
Đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, nhiều công ty lớn quyết định nghiên cứu và giới thiệu các nền tảng buôn bán trực tuyến dành riêng cho cộng đồng này, theo Korea Bizwire.
Thay vì rao bán trên các diễn đàn online quy mô nhỏ, người trẻ nay có thể đăng bài và tìm mua những đôi giày thể thao phiên bản giới hạn trên các nền tảng thương mại điện tử.
Tháng 10/2020, KT Mhows Co., công ty con thuộc nhà mạng di động Hàn Quốc KT Corp., đã giới thiệu website dành riêng cho việc trao đổi, mua bán giày hiệu mang tên Reple.
Trào lưu "shoe-vesting" dần phổ biến, thu hút nhóm đối tượng thuộc thế hệ Z. Ảnh: Getty. |
Gần đây, Snow Corp., nhà phát triển ứng dụng chụp ảnh "sống ảo" nổi tiếng SNOW, tham gia vào lĩnh vực này với công ty KREAM và quyết định đầu tư 20 tỷ won.
Bungaejangter, công ty sáng lập ứng dụng buôn bán đồ cũ đầu tiên tại xứ kim chi, cũng đăng tải quảng cáo để thu hút khách hàng trẻ giao dịch giày hiệu thông qua nền tảng này.
Tháng 2 năm nay, Bungaejangter đã mở thêm cửa hàng BGZT Lab tại trung tâm thương mại Hyundai Seoul. Theo đó, khách hàng có thể tới xem và mua trực tiếp khoảng 300 mẫu giày bản đặc biệt.
"Các nền tảng mới vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Vì 50% đối tượng là thanh thiếu niên độ tuổi 20, các công ty cần nghiên cứu kỹ nhu cầu, thị hiếu để đáp ứng nhu cầu của giới trẻ", một nguồn tin trong ngành trả lời Korea Bizwire.
Hiện tại, ước tính thị trường "shoe-vesting" ở Hàn Quốc có giá trị khoảng 500 tỷ won.