Gần cuối năm, các con được cô giáo giao viết một bài phát biểu cảm nghĩ về năm học vừa qua xoay quanh chủ đề về thầy cô, bạn bè.
Con bảo rất khó viết bởi vì con không thể nói rất vui với những tiết học không trung thực, không thể thích thú với những giờ kiểm tra, những bài thi mà cô giáo đã giao kèm cặp những bạn yếu hơn.
Nói thẳng ra, nhiệm vụ của mỗi bạn học giỏi sẽ kèm 5 - 6 bạn, mà thực chất là giải bài tập cho những bạn học kém hơn chép lại. Con bảo rằng, thấy buồn khi các bạn chỉ có mỗi nhiệm vụ chép lại mà điểm cũng cao chót vót ngang con.
Nghe con nói, tôi chỉ biết thở dài. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Tôi nhớ năm ngoái khi đi dự lễ bế giảng năm học về, con ấm ức kể: “Thầy hiệu trưởng đọc 100% học sinh trong trường đều hạnh kiểm tốt là không đúng mẹ ạ”.
Tôi hỏi sao lại bảo vậy, con giải thích: “Ở trường chẳng mấy hôm mà học sinh không đánh nhau. Có hôm đánh ở ngay trong sân trường nên các thầy cô phải vào can ngăn. Lớp con cũng có mấy bạn lười học, nhiều hôm không thuộc bài mà vẫn được giấy khen mẹ ạ”.
Ngẫm nghĩ lại lời con nói, khi thầy cô bao che cho trò, gắn cái “mác” thương học trò để lờ đi những hành động như đánh nhau, lười học thì có nên hay không? Đấy đâu phải thương trò.
Rồi con kể tiếp, lớp năm nào thi cắm hoa cũng do cô giáo chủ nhiệm “tự biên tự diễn”. Từ lời bình đến giỏ hoa cắm ra sao, các bạn chỉ nhất nhất làm theo lời cô.
Lời bình tất nhiên do tự tay cô giáo viết, sau đó một bạn sẽ chép lại rồi đường đường chính chính lên đọc sao cho thật dõng dạc và biểu cảm, cứ như do tự tay mình viết ra những lời ấy vậy. Con bảo rằng cả lớp chẳng ai vui khi được cô giáo làm thay như vậy, vì giống như cô đang thi chứ không phải trò.
Tổng kết cuối năm học trước, con cũng cho rằng bạn A. và bạn T. đạt học sinh giỏi, lên nhận thưởng rất “oai”, nhưng bạn thường quay bài của con dưới hình thức được “kèm”, “giúp đỡ”.
Con không thể từ chối giúp đỡ bạn vì lúc nào cô cũng ra “chỉ thị” rất rõ ràng: “Lớp chúng ta phải đoàn kết, đồng cam cộng khổ để cùng tiến lên. Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, vì thế lớp ta không thể để một bạn học lực trung bình hay yếu kém".
Tất nhiên, vì đoàn kết nên dù không muốn những bạn học giỏi vẫn phải giúp đỡ các bạn học đuối hơn, nhưng không chỉ là giảng giải giúp, mà thực chất “ném bài”, quay cóp công khai là chính.
Con bảo các bạn được giúp đỡ ấy đáng lẽ không được lên nhận giấy khen học sinh giỏi. Con cũng cho rằng, những bạn ấy được ngang hàng với các bạn học tốt là không xứng đáng, là không công bằng. Trước mớ lý luận của con, là người mẹ, tôi thấy rất băn khoăn, trăn trở.
Cũng theo con nói là không ai trong lớp dám làm trái ý cô, bởi các con sợ bị mang tiếng là chảnh, không đoàn kết. Chẳng lẽ vì không muốn bị cô ghét, sợ bị các bạn tẩy chay mà con buộc phải “a dua” với những thói giả dối?
Con lại đang chuẩn bị dự lễ tổng kết cuối năm học năm nay. Con cảm thấy không vui khi trên danh sách những bạn học chưa tốt và nằm trong nhóm “được giúp đỡ” cũng được giấy khen. Nghe con nói, tôi chỉ biết thở dài, chẳng lẽ giấy khen trong trường học được rải đại trà như những cơn mưa?