Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bù đầu với khen thưởng cuối năm học

“Chưa bao giờ các trường tiểu học phải làm nhiều đầu việc vào thời điểm tổng kết năm học như năm nay” - một hiệu trưởng tại TP HCM than thở như vậy.

Ông than khi được đề nghị “nhìn lại” một năm hoạt động của nhà trường gắn với thông tư 30.

Không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên, thay điểm số bằng nhận xét, học sinh tự đánh giá bản thân và góp ý về các bạn, giáo viên tự ra đề kiểm tra định kỳ, bỏ cách xếp loại học sinh giỏi, tiên tiến..., đó là những điểm mới trong thông tư 30 của Bộ GD&ĐT được đưa vào sử dụng ở các trường tiểu học trên cả nước từ tháng 10/2014. 

Sau một năm học, nhiều ý kiến ủng hộ cho rằng, thông tư khiến việc đến trường của học sinh nhẹ nhàng hơn, giảm gánh nặng bài tập và áp lực điểm số, đề cao sự phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn khá nhiều băn khoăn của ban giám hiệu, giáo viên và cả phụ huynh khi thực hiện thông tư này.

Năm học 2014 - 2015 là năm đầu tiên ngành giáo dục chuyển từ hình thức đánh giá cho điểm sang đánh giá bằng nhận xét ở bậc tiểu học. Trong ảnh: học sinh lớp 5 trường tiểu học Lương Thế Vinh, quận 7, TP HCM trong giờ học. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Miệt mài viết... lời khen

Tại một trường tiểu học ở quận 4, TP HCM, cô N - giáo viên chủ nhiệm lớp 3 - cho biết: “Sau khi có điểm kiểm tra định kỳ cuối năm học, giáo viên tổng kết điểm, tổ chức cho học sinh góp ý, đánh giá bản thân và các bạn trong lớp. Giáo viên dựa trên điểm số và đánh giá sự tiến bộ của học sinh để lập danh sách đề nghị khen thưởng, sau đó tham gia họp với hội đồng khen thưởng của trường gồm ban giám hiệu, tổng phụ trách, giáo viên bộ môn để xét khen thưởng cho học sinh”. 

Quy trình này khác với mọi năm, bởi trước đây chỉ cần có điểm tổng kết các môn và xếp loại hạnh kiểm của giáo viên chủ nhiệm là cho ra kết quả điểm trung bình và danh hiệu cuối năm: Em nào đạt danh hiệu học sinh giỏi, em nào đạt học sinh tiên tiến. Giấy khen được in sẵn hàng loạt và giáo viên chỉ cần điền tên học sinh vào từng giấy khen phù hợp.

Thông tư 30 quy định: “Nội dung, số lượng học sinh được khen thưởng, tuyên dương do hiệu trưởng quyết định”.

Vì vậy, hiệu trưởng đưa ra các tiêu chí khen thưởng học sinh, giáo viên theo tiêu chí đó để lập danh sách xin khen thưởng học sinh của mình. Sau khi danh sách này được duyệt, cô N. phải tự tay viết giấy khen cho tất cả học sinh trong lớp, bởi mỗi em có một nội dung khen thưởng khác nhau. 

Ví dụ như: “Học sinh có thành tích tốt trong học tập và phong trào” dành cho những học sinh có điểm trung bình kiểm tra định kỳ trên 9 điểm và có tham gia các phong trào nhà trường; “Học sinh có thành tích tốt trong hoạt động phong trào” dành cho những em tham gia phong trào nhưng điểm số chưa cao; “Học sinh có tiến bộ trong học tập”, “Học sinh có tiến bộ trong môn toán”, “Học sinh có nhiều cố gắng trong rèn luyện phẩm chất và năng lực”... Giáo viên nào chữ đẹp thì còn được các giáo viên khác nhờ... viết hộ!

Cô N cho biết: “Vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng, bởi cô là người theo sát học sinh, biết em nào đã tiến bộ ở mảng nào để khen thưởng cho đúng. Nếu khen không đúng, không đủ, rất dễ vấp phải phản ứng của phụ huynh và của chính học sinh”.

Tương tự, một giáo viên tại quận Gò Vấp cho biết: “Nhà trường vừa đưa ra 5 loại danh hiệu để khen thưởng học sinh, trong đó có học sinh phát triển toàn diện, học sinh chỉ đạt thành tích học tập hoặc chỉ đạt thành tích phong trào, học sinh có nỗ lực tiến bộ, học sinh làm việc tốt... Cái hay của thông tư 30 là việc đánh giá sẽ sát với từng học sinh và không còn phụ thuộc quá nhiều vào điểm số.

Tuy nhiên, để làm công việc này đòi hỏi giáo viên phải bỏ công sức rất nhiều, không chỉ suốt năm học mà nhất là giai đoạn cuối năm, khi phải đề xuất khen thưởng và đánh giá vào học bạ. Xét cho cùng, không phải giáo viên nào cũng tâm lý và công tâm để nhìn nhận được sự tiến bộ của học trò; làm sao để khuyến khích, động viên các em như tinh thần thông tư, đây cũng là điều đáng suy nghĩ”. 

Cũng theo giáo viên này, hầu hết học sinh sẽ được khen, trừ những em không có bất kỳ tiến bộ nào suốt năm học. Vì vậy, tỷ lệ học sinh được khen thưởng có khả năng sẽ ngang hoặc cao hơn mọi năm.

Đừng đổi mới giáo dục kiểu 'đẽo cày giữa đường'

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, không thể đổi mới giáo dục bằng những quyết định chữa cháy vội vàng như “đẽo cày giữa đường”.

Được và chưa được

Nhiều hiệu trưởng các trường tiểu học ở TP HCM đã chỉ ra mặt được và chưa được của việc áp dụng thông tư 30 sau một năm thực hiện.

Trong đó, mặt được của thông tư là đã thật sự giảm tải áp lực học tập và điểm số của học sinh, thay đổi thói quen đánh giá bằng điểm số; coi trọng mặt phát triển tinh thần, năng lực, đạo đức của học sinh.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều băn khoăn xung quanh áp lực công việc của giáo viên, học sinh thiếu thói quen tự học và giảm sút mục tiêu học tập...

Một hiệu trưởng tâm tư: “Tôi hoàn toàn đồng tình với giá trị mà thông tư 30 mang lại, song giá như khâu chuẩn bị cho việc sử dụng thông tư được đồng bộ hơn thì sẽ thuyết phục hơn. Cần thay đổi chương trình, sách giáo khoa trước khi thay đổi hình thức đánh giá, mình thì lại làm ngược lại".

"Chương trình vẫn nặng, và thông tư buộc giáo viên phải làm một việc rất khó là làm cho nó nhẹ nhàng hơn. Chưa thể nói chất lượng học tập có giảm sút hay không, khi học sinh không còn chịu áp lực điểm số, nhưng thực tế là giáo viên đã bớt cho bài tập về nhà, nhiều phụ huynh nói rằng học sinh về nhà giảm thời gian tự học, ôn bài, làm bài tập như trước".

"Thói quen tự học cần được rèn luyện từng chút một suốt giai đoạn tiểu học, để chuẩn bị cho chương trình bậc THCS rất nặng. Nếu việc học quá nhẹ nhàng ở bậc tiểu học, nhất là lớp 4, lớp 5 khi chương trình nặng dần, nếu các em không cố gắng hết sức thì dễ bị “sốc” khi bước lên lớp 6 với chương trình học khác hoàn toàn, dày và nặng hơn nhiều”.

Mặt khác, nhiều hiệu trưởng cho rằng việc thông tư 30 quy định giáo viên ra đề kiểm tra định kỳ, có thể không phản ánh đúng năng lực người dạy và người học. Không ít ý kiến lo ngại về những giáo viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm trong việc đánh giá học sinh qua cả kỳ kiểm tra lẫn trong quá trình học tập, sẽ cho những kết quả thiếu chính xác.

Việc chỉ có hai mức đánh giá học tập là “hoàn thành” và “chưa hoàn thành”, cũng như đánh giá năng lực và phẩm chất một đứa trẻ bằng hai từ “đạt” và “chưa đạt” cũng được cho là còn chung chung, thiếu mức độ cụ thể.

Trong khi đó, nhiều ban giám hiệu bậc THCS cũng bày tỏ sự lo ngại khi sắp tới tiếp nhận lứa học sinh lớp 5 được đánh giá bằng nhận xét.

“Thông tư 30 chưa thể hiện tính liên thông ở các cấp học. Chỉ trong hai năm các em học với hai hình thức đánh giá khác nhau. Chương trình lớp 6 đòi hỏi các em phải có sự chuẩn bị tốt những năm cuối của bậc tiểu học, và ở bậc THCS cách đánh giá bằng điểm số rất gắt gao. Tuy nhiên, chất lượng học sinh có giảm sút hay vẫn ổn định thì phải chờ đến cuối năm học 2015 - 2016 mới kết luận được” - một hiệu trưởng bậc THCS tại quận Bình Thạnh nêu ý kiến.

Không có danh hiệu thì phải làm sao?

“Tôi và nhiều phụ huynh có hỏi vui cô giáo: Ở công ty tôi sẽ phát thưởng Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 cho con em cán bộ viên chức đạt danh hiệu học sinh giỏi. Vậy bây giờ không có danh hiệu nữa thì phải làm sao?

Cô trả lời rất hay rằng: Giấy khen nào cũng nên được công ty thưởng hết. Chỉ là câu chuyện vui, nhưng bản thân tôi và con mình muốn biết năng lực thật sự của con nằm ở đâu, thay vì được đánh giá chung chung là hoàn thành tốt, phát triển toàn diện. Sự hãnh diện khi nhận được kết quả cuối một năm nỗ lực là đáng được ghi nhận.

Đầu năm, cháu nói sẽ phấn đấu lọt vào top 5 bạn đứng đầu lớp, tôi nghĩ ước mơ ấy của con trẻ cũng không có gì sai cả, nhưng như cách đánh giá của ngành giáo dục hiện nay thì không còn bạn nào giỏi cũng không có bạn nào yếu.

Tôi sợ rằng vài năm nữa các cháu sẽ trở nên vô cảm với những lời khen suốt năm học, và đến cuối năm là một tờ giấy khen chung chung, bạn nào cũng được khen giống nhau, chỉ còn tính khích lệ mà không còn tính cạnh tranh, mà cạnh tranh nói cho cùng là một động lực để các cháu phấn đấu đạt mục tiêu cao hơn trong cuộc sống”.

Anh TIẾN LÂM (quận 8, TP HCM, phụ huynh có con học lớp 5)

L.T ghi

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150520/bu-dau-voi-khen-thuong-cuoi-nam-hoc/749388.html

Theo Thùy An/Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm