Tại khoa Chấn thương, Bệnh viện Mắt Trung ương, Hà Nội, bé Nông Kim Oanh (5 tuổi, ở Tràng Định, Lạng Sơn) liên tục khóc do đau đớn. Theo gia đình bệnh nhi, khi cha mẹ đi làm, bé gái 5 tuổi ở nhà chơi cùng với bạn hàng xóm và bị cọc đâm vào mắt, dẫn đến chấn thương nặng.
Gia đình đang làm thủ tục để các bác sĩ tiến hành phẫu thuật lần thứ 2 cho bệnh nhi do máu tụ quá nhiều. Ngoài ra, bé còn bị rách dưới mi, giác mạc.
BS Hoàng Cương khám cho các bệnh nhi bị chấn thương ở mắt. Ảnh: HQ. |
Nhập viện 5 ngày trước trong tình trạng tổn thương mắt rất nặng, Ánh Dương (5 tuổi, ở Lương Tài, Bắc Ninh) cũng gặp nạn khi đang chơi đùa và bị càng xe kéo (bằng sắt) đập thẳng vào mắt.
Hiện tại, bệnh nhi được nhận định bị tổn thương rất nặng ở mắt, nhãn cầu vỡ, long đen tổn thương nặng, chảy máu trong và phải tiếp tục làm phẫu thuật hút máu tụ. Do đó, nhiều khả năng, sau này, bệnh nhi phải được ghép giác mạc để tránh khỏi nguy cơ mù lòa.
Theo TS.BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, đây là hai trường hợp bệnh nhi bị chấn thương trong những sinh hoạt hàng ngày được bệnh viện tiếp nhận gần đây. Các trường hợp bệnh nhi khác đang điều trị cũng rất nặng sau sự cố khi đang chơi đùa như bị dao nhọn đâm, đá bắn vào mắt. Đa số trẻ bị tai nạn dưới 10 và hay gặp ở vùng nông thôn.
Đặc biệt, nhiều bệnh nhi khi bị thương ở mắt thường cố gắng chịu đau không dám nói với cha mẹ. Khi xuất hiện triệu chứng sưng tấy, đỏ mắt, gia đình mới phát hiện ra con đã bị thương để đưa vào viện, đã quá muộn.
“Những trường hợp phát hiện và can thiệp muộn ảnh hưởng rất lớn đến thị lực, nhẹ bị giảm thị lực, nặng dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. Vì thế, khi bị chấn thương ở mắt, gia đình cần đưa trẻ đến bệnh viện để được can thiệp ở 6 giờ đầu”, TS Cương nói.