Đi theo hướng nhạc phát ra, chúng tôi thấy một cây đàn piano màu cánh gián khá hoành tráng đặt ngay sảnh nhà trung tâm của trường - nơi sinh viên, giảng viên thường xuyên qua lại. Phía trên cây đàn, tấm bảng mica khắc dòng chữ trang trọng: “Đàn dành cho sinh viên - khách tự do sử dụng”.
Đầu giờ chiều, hai nam sinh tranh thủ trước giờ học, đặt balô xuống bên cạnh cây đàn rồi lần lượt tấu những bản nhạc kinh điển như Turkish march, Canon in D, Hungarian sonata... Khi hai “nghệ sĩ” này vào lớp học, một nam sinh viên khác lại đến ngồi vào đàn chơi những bài của nghệ sĩ piano người Hàn Quốc Yiruma.
Cứ thế, những bản nhạc cứ ngân lên trong sân trường. Không chỉ những bạn đàn có nghề, những bạn mới tập chơi cũng đợi khi “vắng khách” để tự tập những ngón đàn vừa được những bạn cùng đam mê hướng dẫn.
Bạn sinh viên này nói rất thích chơi đàn piano và mới học được các nốt cơ bản từ những người bạn cùng đam mê hướng dẫn. |
Cách đó chục mét, những sinh viên ngồi học bài, tán gẫu ở hành lang lại gật gù theo tiếng nhạc. Thỉnh thoảng đến những đoạn mướt quá, khán giả lại ngẩng lên ngắm bạn trẻ đang dồn tất cả sự đam mê trên những phím đàn. “Từ khi đặt cây đàn ở đây mới biết nhiều bạn sinh viên đàn rất giỏi” - bà Trịnh Minh Huyền, phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ khi nhìn một nhóm học trò say mê bên cây đàn.
Về ý tưởng đặt cây đàn piano để sinh viên chơi tự do, bà Huyền kể một người bạn ở Nhạc viện TP.HCM nói thấy nhiều trường đại học ở nước ngoài đặt cây đàn ở sân trường cho sinh viên chơi rất hay. “Thấy đặt cây đàn ở sảnh có thể giúp các em thư giãn, những sinh viên đam mê âm nhạc có thể thể hiện tài năng của mình nên trường quyết định mua cây đàn. Chiếc piano này do bốn mạnh thường quân ở trường tình nguyện đóng góp mua tặng” - bà Huyền kể thêm.