Dưới đây là một số ưu điểm của mô hình đào tạo này
Thực hành ngay từ giảng đường
Phương châm nổi bật của mô hình hợp tác đại học - doanh nghiệp là đào tạo để làm việc. Sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức mà còn học cách vận dụng kiến thức đó vào thực tế thông qua hình thức học tập đa dạng như thuyết trình - phản biện, xử lý tình huống, thực hiện đồ án, mô phỏng, nhập vai... để đối diện vấn đề cụ thể, bước đầu hình dung được thực tế làm việc.
Chú trọng thực hành, tập trung phát triển kỹ năng chuyên môn cũng là điểm cộng của mô hình đại học - doanh nghiệp. Chẳng hạn tại ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech), sinh viên luôn tự tin với kỹ năng chuyên môn nhờ được thực hành thường xuyên trong giờ học chính khóa. Phòng thực hành - thí nghiệm hiện đại được trang bị chuyên nghiệp cho ngành dược, ngành kỹ thuật - công nghệ; nhà hàng - khách sạn chuẩn 5 sao; hệ thống ngân hàng mô phỏng tại trường... đều là những giảng đường hiệu quả của sinh viên Hutech.
Sinh viên thực hành trong ngân hàng mô phỏng ngay tại trường. |
Là mô hình đại học - doanh nghiệp nên doanh nghiệp tất nhiên là lớp học không thể thiếu của sinh viên. Tại Hutech, sinh viên có thể tham gia các học kỳ doanh nghiệp 3-4 tháng; được đào tạo, làm việc cùng nhân viên chính thức và được xét chuyển đổi điểm số.
Mô hình học kỳ doanh nghiệp này còn mở cửa cho sinh viên ứng tuyển ngay từ năm 2, giúp các bạn dễ dàng hình dung những công việc cụ thể trong tương lai, những chuyên ngành có thể theo đuổi..., từ đó kịp thời định hướng cho bản thân. Đây cũng là cơ hội để các bạn tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, đồng thời tạo lập các mối quan hệ cần thiết.
Trải nghiệm thêm từ thực tế
Với tính chất đào tạo thực tiễn, mang đến cho sinh viên cơ hội cọ xát, trải nghiệm thực tế ngay từ trên giảng đường, mô hình đại học - doanh nghiệp còn được coi là đất lành khởi nghiệp. Bởi quá trình học tập ngay tại doanh nghiệp chính là giai đoạn thử lửa hiệu quả để nắm bắt nhu cầu thị trường - nền tảng đầu tiên cho ý tưởng khởi nghiệp.
Thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm về khởi nghiệp là cách Hutech tiếp lửa cho sinh viên. |
Khởi nghiệp không chỉ cần có ý tưởng, khởi nghiệp còn cần có kỹ năng làm việc nhóm, tổ chức công việc, giao tiếp, trình bày ý tưởng, xử lý tình huống... Kỹ năng ít nhiều có thể học từ các khóa đào tạo, nhưng với mô hình đại học - doanh nghiệp thì “lớp học” kỹ năng hiệu quả (và ít tốn kém) nhất chính là các hoạt động ngoại khóa sôi nổi.
Như tại Hutech, sinh viên được khuyến khích tham gia các cuộc thi học thuật, thi ý tưởng... tùy theo chuyên ngành, tham gia các CLB học thuật, văn hóa, thể thao... Bên cạnh đó, sinh viên còn được khơi gợi ý tưởng khởi nghiệp qua các tọa đàm, hội thảo với những gương mặt startup điển hình.
Từng vào top 10 giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2017, Nguyễn Thị Thủy Tiên (ngành công nghệ thực phẩm, Hutech) chia sẻ từ một ý tưởng ban đầu đến một đề án kinh doanh và sau đó là một startup cần có một quá trình nỗ lực và phấn đấu không ngừng. Cùng với kiến thức chuyên môn, Tiên còn được trang bị nền tảng về khởi nghiệp được trang bị rất kỹ trong quá trình học tập tại Hutech.
Sinh viên Nguyễn Thị Thủy Tiên vào top 10 giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2017. |
“Nhà trường, thầy cô luôn đồng hành hỗ trợ về chuyên môn cũng như tạo điều kiện cho sinh viên thực hiện ý tưởng, nên sinh viên cứ mạnh dạn và dám thử thách bản thân để trưởng thành thôi”, Tiên hóm hỉnh.
Từ mô hình đại học - doanh nghiệp, nhiều thế hệ sinh viên Hutech đã khẳng định bản thân với những dự án khởi nghiệp hiệu quả, không chỉ với những sản phẩm công nghệ như Nhan Thế Luân (CEO NCT Cooperation), Huỳnh Vũ Hoài Nhân (co-founder ColorME) mà còn với những tác phẩm cá nhân độc đáo như NTK Trị Lý (thương hiệu thời trang M.O.P), NTK Nguyễn Minh Tuấn (thương hiệu MINHTUANnguyen Bridal), hay khởi nghiệp ngay từ năm 2 như sinh viên ngành marketing Lê Ngọc Biết với thương hiệu tranh vảy cá Vava ấn tượng...