Các toà nhà, khu vực của Bệnh viện TP Thủ Đức đã xuống cấp, trong khi bệnh viện này tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân trong thành phố và cả các tỉnh miền Đông Nam bộ. Ảnh: Duy Hiệu |
Len lỏi vào đám đông trước phòng khám, Trần Thành Đạt (25 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) ngó nghiêng tìm ghế ngồi. Thấy một chỗ trống ở trong góc tường, Đạt mừng ra mặt, vội vàng lại ngồi xuống.
Nói là ghế vì nó có thể ngồi được, nhưng băng ghế gỗ hiếm hoi này không có phần tựa lưng, ai mỏi thì tựa vào tường.
Đạt cho biết khi đi khám ở Bệnh viện TP Thủ Đức, có ghế ngồi chờ đã là điều may mắn. Bởi hàng trăm người xếp hàng chờ khám, nhưng chỉ có vài dãy ghế, việc đứng chờ hơn 1 giờ mới đến lượt khám là điều bình thường.
"Bên ngoài trời nắng nóng, bên trong bệnh viện thì đông đúc. Vài cây quạt treo tường bật hết công suất cũng không thấm vào đâu", Đạt nói với Tri Thức - Znews.
Khổ vì bệnh viện xuống cấp
Mỗi ngày, "gánh" hàng nghìn bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện TP Thủ Đức và Bệnh viện Lê Văn Việt gần như luôn trong tình trạng quá tải, trong khi cơ sở vật chất đã hư hại, xuống cấp nhiều nơi.
Đứng tựa lưng chờ đến lượt trước phòng chụp X-quang, anh Thịnh, 32 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, cho biết lần nào đến khám cũng phải chờ đợi. Dù thường trú ở TP Thủ Đức, nhà gần bệnh viện, nhưng nhiều lần, anh Thịnh phải đi khám ở bệnh viện quận lân cận do không muốn chờ đợi trong tình trạng nóng nực, chỗ để ngồi chờ cũng không.
"Đứng đợi gần 1 giờ vẫn chưa đến lượt chụp", người đàn ông mệt mỏi nói.
Bệnh nhân đứng chờ rất đông trước phòng chụp X-quang của Bệnh viện TP Thủ Đức. Ảnh: Nguyễn Thuận. |
Người bệnh đến viện khám, cơ thể vốn đã không khoẻ mạnh, họ còn phải chờ đợi trong môi trường không thoải mái, nóng nực và chật chội khiến sự mệt mỏi tăng lên nhiều lần.
"Tôi mong bệnh viện sẽ được cải thiện cơ sở hạ tầng, lắp thêm quạt và bố trí thêm ghế ngồi để người bệnh đến khám được chờ đợi trong điều kiện thoải mái hơn", anh Thịnh bày tỏ.
Bên cạnh đó, theo anh Thịnh, ở một số khu vực của bệnh viện, gạch lát nền bị bong tróc, nhiều người đi không chú ý rất dễ vấp ngã. Khu vệ sinh của bệnh viện cũng xuống cấp trầm trọng, bóc mùi nồng nặc, người bệnh rất ngại đi vệ sinh.
"Hy vọng bệnh viện sẽ cải thiện thêm nhà vệ sinh, để người dân được khám và chữa bệnh trong môi trường tốt hơn", nam bệnh nhân này chia sẻ thêm.
Khoa Cấp cứu của Bệnh viện TP Thủ Đức được dựng tạm ở phía trước Khoa Khám bệnh. Ảnh: Nguyễn Thuận. |
Bệnh nhân từ miền Trung, miền Tây đổ lên TP Thủ Đức
Bắt xe từ Bình Thuận lúc 0h, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, 56 tuổi, đến TP.HCM lúc 4h sáng, đi thêm một chuyến xe ôm nữa để đến Bệnh viện TP Thủ Đức.
Lúc gần 6h, bà vội vàng vào viện bóc số thứ tự khám để kịp về quê trong đêm. Hành trình của bà Nhàn cứ lặp đi lặp lại như vậy mỗi 3 tháng, ròng rã suốt 2 năm qua.
Bà Nhàn cho biết từ khi vào TP.HCM điều trị bệnh nhồi máu não, bà đã gắn bó luôn với bệnh viện vì tin tưởng chuyên môn bác sĩ nơi đây. Khi khám tổng quát hoặc những bệnh khác, bà Nhàn cũng chọn đi xe từ Bình Thuận vào TP.HCM, sau đó đến TP Thủ Đức khám chứ không đến bệnh viện lớn ở trung tâm thành phố.
"Lúc bệnh nhân quá đông, có khi tôi phải chờ vài tiếng mới được khám. Ngày trời dịu mát thì còn thoải mái, những lúc trời nắng nóng thì chờ đợi rất cực vì bệnh viện ít quạt, phải ngồi chen lấn nhau. Tôi mong bệnh viện được xây dựng khang trang hơn, ngồi đợi trong mát mẻ vẫn tốt hơn", bà Nhàn cho hay.
Một số hạng mục của Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã xuống cấp, nhiều phòng nội trú có lắp điều hoà nhưng không thể sử dụng được. Ảnh: Duy Hiệu. |
Nằm nội trú ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh (130 Lê Văn Thịnh, phường Bình Trưng Tây) gần một tuần sau mổ khớp háng, anh Hồ Nam, 34 tuổi, ngụ Đồng Tháp, cho biết vài ngày nữa, khi tình trạng tạm ổn, sẽ xin bác sĩ về nhà vì nằm ở bệnh viện quá nóng.
"Mỗi người được nằm một giường bệnh nhưng nóng vì ít quạt. Điều hoà có lắp nhưng đã hỏng", anh Nam nói với Tri Thức - Znews.
Buổi chiều mỗi ngày, anh Nam các bệnh nhân khác mở thêm cửa sổ hoặc đi vòng quanh để hóng mát. Dù tin tưởng chuyên môn của bác sĩ, anh Nam mong trang thiết bị của bệnh viện sớm được cấp tốt hơn.
Ngồi chờ khám bệnh từ 7h, bà Trần Thị Hoa, 42 tuổi, ngụ Long An, cho biết lần nào đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng phải chờ. Đi rất sớm để bóc số thứ tự, nhưng bà cũng phải chờ khoảng 45 phút mới bóc được số.
"Tôi thấy bác sĩ ở bệnh viện có chuyên môn rất cao, nên không ngại đường xá xa để lên đây khám. Tôi chỉ mong bệnh viện sẽ tối ưu được công đoạn tiếp nhận và phát số để người bệnh không phải chờ đợi lâu", chị Hoa nói.
Dân ở TP Thủ Đức cũng mệt mỏi
Trong khi đó, ở Bệnh viện Lê Văn Việt (387 Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú A), tình trạng cũng không tốt hơn. Người bệnh phải chờ khám ở dọc theo đường đi của bệnh viện, chỉ có mái tôn che chắn.
Ông Nguyễn Văn Phát, 67 tuổi, nói trong lúc chờ lượt khám: "Vào những ngày thành phố nắng nóng, người bệnh chờ ở đây không khác gì ngồi ngoài trời".
Người bệnh ngồi chờ ở khu vực phía ngoài phòng khám, Bệnh viện Lê Văn Việt, dưới mái tôn che nắng. Ảnh: Nguyễn Thuận. |
Ông Phát cho biết cái nóng hầm hập từ mặt đường nhựa hắt lên, mái tôn toả nhiệt xuống khiến khu ngồi chờ của người dân giống như "lò bát quái". Các phòng khám, phòng lấy mẫu xét nghiệm hay phòng chức năng được bố trí tạm bợ dọc lối đi quanh khu nhà chính của bệnh viện. Người bệnh muốn khám phải đi vòng quanh, phòng khám rải rác từ khu giữ xe đến chỗ căn tin.
Đến khám từ 8h, nhưng lúc 11h, ông Phát chỉ mới được thăm khám ban đầu và lấy máu làm xét nghiệm. Chờ đợi lâu và không có chỗ ngồi thoải mái, dù nhà gần bệnh viện, ông Phát vẫn lặn lội vài chục km đến bệnh viện khác để khám bệnh.
"Lâu lâu tôi mới đến Bệnh viện Lê Văn Việt khám, do bệnh viện khác cũng đã quá đông", ông Phát nói.
Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Lê Văn Việt bố trí đơn giản, hiện trạng khá cũ. Ảnh: Nguyễn Thuận. |
Trao đổi với Tri Thức - Znews, bác sĩ Nguyễn Văn Khuôn, Trưởng phòng Y tế TP Thủ Đức, cho biết thực tế, cơ sở hạ tầng của các bệnh viện hiện nay ở TP Thủ đức đều xuống cấp.
Đơn cử như Bệnh viện TP Thủ Đức, thậm chí hiện không đủ chỗ cho nhân viên y tế làm việc. Cơ sở hạ tầng xuống cấp gây bất tiện cho người bệnh, phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện cũng rất khó khăn.
"Anh em phải chuyển chỗ làm việc trong bệnh viện liên tục, chỗ nào cơi nới được thì cơi nới. Nhưng làm được một thời gian ngắn, bệnh nhân đông quá lại phải dời đi, cơi nới chỗ khác để làm. Bệnh viện vẫn ưu tiên chỗ khám bệnh. Vì vậy, nhân viên y tế của các bệnh viện cũng rất khó khăn", bác sĩ Khuôn chia sẻ.
Để giải quyết tình trạng này, 3 bệnh viện trên đã được phê duyệt đầu tư 3.000 tỷ mỗi bệnh viện, nâng cấp lên bệnh viện 1.000 giường, đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng I của TP.HCM.
Không có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y
Nghề bác sĩ vất vả về mặt thời gian, tổn hao nhiều năng lượng và cảm xúc. Thế nhưng, trên thế gian này, không có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y. Chạy trời không khỏi đau là tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.