Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chọn trường cho con theo tiêu chí 'tiền nào của nấy'

Chị Hoàng Oanh (Hà Nội) xác định mức tài chính tối đa cho việc học của con, bao gồm mọi thứ từ tiền ăn, học phí, nhập học, học liệu.

Con tôi mới 20 tháng tuổi nhưng đã học qua 3 trường do gia đình chuyển nhà. May mắn, chúng tôi đều tìm được trường tốt. Gia đình hài lòng với trường con học từ ngày đầu đến thăm trường cho đến ngày con chuyển trường.

Tôi thấy để tìm được trường ưng ý cho con, phụ huynh cần chuẩn bị sẵn tâm lý và đưa ra các tiêu chí lựa chọn.

Phụ huynh xác định tâm lý

Một số người phân vân có nên cho con đi học từ sớm không. Thực tế, nhà tôi cho con đi học khi mới 6 tháng tuổi. Đến nay, bé 20 tháng tuổi. Bố mẹ, ông bà chưa bao giờ hối hận vì gửi con lúc mới nửa tuổi.

Nhiều mẹ bảo con đi học sớm thương con lắm, tội con lắm. Tôi không rõ trẻ khác như thế nào nhưng con tôi đi học sướng hơn. Con ở nhà, thế giới gói gọn trong 4 bức tường. Người lớn bận việc, nhiều khi còn cáu gắt, nạt nộ con.

Tin vao ban nang lam me khi chon truong anh 1

Con trai chị Hoàng Oanh vui vẻ, hạnh phúc khi đi học. Ảnh: H.O.

Đến trường, con chơi cùng các bạn, hoạt động liên tục, thực đơn ăn phong phú. Con còn được trải nghiệm nhiều thứ mới. Bên cạnh đó, bố mẹ dành toàn bộ thời gian khi con ở nhà chơi với con, yêu thương con. Con vui vẻ cho đến lúc đi ngủ. Tôi chưa thấy đáng thương chỗ nào.

Một số phụ huynh lại lo lắng bé dễ ốm khi đi học. Theo tôi, con tiếp xúc với môi trường khác, việc ốm để tạo ra kháng thể là chuyện đương nhiên. Trừ khi cha mẹ có ý định giữ con trong lồng kính cả đời, nếu không, cứ để con ốm rồi tự khỏi, con không mong manh đến thế. Ở nước ngoài, người ta còn cho con nghịch tuyết, tắm mưa từ sớm để tăng sức đề kháng.

Phụ huynh cũng cần xác định mình mong muốn gì ở việc con đi học. Chẳng hạn, một số nhà muốn con học để biết hát, múa, tiếng Anh, chữ.

Tôi chỉ mong con khỏe mạnh, được chăm sóc bằng tình yêu của các cô. Tôi tin trong môi trường an toàn và đầy yêu thương, bé sẽ tự có khả năng để phát triển. Nếu ép trẻ làm thứ trẻ không thích để bằng anh này chị kia, người lớn vô tình tạo áp lực lên con. Việc này thường phản tác dụng đối với đường học lâu dài của con.

Ba tiêu chí chọn trường cho con

Sau khi chuẩn bị về mặt tâm lý, phụ huynh nên vạch ra các tiêu chí để chọn trường. Gia đình tôi đặt ra tiêu chí rất đơn giản.

Thứ nhất, chúng tôi xác định mức tài chính tối đa cho việc học của con, bao gồm mọi thứ từ tiền ăn, học phí, nhập học, học liệu… Tôi thấy chúng ta không nên tiếc rẻ vì tiền nào của nấy. Song gia đình cũng không nên cố quá vì chi phí cao sẽ tạo gánh nặng cho bố mẹ. Phụ huynh chỉ cần xác định một con số và tìm trường với tổng mức chi chênh lệch khoảng một triệu đồng so với dự tính.

Tiêu chí thứ hai là cơ sở vật chất. Điều này tùy thuộc vào mong muốn của gia đình. Tôi cần môi trường sạch sẽ, không quá chật chội để con có chỗ chạy nhảy, an toàn, có không gian trải nghiệm những điều ở nhà không có.

Khi con 6 tháng tuổi, tôi chọn trường ở trên một mặt sàn thương mại, đảm bảo an toàn, nền gỗ, có trải thảm. Khi con chuyển trường lúc 18 tháng tuổi, tôi ưu tiên nơi có vườn, phòng tập gym, phòng học nhiều cửa sổ và đương nhiên sạch sẽ.

Một tiêu chí khác rất quan trọng là giáo viên và cảm giác của phụ huynh khi đến thăm trường. Ở yếu tố này, tôi cho rằng chúng ta nên tin vào bản năng làm mẹ của mình.

Phụ huynh cứ đến thăm trường vào thời điểm mà con thường gặp khó khăn nhất. Ví dụ, lúc 6 tháng tuổi, con thường khó ngủ. Tôi đến trường lúc gần giờ nghỉ trưa, thấy bọn trẻ đang bò chơi, đến giờ, cô giáo tắt đèn. Chỉ 5 phút sau, tất cả trẻ ngủ say. Từ ấn tượng đó, tôi quyết định chọn trường này.

Khi con 18 tháng tuổi, tôi lại tìm trường cho con. Tôi từng đến một trường mà cô giáo tiếp phụ huynh tạo cho tôi cảm giác cô không tự tin. Lên thăm lớp học, tôi thấy trẻ gào thét, đập cửa. Vì thế, tôi bỏ qua trường này.

Trong khi đó, vừa bước vào ngôi trường hiện con theo học, tôi cảm nhận được sự nhẹ nhàng, văn minh ở cô chủ trường, giáo viên. Ở nhà, con kén ăn nên tôi đến trường vào đúng giờ ăn, thấy thực đơn đa dạng, trẻ ăn rất ngoan. Quả thực, vào trường, con ăn giỏi hơn hẳn.

Chuẩn bị tâm lý cho con

Khâu chuẩn bị tâm lý cho con cũng rất quan trọng. Một số phụ huynh than con không thích đi học. Bé nhà tôi lại ngược lại. Con đam mê đi học, yêu trường lớp, các cô, bạn bè. Con hạnh phúc khi ở trường, vui vẻ khi về nhà. Bé hòa đồng, không sợ người lạ hay môi trường mới. Tôi nghĩ một phần nhờ gia đình chuẩn bị tâm lý cho con trước khi đi học.

Ở phần này, tôi rút ra kinh nghiệm cha mẹ đừng bao giờ hứa suông với con kiểu con đi học đi rồi tối về, mẹ cho kẹo. Nhưng hứa xong, người lớn quên mất dẫn đến trẻ không còn tin tưởng bố mẹ.

Bên cạnh đó, chúng ta không nên đưa ra lựa chọn cho con khi thực tế, con không có lựa chọn. Cụ thể, thay vì hỏi con đi học không, thích mặc áo màu đỏ hay xanh, đi giày hay dép. Trong khi đó, dù con bảo không muốn đi học, cha mẹ vẫn đưa con tới trường. Như vậy, con đâu được quyền quyết định.

Ngoài ra, khi nói chuyện với con về việc đi học, người lớn tránh bơm vào đầu trẻ suy nghĩ tiêu cực bằng những câu hỏi như con đi học bị cô đánh, mắng không.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần dành đủ thời gian cho con sau khi đi học về. Như gia đình tôi, con học đến 18h mới về nhà, 19h30 lên giường. Trong 1,5 tiếng đó, cả bố và mẹ không làm gì khác ngoài chơi với con, tâm sự, đùa nghịch, hát hò, đảm bảo con không thiếu thốn tình cảm, chăm lo từ cha mẹ.

Việc cho con ngủ đủ giấc cũng rất quan trọng. Tôi thấy lý do của việc gặp khó khăn khi đánh thức con dậy đi học buổi sáng là vì con đang say giấc.

Con tôi 19h30 lên giường, ngủ lúc 20h. Buổi sáng, khoảng 7h, con thức giấc, ngồi trên giường hát, chờ mẹ vào. Ở trường, con không ngáp ngắn ngáp dài mà vui vẻ, sảng khoái cả ngày.

Nhờ những kinh nghiệm đó, hơn một năm con đi học, vợ chồng tôi nhàn hơn, con vui vẻ. Vì thế, tội gì cha mẹ không cho con đến lớp? Bố mẹ cũng không phải lo lắng nhiều dù cả 3 trường đều là trường tư và không có camera cho gia đình theo dõi trên điện thoại.

Đương nhiên, những điều trên cũng chỉ mang tính cá nhân, tham khảo, không thể áp dụng cho tất cả. Hơn nữa, mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, hãy tôn trọng điều đó.

Trẻ khóc, phụ huynh cười trong ngày trường mầm non mở cửa trở lại

Trong khi một số trẻ không chịu tới lớp vì lạ lẫm, phụ huynh lại vui mừng, hạnh phúc vì con được đi học, có môi trường vui chơi, rèn kỹ năng sống.

Đào Hoàng Oanh

Phụ huynh ở Hà Nội

Bạn có thể quan tâm