Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, quan hệ vợ chồng đã được pháp luật công nhận dựa trên giấy chứng nhận đăng ký kết hôn do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
Trong mối quan hệ này, quan hệ tình dục là một nhu cầu tất yếu nhằm duy trì hôn nhân, được pháp luật và xã hội thừa nhận. Do mâu thuẫn gia đình, người vợ đã không đồng ý cho chồng quan hệ tình dục. Song, không ít đàn ông thường nghĩ khi đã là vợ chồng thì làm "chuyện ấy" là đương nhiên, một trong 2 bên không có quyền từ chối nên đã sử dụng vũ lực.
Tuy vậy, theo quy định của pháp luật, nếu người vợ không đồng thuận song người chồng lại có hành vi ép buộc, dùng vũ lực đe dọa hoặc lợi dụng lúc nạn nhân không thể tự vệ được hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn là hành vi bạo lực gia đình, vi phạm nghĩa vụ tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ hoặc chồng theo Luật hôn nhân và gia đình.
Do đó, người thực hiên hành vi có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình với mức phạt từ 1-1,5 triệu đồng.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về Tội hiếp dâm theo Điều 141 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi. Theo đó, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 2-7 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Làm nạn nhân có thai… thì bị phạt tù từ 7-15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Trong vụ việc trên, nếu do hành vi hiếp dâm của người chồng khiến người vợ có thai thì đây được coi là tình tiết tăng nặng theo Khoản 2 Điều 141 Bộ luật hình sự.
Cũng theo luật sư Hồng Vân, hành vi "dùng vũ lực" là dùng sức mạnh về thể chất, cơ thể như vật ngã, đè, giữ tay, chân, trói, bóp cổ, bịt miệng, đấm đá, xé quần áo,… của nạn nhân nhằm làm mất hoặc hạn chế khả năng phòng vệ, tự vệ, chống trả của nạn nhân.
Còn "hành vi đe dọa dùng vũ lực" là dùng lời nói, động tác, cử chỉ nhưng chưa có hành động tác động trực tiếp vào người nạn nhân, song lại làm cho nạn nhân tin rằng nếu kẻ tấn công không thực hiện được hành vi giao cấu thì sẽ sử dụng vũ lực ngay tức khắc đối với mình.
“Trái với ý muốn của nạn nhân” được hiểu là người bị hại không đồng ý, phó mặc hoặc không có khả năng biểu lộ ý chí của mình đối với hành vi quan hệ tình dục cố ý của người phạm tội. Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm có các hành động nhằm giao cấu mà không cần phải có căn cứ là đã giao cấu được hay chưa. Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý.
Tuy vậy, Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 lại quy định, chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Đối với tội Hiếp dâm, nếu không có đơn tố cáo của người bị hại thì sẽ không thể khởi tố vụ án hình sự.