Zing trích dịch bài đăng trên Telegraph, đề cập đến chia sẻ của Rachel Williams, một phụ nữ người Anh từng bị chồng bạo hành suốt 20 năm hôn nhân.
Lần đầu tiên tôi bị chồng bóp cổ là khi tôi đang mang thai đứa con trai Jack được 7 tháng. Anh ta đã nhấc tôi khỏi sàn nhà theo đúng nghĩa đen.
Suốt 20 năm qua, tôi bị lạm dụng thể xác trong chính cuộc hôn nhân của mình. Chồng tôi khạc nhổ, đánh vào đầu và bóp cổ tôi thường xuyên.
Lần cuối cùng tôi bị bóp cổ là vào năm Jack 16 tuổi. Hôm đó, vợ chồng tôi cãi nhau trong bếp. Anh ta siết cổ tôi mạnh đến mức con trai tôi khai với cảnh sát rằng “tiếng hét của mẹ the thé như tiếng lợn kêu”.
Rachel Williams và chồng. Ảnh: NVCC. |
Chồng tôi bị bắt giữ với cáo buộc hành hung thông thường. Hôm đó cũng là ngày tôi quyết định rời đi.
Một tuần sau, anh ta cầm theo một khẩu súng ngắn bước vào tiệm làm tóc nơi tôi làm việc và bắn tôi ở cự ly vô định. Anh ta bỏ mặc tôi ở đó, đi vào rừng và treo cổ tự tử.
Tôi nhanh chóng được đưa đến bệnh viện gần nhất. Suýt nữa tôi bị cắt cụt chân vì trúng đạn nhưng may mắn được các bác sĩ cứu chữa. Tai tôi bị rạch đến 7 lần để máu có thể chảy ra.
Bất chấp những nỗi đau về thể chất, tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì tất cả đã kết thúc. Darren, người chồng cũ quá cố của tôi, không còn kiểm soát được tôi nữa.
Tuy nhiên, 6 tuần sau, vết sẹo tâm lý quá lớn do lớn lên trong một gia đình bạo hành khiến con trai tôi tự kết liễu cuộc đời mình.
Kể từ đó, tôi dành cả phần đời còn lại của mình để lên tiếng bảo vệ các nạn nhân và người sống sót sau bạo hành gia đình. Đó là cách duy nhất để tôi có thể chứng kiến một tương lai có thể thay đổi.
Bóp cổ không phải tội danh nếu nạn nhân không chết
Tháng 1, Dự luật về Bạo lực Gia đình cuối cùng cũng được xem xét lần hai tại thượng viện, sau khi được hạ viện chấp thuận vào mùa hè năm 2020. Dự luật đưa ra thêm một định nghĩa về bạo hành gia đình, đồng thời tăng cường bảo vệ cho nạn nhân cùng nhân chứng trước tòa.
Tuy nhiên, chính phủ Anh bác bỏ việc biến hành vi bóp cổ không gây tử vong thành một tội danh cụ thể, mặc dù hầu hết nạn nhân đều tin rằng vào thời điểm bị tấn công, họ tưởng chừng sắp chết.
Rachel Williams hiện nay dốc sức bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình. Ảnh: Guardian. |
Với tư cách là chủ tịch hội nghị dành cho những người sống sót sau nạn bạo hành gia đình đầu tiên ở Vương quốc Anh, tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát trực tuyến. Trong số 487 phụ nữ tham gia, 90% cho biết họ từng bị bóp cổ bởi chồng.
Trả lời cho câu hỏi “Bạn cảm thấy thế nào khi bị siết cổ”, đa số chia sẻ rằng họ cảm giác được cái chết cận kề và lo lắng xem gia đình liệu có tìm thấy mình không. Nhiều người sợ đến mức ngất đi.
“Tôi cảm tưởng đầu mình như muốn nổ tung. Tôi thở hổn hển, cố gắng hét lên tìm kiếm trợ giúp, nhưng tôi không thể tạo ra âm thanh nào và cảm thấy hoàn toàn bất lực”, một nạn nhân chia sẻ.
Mặc dù không tử vong hoặc rất ít thương tích có thể nhìn thấy bên ngoài, họ vẫn phải chịu đựng một số vấn đề sức khỏe vĩnh viễn. Tuy nhiên, nạn nhân bị lạm dụng không hề hay biết những rủi ro mà họ phải đối mặt.
Các nghiên cứu y học chỉ ra nhiều tác động vật lý tiềm ẩn về lâu dài do việc bóp cổ gây ra, bao gồm hỏng khí quản/thanh quản, chảy máu trong, ù tai, tăng nguy cơ sẩy thai, chấn thương thần kinh như sụp mí mặt và mí mắt, mất trí nhớ và thậm chí đột quỵ do máu đông.
Thủ phạm không bị buộc tội
Bóp cổ không giống như bất kỳ kiểu tấn công nào khác vì mức độ bạo lực và nỗi kinh hoàng mà nạn nhân phải trải qua không đơn thuần chỉ có thể phản ánh qua những vết thương ngoài da.
Nếu nạn nhân không chết, bóp cổ không được quy thành một tội danh. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, luật pháp ở Anh chưa đủ để bảo vệ phụ nữ khỏi tội ác kinh hoàng này.
Hầu hết thủ phạm chỉ bị buộc tội hành hung thông thường, tương đương với cuộc ẩu đả nhỏ nhỏ dẫn đến vết bầm tím, chấn thương mô mềm nhẹ, hoặc thậm chí không bị buộc tội gì.
Lý do bởi nạn nhân bị siết cổ thường không có vết thương ngoài da nào “có thể làm bằng chứng” để cảnh sát kết tội hung thủ.
Khi được thông qua, Đạo luật Bạo lực Gia đình sẽ nâng cao trách nhiệm của hệ thống tư pháp trong việc bảo vệ nạn nhân, đồng thời đưa thủ phạm ra trước công lý.
Tuy nhiên, nếu chính phủ Anh chấp thuận hành vi bóp cổ không gây tử vong là một tội danh cụ thể, sẽ có nhiều phụ nữ được cứu hơn. Họ xứng đáng nhận được sự trợ giúp và bảo vệ này.