Sáng 23/12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với sự tham gia của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại hơn 700 điểm cầu. Tại hội nghị, đại diện các cục và ban, ngành liên quan nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quản lý, kiểm soát cách ly cũng như công tác phòng, chống dịch trong dịp cuối năm.
Cách ly y tế còn nhiều lỗ hổng
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cho biết qua nhiều lần thanh tra, cơ quan này ghi nhận nhiều tồn tại trong cách ly y tế tại các địa phương, đặc biệt là cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Trong đó, vấn đề đáng lưu tâm nhất là nhiều người cách ly chưa tuân thủ quy định cùng tâm lý lơ là, ngay cả chính quyền địa phương cũng chưa có sự giám sát chặt chẽ. Với cơ sở cách ly tập trung, một số nơi chưa lấy mẫu xét nghiệm ngay khi tiếp nhận người cách ly, có nơi kéo dài nhiều ngày mới lấy mẫu. Trong khi đó, việc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát sớm là điều quan trọng.
Một số khu cách ly chưa đảm bảo cơ sở vật chất, chưa có phòng đệm để thay trang thiết bị bảo hộ, phòng cách ly tạm thời. Nhân viên tại khu cách ly đôi lúc chưa thông thạo quy định về phòng hộ, thậm chí, có người không biết cách mang và tháo trang phục bảo hộ.
Với người hoàn thành thời gian cách ly tập trung 14 ngày và trở về nơi cư trú, các đơn vị, địa phương chưa phối hợp để giám sát những trường hợp này. Do đó, bà Hương đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường thực hiện nghiêm quy định về cách ly y tế, đảm bảo triển khai đúng chuyên môn về phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là xử phạt nghiêm trường hợp không tuân thủ quy định cách ly.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc hội nghị sáng 23/12. Ảnh: QT. |
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh hiện nay, các địa phương cần hạn chế để người có nguy cơ cách ly tại nơi lưu trú. Các trường hợp này cần được theo dõi trong 14 ngày tiếp theo sau khi hoàn thành cách ly tập trung.
“Virus SARS-CoV-2 biến chủng khiến chúng ta rất quan ngại và lo lắng. Với virus biến chủng, việc tăng độc lực không hẳn nguy hiểm bằng khả năng tăng tốc độ lây nhiễm. Trong khi đó, biến chủng mới của SARS-CoV-2 tại các nước châu Âu tăng tốc độ lây truyền tới 70%. Điều này sẽ khiến nhiều người nhiễm bệnh, từ đó tăng tỷ lệ tử vong”, ông Long nói.
Bộ trưởng Y tế chỉ đạo các địa phương cần thường xuyên giám sát, túc trực theo dõi những cơ sở cách ly tập trung, nhất là khách sạn. Vừa qua, Bộ Y tế đã kiểm tra công tác giám sát cách ly ở một số khách sạn và ghi nhận nhiều nơi còn lơ là, chưa nghiêm ngặt. Điều này rất nguy hiểm nếu bùng phát dịch.
Ông Long nhấn mạnh chỉ chính quyền địa phương mới có quyền cho phép cách ly tại nhà khi người được cách ly đạt điều kiện. Nếu không đảm bảo tiêu chí an toàn, chính quyền tuyệt đối không cho phép cách ly tại nhà. Tại khu vực cách ly, cơ quan y tế đặt biển báo trước cửa nhà họ để người dân địa phương giám sát.
"Với virus biến chủng, chúng ta càng phải thần tốc, nhanh chóng hơn nữa mới có thể ngăn chặn nguồn lây truyền ngoài cộng đồng. Các địa phương cần nhanh chóng lên kế hoạch phân công lấy mẫu và xét nghiệm quy mô lớn, thần tốc truy vết, cách ly F1, đưa mầm bệnh ra khỏi cộng đồng như TP.HCM, Đà Nẵng đã làm thời gian qua", ông Long chỉ đạo.
Thay đổi để sẵn sàng ứng phó với tình hình
Báo cáo tại hội nghị, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết từ đầu mùa dịch, Hà Nội có 180 trường hợp nhiễm bệnh. Từ 25/7 đến nay, thành phố có 59 ca, 11 ca ngoài cộng đồng, 48 ca nhập cảnh. Hà Nội đã có 127 ngày liên tiếp không có ca mắc do lây nhiễm trong cộng đồng.
Tại điểm cầu TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay từ ngày 1/12 đến nay, thành phố đã trải qua 21 ngày không ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng. Từ đầu mùa dịch, địa phương này ghi nhận 143 người mắc Covid-19.
Trong đó, 139 người xuất viện tại thành phố và 26 bệnh nhân xuất viện ở các bệnh viện tỉnh, thành khác chuyển về để tiếp tục theo dõi. Thành phố đã tổ chức giám sát cho 96 bệnh nhân theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế (do có 35 bệnh nhân về nước hoặc trở về địa phương ngay sau xuất viện), phát hiện 17 trường hợp tái dương tính sau xuất viện. Đến nay, 17/17 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính và được xuất viện.
Một số giải pháp và đề xuất được đưa ra trong hội nghị. Ảnh: QT. |
Đáng chú ý, đại diện Sở Y tế Hà Nội đã đưa ra 2 kiến nghị để Việt Nam làm tốt hơn công tác phòng, chống dịch.
Ông Hạnh cho biết theo ghi nhận của ngành y tế, tổng số trường hợp tái dương tính với virus SARS-CoV-2 vừa qua tại Hà Nội là 9. Con số này trên cả nước cũng tương đối lớn. Tuy nhiên, tất cả trường hợp này sau khi được cách ly và lấy mẫu đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Song song đó, cơ quan y tế cũng truy vết, cách ly toàn bộ người tiếp xúc gần người tái dương tính (F1) tương tự bệnh nhân dương tính. Tất cả F1 đều cho kết quả xét nghiệm âm tính.
“Hiện chúng ta xử lý ca tái dương tính như ca nhiễm bình thường. Tuy nhiên, điều này gây tốn kém nhân lực, cơ sở vật chất không cần thiết”, ông Hạnh bày tỏ. Do đó, Hà Nội đề xuất Bộ Y tế cần có các tổng hợp nghiên cứu chi tiết hơn về mặt dịch tễ với trường hợp tái dương tính để có biện pháp thích ứng phù hợp.
Bên cạnh đó, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh việc thắt chặt quản lý, cách ly đối với tổ bay. Ông Hạnh cho hay hiện việc vận chuyển các thành viên tổ bay về khu vực cách ly của những hãng hàng không Việt Nam vẫn được đảm bảo khá tốt. Tuy nhiên, công tác này đối với các hãng bay quốc tế vẫn còn nhiều lỗ hổng.
"Vừa qua, chuyến bay của Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận một ca dương tính nhưng có tới 10 trường hợp F1, trong đó 8 nhân viên tổ bay và 2 người tiếp xúc khác là lái xe và nhân viên khách sạn. Theo quy định, những nhân viên này phải được hãng chở bằng xe chuyên dụng tới nơi cách ly y tế để đảm bảo an toàn. Những trường hợp như trên hiện vẫn rất khó quản lý và cần sự chỉ đạo quyết liệt hơn từ Bộ Y tế", ông Hạnh đề xuất.
Bên cạnh các sở y tế địa phương, vai trò của Bộ Quốc phòng trong công tác phòng, chống dịch cũng được đánh giá cao. Tại hội nghị, đại diện Cục Quân y, Bộ Quốc phòng, cho biết đến nay, cơ quan này đã tổ chức hơn 180 điểm cách ly tập trung cùng 148.000 trường hợp. Dù số lượng người cách ly lớn, Bộ Quốc phòng đã không để xảy ra các trường hợp lây nhiễm chéo và lan ra cộng đồng.
Ngoài ra, Cục Quân y cũng luôn duy trì 1.600 điểm kiểm soát tại các biên giới, đồng thời phối hợp với lực lượng địa phương để thực hiện tốt công tác này. Đại diện Cục Quân y nhấn mạnh dù các chốt chặn biên giới đang làm rất tốt nhiệm vụ, việc phối hợp giữa quân đội và địa phương cần tăng cường để thực hiện tốt hơn nữa công tác kiểm soát biên giới, tránh để xảy ra bùng phát dịch trong nước.
Đồng ý với quan điểm này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: "Tình hình dịch trên thế giới rất phức tạp, trong khi Việt Nam như cái ao, ngoài thế giới là sóng to gió lớn, thậm chí như cơn bão. Do đó, chúng ta cần quyết liệt hơn trong việc bảo vệ biên giới".
Tổng kết hội nghị, ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh mục tiêu trước mắt là cố gắng đảm bảo không xảy ra lây nhiễm để người dân có mùa Tết an lành. Vấn đề phòng, chống dịch được đặt ở mức độ cao nhất.
Các nhiệm vụ sắp tới Bộ Y tế nhấn mạnh là tăng cường quản lý người nhập cảnh, đặc biệt từ vùng có dịch và biến chủng của virus; đẩy mạnh việc cách ly, đảm bảo không có rủi ro thông qua công tác kiểm soát chặt chẽ; chú trọng công tác phòng dịch tại các cơ sở y tế, hạn chế người thăm và chăm sóc toàn diện cho người dân.
Nhằm hưởng ứng cho ngày Thế giới Phòng, chống dịch bệnh (27/12) và bắt đầu cho đợt phòng dịch cao điểm trước Tết, ông Long cho biết Bộ Y tế dự kiến sẽ tới thăm và kiểm tra các điểm kiểm soát biên giới vào cuối tuần này.