Tới buổi hẹn phỏng vấn tại quán cà phê gần nhà, Lim Tường Vy (38 tuổi, hiện kinh doanh tại TP.HCM) đội chiếc mũ lưỡi trai che đi mái tóc đã rụng hết sau 8 lần hóa trị điều trị ung thư vú.
Cô nở nụ cười tươi tắn, nói rằng giờ đã thoải mái với kiểu đầu mới và không thích đội tóc giả chút nào.
Trước khi kể câu chuyện của mình, cô hỏi phóng viên Zing “Từng trò chuyện với ai bị ung thư chưa?”, và “Khi nghe tới hai chữ ung thư có thấy sợ không?”.
Cô giải thích rằng hỏi trước như vậy vì không thích mọi người cư xử với mình như người bệnh. Vy thậm chí thường xuyên phải trấn an ngược lại những người xung quanh rằng mình ổn, không muốn ai lo lắng.
Tường Vy cho biết kết hôn đã 4 năm, cũng từng đó thời gian vợ chồng phải điều trị hiếm muộn. Cách đây gần một năm, khi chuẩn bị cấy phôi vào cơ thể, cô phát hiện mình có khối u lạ ở ngực và đi khám.
“Ngày cùng chồng đi lấy kết quả xét nghiệm, biết đó là khối u ác tính, tôi đã rất buồn và sốc, mọi thứ bỗng chốc trở nên tăm tối. Nhưng vốn là người tích cực, cũng xác định ung thư là bệnh bất cứ ai đều có thể mắc, tôi không để nó ‘giết chết’ tinh thần mình”, Vy nói.
Tường Vy đã đi thăm khám nhiều bác sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị. Cô cũng tự tìm kiếm thông tin để biết thêm về bệnh của mình.
"Hiểu về nó, tôi không còn hoảng loạn, bất an".
Gia đình là điểm tựa
Tường Vy nói rằng trong hành trình chống lại bệnh tật, cô may mắn có chồng, mẹ và chị gái luôn ở bên cạnh và hỗ trợ rất nhiều.
“Ngày trước hai vợ chồng hay cãi nhau lắm. Tới khi tôi bị bệnh, ông xã bảo: 'Giờ anh hiểu tại sao em hay cáu bẳn rồi, do nội tiết tố thay đổi nên tính khí em mới như vậy. Anh xin lỗi vợ! Anh thấy thương vợ nhiều lắm!'", Vy xúc động kể.
Người phụ nữ 38 tuổi thừa nhận áp lực lớn nhất của cô luôn là chuyện con cái. Có lần Vy hỏi: “Anh ơi, bây giờ em không sinh con được cho anh nữa thì sao?”, chồng cô đáp lại: “Không sao đâu em!”.
“Nhưng lúc đó tôi đâu có tin, mình cũng bất an chứ. Chồng rất mê con nít, anh lại là con trưởng trong gia đình nên không sinh được con là điều khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Bản thân tôi cũng rất muốn có con”.
Tường Vy luôn giữ tinh thần lạc quan để vượt qua bệnh tật. |
Khi đi gặp huấn luyện viên sức khỏe, Tường Vy cũng chia sẻ về áp lực sinh con, chồng một lần nữa trấn an: “Anh không thấy có vấn đề gì hết, anh chỉ thương em thôi. Anh sẽ đồng hành cùng em”.
Đó là lúc Tường Vy thoát khỏi nỗi sợ và lạc quan hơn trong quá trình trị ung thư. Cô nhận ra rằng không nhất thiết có con mới hạnh phúc, hai vợ chồng yêu thương nhau đã là gia đình trọn vẹn.
Chồng cũng là người động viên Vy ra nước ngoài điều trị, dù chi phí cao gấp nhiều lần so với bệnh viện trong nước.
Cuối tháng 4, Tường Vy bắt đầu sang Singapore thăm khám và quyết định tiến hành hóa trị. Cứ 3 tuần một lần, cô phải bay sang để truyền thuốc. Chị gái là người đồng hành mỗi lần cô ra nước ngoài.
4 đợt truyền hóa chất đầu tiên, cô mệt mỏi, phải gắng gượng để ăn mặc dù không hề muốn ăn. 4 đợt cuối, cô cảm giác như người bị vắt kiệt sức, rất đuối, tay chân bị tê, nhưng vì tinh thần thoải mái hơn và đã quen dần nên không còn mệt mỏi như trước.
Nữ doanh nhân nói rằng mình là người lạc quan và luôn có kế hoạch cho mọi biến động trong cuộc sống. Thế nhưng cô không tránh khỏi những khoảnh khắc tủi thân, xuống tinh thần trong thời gian chống chọi bệnh tật.
Khoảng 2 tuần sau lần truyền hóa chất đầu tiên, tóc Vy bắt đầu rụng.
Những sợi tóc chỉ cần vuốt nhẹ liền đứt ngang, rụng đầy tay cô. Lúc ấy, Vy đã quyết định đi mua một chiếc mũ thật đẹp và đắt tiền để đội, rồi nhờ chồng cạo hết tóc cho mình.
“Mọi thứ diễn ra rất bình thường, cho đến khi cạo được một nửa thì mẹ tôi ngồi khóc, thấy vậy nước mắt tôi cũng rơi theo, không thể kìm lại được. Chồng thương vợ nên bảo ‘Để anh cạo chung với em nhé’, nhưng tôi xua tay, nói rằng trong nhà có một người như vậy là đủ rồi”, Vy nhớ lại.
Bà Đỗ Thị Loan (63 tuổi), mẹ của Tường Vy, kể lúc đầu mới nghe về bệnh tình của con gái, bà khóc suốt, nhiều ngày mất ăn, mất ngủ vì lo và thương con.
“Gia đình tôi cũng từng có người mất vì ung thư, tôi không thể tưởng tượng được mình lại rơi vào hoàn cảnh đó một lần nữa. Hôm con hóa trị về bị rụng tóc và nói muốn cạo đầu, tôi khóc nhiều lắm. Ai mà đã làm mẹ chắc sẽ hiểu cảm giác đau xót”.
Nhưng sự tích cực, nghị lực của con gái dần vực dậy bà Loan. “Tôi nghĩ tại sao con là người bệnh mình không thể động viên được gì mà lại còn để con đi an ủi ngược lại như thế này. Có lẽ tôi là người mẹ may mắn khi có cô con gái tự tin, bản lĩnh và mạnh mẽ đến như vậy”.
Lan tỏa những điều tích cực
Thời gian điều trị bệnh, Tường Vy luôn muốn gặp được người cùng trải qua hoàn cảnh như mình để chia sẻ cảm xúc. Cô thấy may mắn khi được một người bạn giới thiệu tham gia Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV), nơi cô nhận được nhiều năng lượng tích cực và thông tin khoa học về bệnh của mình.
Lắng nghe câu chuyện của những người khác, Vy suy nghĩ tích cực hơn và thấy rằng mình còn nhiều may mắn. Cô được các thành viên trong cộng đồng, những người cô luôn gọi yêu thương là “thiên thần”, truyền động lực lớn.
Doanh nhân 38 tuổi hy vọng truyền năng lượng tích cực, lạc quan đến những người có hoàn cảnh giống mình. |
Đúng ngày sinh nhật vào tháng 5, khi lần đầu chia sẻ bệnh tình trên trang cá nhân, Vy nhớ có một chị đồng nghiệp cũ nhắn tin hỏi thăm mình rất nhiều. Sau này, chị ấy mới kể rằng bản thân cũng bị bệnh, từng chữa trị một lần và giờ đây tái phát nhưng không muốn kể với ai cả.
Nghe xong, Vy cảm thấy thắt lòng. Cô cố thuyết phục chị tiếp tục chạy chữa. Hai chị em nhắn tin qua lại rất nhiều. Chị hỏi cô sao bệnh tật như vậy mà lúc nào cũng phơi phới, tràn đầy năng lượng tích cực, khiến chị cũng muốn được giống như vậy.
“Lúc đó, tôi chợt nghĩ hóa ra câu chuyện của mình cũng có ý nghĩa, cũng có thể chạm đến cuộc đời của một ai đó. Mọi người cứ nghĩ bệnh tật là phải giấu nhưng biết đâu câu chuyện của mình cũng có thể giúp được người khác thì sao”.
Từ trải nghiệm của mình, Tường Vy muốn lan tỏa năng lượng tinh thần tích cực đến nhiều người khác. Cô cảm thấy vừa vui, vừa ngại ngùng khi nhiều người gọi mình là "chiến binh", khen cô dũng cảm và kiên cường.
Sau 8 lần hóa trị, Tường Vy chuẩn bị cho phẫu thuật bảo tồn ngực, cuối cùng là tiến hành xạ trị.
Sau nhiều khó khăn, cô nhận ra hạnh phúc thật sự là những điều rất đơn giản. “Ngày trước, tôi thay đổi các kiểu tóc vì nghĩ như thế mới đẹp, giờ chỉ cần có tóc là đẹp. Tôi sống chậm hơn nhưng an yên, hiểu mình và thông cảm cho người khác nhiều hơn”.
Người phụ nữ 38 tuổi nói rằng bệnh tật cũng khiến cô tìm thấy khoảng lặng, có cơ hội sắp xếp lại cuộc đời mình. "Nếu được sống một lần nữa, tôi sẽ sống cuộc đời ý nghĩa hơn", Tường Vy bày tỏ.
Tháng 10 hàng năm cũng là tháng nâng cao nhận thức về ung thư vú trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) được thành lập năm 2013, hoạt động với 2 sứ mệnh nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm tăng tỷ lệ phát hiện sớm ung thư vú và nâng cao chất lượng sống cho những người bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi căn bệnh này.
BCNV hiện có 3 chương trình hỗ trợ chính: Thư viện tóc giả được làm từ tóc thật cho bệnh nhân ung thư trong quá trình điều trị hóa chất, PinkMate - chương trình hỗ trợ áo lót cho bệnh nhân đoạn nhũ và Pink Mindfulness - chương trình chăm sóc thân tâm trí bằng thiền, chánh niệm, yoga dành cho bệnh nhân ung thư và cộng đồng yêu sức khỏe.