Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chống sốc cho học sinh cuối cấp

Ngoại khóa là hoạt động được chú trọng trong chương trình mới. Thời gian qua, ngành giáo dục các địa phương đã tiếp cận và vào cuộc để đẩy mạnh hoạt động này.

Với cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc thù địa phương, hoạt động ngoại khóa đang dần “hút” thầy, trò…

Giúp học sinh tiếp cận chương trình

Cô Nguyễn Thị Nguyên - Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Bản Phố (Bắc Hà - Lào Cai) chia sẻ để bảo đảm tính liên thông cho học sinh lớp 5 lên THCS, nhà trường thực hiện nghiêm chỉ đạo của phòng GD&ĐT trong việc thường xuyên tổ chức dự giờ của các trường tiểu học trong địa bàn để giáo viên hai bậc học cùng tìm phương pháp giảng dạy, sự kế thừa, phù hợp… Từ đó, trường triển khai vào thực tế, giúp học sinh nhanh chóng bám sát yêu cầu chương trình.

chong soc cho hoc sinh cuoi cap anh 1

Học sinh lớp 5 chuẩn bị bước vào lớp 6 với sự thay đổi về chương trình, SGK. Ảnh: Khánh Huyền.

Đặc biệt, nắm rõ đặc thù của học sinh tiểu học là viết vở ô ly, nên ngay bước vào học kỳ II, nhà trường đã chủ động tặng mỗi học sinh lớp 5 một quyển vở kẻ ngang để các em có thể làm quen, luyện chữ viết từ ô ly sang kẻ ngang; quen với cách viết và trình bày bài tập theo nền nếp của học sinh bậc THCS...

Cũng không ít phụ huynh băn khoăn lo lắng khi học sinh lớp 5 bước vào lớp 6 (năm học 2021-2022) sẽ học theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, trong khi học sinh vẫn học lớp 5 theo chương trình cũ...

Tuy nhiên, về vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn các trường tiểu học điều chỉnh kế hoạch giáo dục ở học kỳ II của lớp 5 theo hướng lồng ghép, tích hợp một số nội dung theo chủ đề dạy học. Cùng đó điều chỉnh yêu cầu đối với học sinh để chuyển dần theo hướng dạy học phát triển năng lực, phẩm chất thông qua hướng dẫn tổ chức các hoạt động học, cách giao nhiệm vụ học tập để học sinh chủ động, linh hoạt, sáng tạo thực hiện.

Một vấn đề cũng được các trường THCS quan tâm, đặt ra đó là có môn học mới - Khoa học tự nhiên - với các phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học ở lớp 6. Như vậy, để học sinh lớp 5 lên lớp 6 tiếp cận được môn học, các trường thực hiện không lúng túng... phải chuẩn bị ra sao?

Về vấn đề trên, theo cô Nguyễn Thị Tuyết Minh - Hiệu trưởng trường THCS Ngô Quyền (Hai Bà Trung - Hà Nội), giáo viên các trường đang nghiên cứu SGK trên mạng.

Khi có bộ SGK chính thức được chọn để dạy học, nhà trường và GV bộ môn sẽ cùng trao đổi và tìm ra cách triển khai hiệu quả. Việc dạy học môn khoa học tự nhiên với các phân môn không quá lo lắng bởi có sự hướng dẫn từ Bộ GD&ĐT.

Mặt khác, ngay từ quá trình chuẩn bị, nhà trường sẽ yêu cầu tổ tự nhiên nghiên cứu kỹ mạch kiến thức, từ đó đề xuất cách thực hiện, đưa vào kế hoạch giáo dục nhà trường.

Với học sinh khối 9 chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, thầy Trần Quốc Hải - Hiệu trưởng trường THCS Cát Linh (Đống Đa - Hà Nội) - lại chỉ ra: Đây là lứa học sinh chịu ảnh hưởng liên tiếp 2 năm dịch Covid-19 nên kết quả học tập của nhiều em chưa như mong muốn.

Thời điểm này, giáo viên vừa triển khai chương trình cơ bản, vừa bù lấp kiến thức cho thời gian học trực tuyến, mặt khác ôn tập nâng cao cho học sinh thi tuyển sinh vào lớp 10.

“Thời gian không còn nhiều, việc dạy học và ôn tập phải được giáo viên lên kế hoạch hết sức hợp lý, khoa học. Vội nhưng không 'nhồi' nhét học sinh về kiến thức, dạy tới đâu chắc tới đó. Đặc biệt, để học sinh học tập hiệu quả ở giai đoạn nước rút, nhà trường yêu cầu giáo viên tăng cường động viên, quan tâm, hỗ trợ kiến thức, tránh sức ép tâm lý cho học sinh…”, thầy Hải chia sẻ.

chong soc cho hoc sinh cuoi cap anh 2

Học sinh trường THCS Nam Trung Yên (Cầu Giấy - Hà Nội). Ảnh: Khánh Huyền.

Sẵn sàng tâm thế chuyển cấp

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng - khoa Tâm lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) khẳng định: Với học sinh cuối cấp, việc chuẩn bị tâm thế vô cùng quan trọng và không thể xem nhẹ bởi các em phải đối diện những cuộc thi quan trọng.

Cha mẹ và cả học sinh cuối cấp cần hiểu rằng không có con đường cùng trong học tập. Quan trọng là biết chấp nhận kết quả mình đạt được và cố gắng, nỗ lực phấn đấu hết mình với con đường mình tiếp tục lựa chọn…

Tâm lý của học sinh cuối cấp như “sợi dây đàn” phải căng ra bởi chịu nhiều áp lực từ phía gia đình, xã hội, đồng thời cũng là bước ngoặt quan trọng của bản thân.

Nếu trẻ không được chuẩn bị tâm thế kỹ càng dẫn tới thần kinh căng thẳng, có em chuyển từ trạng thái tâm lý bình thường sang bất thường (trầm cảm, sốc, không nói năng gì), thậm chí xuất hiện hành vi tiêu cực (tự tử, bỏ nhà đi lang thang, nổi loạn…).

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng lưu ý chuẩn bị tâm thế cho học sinh cuối cấp bao gồm cả về mặt nhận thức, kiến thức, phương pháp… để tham gia các kỳ thi đạt hiệu quả; biết đón nhận kết quả mình đạt được.

Nếu không chuẩn bị tốt tâm thế, không chỉ thiếu kiến thức làm bài thi mà học sinh còn thiếu kỹ năng, phương pháp để làm bài thi đạt kết quả cao nhất.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng nhấn mạnh giữa kiến thức và tâm lý, việc chuẩn bị tâm lý cho học sinh cuối cấp quan trọng và khó khăn hơn bởi kiến thức có thể bù lấp sau khoảng thời gian ngắn còn tâm lý cần có quá trình, sự tập dượt, trải nghiệm với nhiều tình huống (có thể tình huống giả định) học sinh mới hình thành kĩ năng…

Cùng đó, cha mẹ không nên ép con học tập quá sức mà thay vào đó hãy động viên trẻ học tập và biết chấp nhận kết quả đạt được sau kỳ thi.

Cần giúp học sinh cuối cấp hiểu rằng, bất kỳ kết quả ra sao cũng có phương án giải quyết ở mức độ phù hợp. Ví như không vào trường chuyên thì vào trường tốp 1, không vào trường tốp 1 vào trường bình thường, không vào công lập học ngoài công lập, hoặc học vừa học vừa làm…

Như vậy, tránh cho trẻ sự thất vọng, tự ti về bản thân, chán nản học tập, không nỗ lực phấn đấu ở môi trường học tập khác.

Kiểm soát cảm xúc khi dạy trẻ

Khi trẻ không nghe lời, ngang bướng, nhiều phụ huynh, giáo viên có xu hướng sử dụng đòn roi để giải quyết. Đó chưa phải là cách dạy con tích cực.

https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chong-soc-cho-hoc-sinh-cuoi-cap-Qo2TuaQGR.html

Đức Trí/ Giáo Dục & Thời Đại

Bạn có thể quan tâm