Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chống tội phạm từ gốc giáo dục

“Xã hội hiện nay đang rơi vào cơn biến loạn do tội phạm hoành hành. Người ở hiền không còn gặp lành. Tình trạng này không thể tồi tệ hơn nữa” - GS-TSKH Nguyễn Đăng Hưng nhận định.

Chống tội phạm từ gốc giáo dục

“Xã hội hiện nay đang rơi vào cơn biến loạn do tội phạm hoành hành. Người ở hiền không còn gặp lành. Tình trạng này không thể tồi tệ hơn nữa” - GS-TSKH Nguyễn Đăng Hưng nhận định.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy năm 2012 số bị can dưới 18 tuổi tăng 7,4% so với năm 2011. Hằng năm, trẻ vị thành niên phạm tội chiếm 15%-18% tổng số tội phạm, với số lượng 16.000-18.000 người.

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đăng Hưng.

- Thưa ông, điều gì khiến ông cho rằng tội phạm bùng phát?

- Hằng ngày trên các trang thông tin đại chúng, đâu đâu cũng có những chuyện cướp của, giết người, vô nhân tính. Điều đó cho thấy kháng thể của xã hội trong cuộc chiến chống cái xấu đang bị xuống cấp trầm trọng. Chính bản thân tôi cũng có kinh nghiệm chẳng lành. Một lần khi đi rút tiền từ ngân hàng, trên đường về bằng xe máy có người cố tình ép sát tôi làm tôi té ngã. Họ là một đám chuyên trấn lột người đi đường gồm bốn người. Người thứ tư thừa lúc tôi đôi co với kẻ gây tai nạn đã móc ví. Những kẻ côn đồ này đã hành động nhanh chóng trên một đoạn đường đông đúc người đi qua lại, vào lúc hơn 2 giờ chiều chứ không phải đêm hôm khuya khoắt.

- Nhưng chẳng lẽ chỉ vì một chuyện như vậy mà ông khái quát thành “cuộc chiến chống cái xấu đang bị xuống cấp”?

- Chưa hết! Một vị giáo sư Bỉ qua đây dạy, ngày nghỉ ông tranh thủ đi chụp ảnh kỷ niệm tại sân Tao Đàn. Khi chiếc camera vừa đặt xuống để mở túi, ông bị giật luôn. Kẻ cướp hành xử ngay chốn đông người, còn vị giáo sư nọ cũng không kịp than vãn và phỉ bác. Ông tự an ủi với tôi rằng thôi thì cái máy của tôi cũ quá rồi, đây là dịp để mua cái mới. Một người bạn khác, ra chợ Bến Thành bị móc ví. Ông ấy hớt ha hớt hải vì mất hộ chiếu và giấy tờ tùy thân. Được một lúc sau có người vỗ vai nói nhỏ bằng tiếng Anh hẳn hoi, rằng ví của ông đang ở góc bên kia đường. Ông đi đến và thấy ví của mình đó, tiền mất nhưng may mắn là còn giấy tờ. Ông ấy hài hước: “Đám ăn trộm Việt Nam văn minh đấy!”. 

- Nhưng ở đất nước nào cũng có những chuyện tương tự như vậy, thưa ông?

- Ở châu Âu những năm 1960 dường như rất ít tệ nạn. Cho tới khi dân Đông Âu có thể tràn qua các nước châu Âu và từ đó tệ nạn xuất hiện nhiều hơn. Các quốc gia ở Đông Âu kinh tế kém phát triển, nền giáo dục cũng chưa cao. Khi sang Tây Âu họ thấy ở đây giàu quá, dân hiền quá, xe đạp để ngoài đường không cần khóa nên họ lấy. Nhưng vấn đề của chúng ta lại khác, tình trạng đến mức trầm trọng khi người ta sẵn sàng giết cha mẹ vì vài trăm ngàn. Hay những hành động côn đồ xảy ra giữa chợ mà không ai phản đối… đó là sự băng hoại về đạo đức.

Phải phá cái thế thúc thủ, bàng quan

- Vậy ông có nhận xét gì khi gần đây trên nhiều tờ báo có viết về những hành động “tự xử” của người dân thay vì báo công an?

- Lại một câu chuyện của chính tôi. Từ năm 2007 tôi giảng dạy cho lớp cao học khoa Quốc tế của ĐH Bách khoa TP.HCM. Trong số đó có một sinh viên luận văn yếu quá nên không đạt điểm. Bởi vậy tôi đề nghị làm lại nhưng em này không chịu làm mà muốn qua môn. Phụ huynh đã đến xin xỏ nhưng tôi từ chối. Tôi bảo tôi chỉ có thể tiếp khi đã thi xong. Nhưng cũng từ đó ngày nào tôi cũng bị mấy cuộc điện thoại dọa giết, dọa đâm xe…

Sau một thời gian không chịu nổi tôi báo công an, kèm với các đoạn băng ghi âm cuộc nói chuyện dọa nạt để công an làm rõ. Nhưng kết cục công an có làm hay không tôi không biết nhưng mặc tôi cứ giải trình, vụ việc vẫn không dừng lại và ngày càng nhiều cuộc điện thoại hơn.

Sau mấy tháng như vậy tôi cảm thấy rất mệt mỏi và đành tự giải quyết. Hôm ấy có vị giáo sư từ Hà Nội vào tôi đã kể về chuyện này. Sau đó tôi nhờ ông nếu có cuộc điện thoại dọa nạt đến ông hãy nghe giùm tôi. Ông hãy nói mình là công an từ Hà Nội vào giúp tôi giải quyết sự việc. Ông nói với đầu dây bên kia rằng đã ghi lại tất cả cuộc điện thoại dọa nạt và biết tác giả là ai, địa chỉ ở đâu. Cho nên sắp tới sẽ có những cuộc thăm hỏi từ phía công an. Sau đó bên kia cúp máy và từ đó không bao giờ làm phiền và dọa giết tôi nữa.

Câu chuyện của tôi tương tự sự việc người dân Nghệ An đã đốt xe của những kẻ trộm chó. Qua những điều này cho thấy công an chưa làm tròn nhiệm vụ bảo vệ người dân..

- Cuộc sống quá nhiều cái lo...?

- Đúng vậy, từ anh lái taxi, đến anh đi xe ôm hay người thợ cắt tóc… đều mang tâm trạng lo âu về cuộc sống. Người ta lo không biết mình sẽ sống thế nào đây, thu nhập thế này có đủ sống không, ra đường có bị chém không….

- Nghĩa là giá trị và quy luật thiện thắng ác đang bị đảo ngược?

- Đúng, tội ác hoành hành, người tốt, người có đạo đức, vốn là rường cột của xã hội họ lại phải lui về thúc thủ, bàn quan. Bởi vì nếu can thiệp họ sẽ gặp tai họa, gặp rắc rối. Điều đó làm xã hội đang đi xuống chứ không phải đi lên. Rất nguy hiểm nếu không giải quyết nhanh tình trạng này.

Nền giáo dục đáng lo

- Vậy theo ông, cái ác bắt đầu đến từ đâu?

- Trộm, cướp… đến từ cuộc sống khó khăn nhưng sự chiếm đoạt của các ác lại nằm ở giáo dục và khi giá trị đạo đức bị hủy hoại, tha hóa. Nếu kinh tế khó khăn thì sau thời gian suy thoái sẽ vực dậy. Địa ốc đóng băng thì có ngày phục hồi. Nhưng nền giáo dục của Việt Nam đang lầm đường lạc lối. Nền giáo dục không đạt được mục tiêu tạo ra con người có nhân cách, có niềm tin đạo đức, biết sống lương thiện, biết sống thương yêu… Thay vào đó là từ ngay tấm bé trẻ con đã thấy những hình ảnh vị kỷ, thực dụng đầy rẫy trong thực tế, chỉ thấy tiền là chính.

Một chuyện nhỏ thế này, cô bạn tôi kể rằng con gái mình về nhà bảo mẹ sao không mua quà bánh Trung thu đến tặng cô giáo. Tôi cho rằng nếu cô giáo không tìm cách để hối thúc học sinh, phụ huynh phải cung phụng mình thì tại sao đứa trẻ lại hỏi mẹ như vậy. Thay vì chúng ta đem ánh trăng vàng, là câu chuyện về chị Hằng Nga, chú Cuội để con nít biết mơ mộng sáng tạo thì lại dạy cho chúng về lòng tham muốn vật chất. Đứa trẻ sẽ nghĩ gì về cô của nó và trong tương lai chắc chắn nếu có điều kiện đứa trẻ đó sẽ móc tiền của bằng địa vị và chỗ đứng của mình. Đây là những chuyện mà khi chúng tôi còn học phổ thông không hề có..

- Ông có thể nói rõ hơn về thời của ông?

- Đương nhiên thời nào cũng giáo dục trẻ em về tình yêu nhưng phải bắt đầu từ những điều cụ thể. Hồi đó trẻ con được dạy yêu thương cái nôi sinh ra mình, tức là yêu cha mẹ, yêu anh em, yêu ông bà rồi mới yêu cái cây đa, yêu cái đình làng, cánh đồng lúa chín, con sông nho nhỏ uốn quanh làng quê, con đường phố rợp bóng mát cây xanh… Sau đó mới đến yêu Tổ quốc với tất cả yếu tố văn hóa, lịch sử đi theo: Tuyên ngôn độc lập của Lý Thường Kiệt trên sông Như Nguyệt, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du…. Vì với trẻ con, Tổ quốc là điều gì rất mông lung. Năm, sáu tuổi biết thế nào là tình yêu Tổ quốc. Tuổi này nó cần bàn tay ấm áp của mẹ, sự vuốt ve của cha, sự nâng đỡ của anh và bài học giáo dục mỗi ngày ở nhà, ở trường cũng phải thường xuyên như vậy.

Bây giờ dường như bài học thương yêu, đề cao những tâm hồn cao thượng, tình tương thân tương ái, nhiễu điều phủ lấy giá gương, thương người như thể thương thân rất mờ nhạt. Một môi trường như vậy mà bạo lực không xuất hiện mới là điều lạ.

- Nghĩa là vấn đề nằm từ gốc chứ không phải ngọn thưa ông?

- Đúng thế. Một lớp học tiểu học, sự giàu nghèo thể hiện ngay trong ăn mặc, trong những tiệc sinh nhật của từng đứa trẻ. Những đứa trẻ con nhà giàu có nếu không được dạy phải thương bạn, tôn trọng bạn, chúng sẽ ra sao khi trưởng thành. Những đứa trẻ nghèo khó luôn tự hỏi tại sao mẹ không mua cho con áo đẹp, tại sao mẹ không mua cho con cặp đẹp. Tất cả cái đó nếu không được giải tỏa bằng các bài học thường trực hằng ngày thì lâu dần sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của một đời người.

Theo Pháp Luật TP.HCM

Theo Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm