Tương lai nào cho nền giáo dục Việt Nam?
Tại buổi hội thảo, các thành viên tham dự đã tranh luận sôi nổi về phương hướng cho nền giáo dục nước nhà, đề cao đặc biệt việc hợp tác công – tư (PPP), để đạt hiệu quả cao nhất.
Chiều 27/10 vừa qua, ngay sau lễ trao giải Cuộc thi Robotics Quốc tế dành cho trẻ em 2012, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), đã diễn ra hội thảo “Kỹ năng học tập thế kỷ 21 tại khu vực Đông Nam Á”, do Liên doanh DTT – Eduspec chủ trì.
Quang cảnh buổi hội thảo |
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Vinh Hiển, cùng nhiều quan chức ngành giáo dục, truyền thông, công nghệ thông tin trong nước và quốc tế đã tham dự hội thảo này.
Việc tìm ra định hướng cho nền giáo dục nước nhà luôn là vấn đề hết sức quan trọng, bức thiết. Hội thảo đã đưa ra vấn đề hợp tác công – tư trong phát triển giáo dục và tranh luận về xu thế này trong việc áp dụng vào hiện tại, cũng như tương lai.
Tại buổi hội thảo, các thành viên tham dự đã tranh luận sôi nổi về phương hướng cho nền giáo dục nước nhà, đề cao đặc biệt việc hợp tác công – tư (PPP), để đạt hiệu quả cao nhất. Mục đích của hội thảo là đưa ra các giải pháp thực tiễn để hiện thực hóa việc đưa ra phương pháp và các chương trình đào tạo tiểu học.
Sau đây là một số quan điểm của các thành viên tham gia hội thảo:
- Ông Nguyễn Thế Trung - Giám đốc DTT:
Bước sang thế kỷ 21, thế giới ngày càng thay đổi và phát triển nhanh chóng. Mỗi năm số lượng dữ liệu trên toàn thế giới tăng gấp đôi và hiện có khoảng 15 tỷ thiết bị được kết nối Internet. Trong môi trường như vậy, học sinh cần một phương pháp học mới, một phương pháp học tập chủ động, một tư duy giải quyết vấn đề kết hợp giữa tư duy phản biện và các giải pháp công nghệ. “21st century learning skills - Kỹ năng học tập thế kỷ 21” là một phương pháp ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới để đáp ứng những nhu cầu này.
Liên doanh DTT - Eduspec trong 15 năm vừa qua đã triển khai nhiều mô hình giảng dạy các môn học như Công nghệ thông tin, Tiếng Anh, Robotics… trên nền tảng công nghệ thông tin tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, chương trình được triển khai từ năm 2011 đã thu hút hàng ngàn học sinh tham dự tại một số trường như: Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Trường Tiểu học Xuân Đỉnh, Trường THCS Thăng Long, Trường Tiểu học Vietkid, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm - TP.HCM, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo - TP.HCM, Trường Tiểu học Ban Mai…
Liên doanh DTT - Eduspec có kế hoạch mở rộng chương trình cả về số lượng và chất lượng trong tương lai. Hội đồng tư vấn giáo dục Kỹ năng giáo dục thế kỷ 21 sẽ cung cấp những kiến thức quý báu về mặt học thuật và kinh nghiệm về việc triển khai chương trình đào tạo này.
- TS. Phạm Phương Luyện (Nguyên Chủ nhiệm Khoa ngôn ngữ và văn hóa Anh - Mỹ, ĐH Ngoại Ngữ, ĐHQG, Hà Nội, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng bộ môn Tiếng Anh, Bộ GD&ĐT):
Thế giới đang thay đổi từng ngày và cả thế giới đang đứng trước thách thức của sự thay đổi. Thế nhưng, có một lĩnh vực mà gần như chưa có nhiều thay đổi lắm, đó là phương thức chúng ta giáo dục thế hệ trẻ. Giáo dục của chúng ta vẫn gần như những gì đã xảy ra cách nay 1 thế kỷ và những người làm công tác giáo dục vẫn đang chủ trương vận hành giáo dục theo cách thức mà chính họ đã được giáo dục thế kỷ 20.
Hậu quả đang hiển hiện ở khắp nơi. Chủ sử dụng lao động kêu ca học sinh tốt nghiệp chưa có đủ khả năng làm việc. Đa phần phải đào tạo lại, vì thiếu kỹ năng.
Ngay tại Mỹ, tổng thống cũng đã phải thốt lên: “Tôi kêu gọi nước Mỹ chúng ta… hãy chuẩn hóa giáo dục và sử dụng hệ thống kiểm tra đánh giá thế nào để yêu cầu không chỉ học sinh điền đúng thông tin, hay chọn câu trả lời đúng, mà còn phải dạy cho họ các kỹ năng của thế kỷ 21, như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy phê phán, kỹ năng tư duy và sáng tạo”.
Việt Nam cần phải thay đổi cách thức giáo dục theo hướng dạy kỹ năng thế kỷ 21, là vì chương trình giáo dục hiện hành vẫn là kiểu chương trình của thế kỷ 20, nặng về kiến thức, trong khi đòi hỏi của thị trường lao động hoàn toàn khác.
Các trường muốn thực hiện được chức năng đào tạo, giáo dục của mình thì nhất thiết phải cung cấp cho người học những chương trình, khóa học để đào tạo học sinh thành người lao động đáp ứng được yêu cầu của công việc hiện nay, với một tập hợp các kỹ năng phức tạp, chuyên môn sâu, sáng tạo và cả những công việc sẽ xuất hiện trong tương lai.
Cuộc thi Robotics Quốc tế năm nay tại Hà Nội là hoạt động thường niên của những nỗ lực giảng dạy kỹ năng thế kỷ 21 mà Eduspec cung cấp cho học sinh Malaysia từ cấp tiểu học trở lên. Kết quả như ta đã thấy, đó là tất cả các giải vô địch, nhì, ba, các đội tuyển robotics của Malaysia đã giành hết. Các nước còn lại chỉ đoạt giải an ủi. Tuy nhiên, rất mừng là Việt Nam đã có DTT đi tiên phong, mang trào lưu giáo dục kỹ năng tới các nhà trường ở Việt Nam.
- Ông Lim Een Hong, Giám đốc điều hành Công ty Eduspec Holdings Berhad (Malaysia):
Tôi khẳng định rằng mô hình giáo dục nhà nước là rất quan trọng. Nhưng mô hình giáo dục công – tư, tức PPP còn quan trọng hơn. Chính phủ Mỹ và Anh đều coi trọng mô hình PPP. Khối tư cung cấp tài chính cho khối công hoạt động. Ấn Độ cung đã áp dụng PPP và thành công ngoài sức tưởng tượng.
Hiện ở Ấn Độ, 40% là trường tư. Áp dụng PPP, đưa công nghệ thông tin vào trường học, Ấn Độ đã nhanh chóng biến thành nước lớn nhất thế giới về sản xuất phần mềm. Học sinh Ấn Độ rất giỏi về phần mềm. Người nghèo Ấn Độ còn nhiều, nhưng học sinh của họ thì đã phổ cập công nghệ thông tin, phổ cập kỹ năng máy tính.
15 năm trước, chúng tôi đã bắt đầu thực hiện liên kết công – tư trong giáo dục. Lúc đầu khó khăn lắm, phải giải quyết rất nhiều vấn đề. Nhưng chúng tôi làm từng bước. Chúng tôi học kinh nghiệm từ Singapore và áp dụng theo tiến trình cụ thể.
Ngày chúng tôi đưa máy tính vào trường tiểu học, thấy các em mê lắm, đặc biệt là chơi game. Các em thích vừa học vừa chơi trên nền tảng công nghệ thông tin. Do đó, thầy giáo dạy học trên máy tính, mạng, các em rất phấn khích, ham học.
Về kỹ năng giáo dục thế kỷ 21, chúng ta phải hướng học sinh sử dụng công nghệ thông tin một cách hữu ích. Giáo viên phải được đào tạo.
Để thực hiện được kỹ năng giáo dục thế kỷ 21 thì phải đầu tư lớn, do đó, phải có sự kết hợp công – tư. Giáo viên học xong cũng phải dạy học ngay, dạy liên tục, nếu không sẽ quên nhanh, hoặc tiến bộ chậm. Kết quả là chúng tôi đã đào tạo được các học sinh giỏi về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, đặc biệt là môn robotics. Điều đó đã thể hiện trong cuộc thi hôm nay, học sinh chúng tôi đã giành hết giải cao.
Ngay từ bậc tiểu học, các cháu đã được đào tạo trong môi trường công nghệ thông tin, học robotics, nên từ lớp 7 đến lớp 12, các cháu đã là những lập trình viên, có kỹ năng phần mềm rất tốt.
Cho đến giờ đây, nhờ có hợp tác công – tư mà đào tạo học sinh trên nền tảng công nghệ thông tin ở nước chúng tôi đã phổ cập, với 10.000 trường áp dụng. Giá học phí cũng rất rẻ, chỉ có 10 USD/tháng cho một học sinh để được đào tạo trong môi trường hiện đại này.
Từ thành công ở Malaysia, chúng tôi mở rộng kỹ năng giáo dục thế kỷ 21 ra các nước khác, mà Việt Nam là một điểm chúng tôi nhắm đến.
Mặc dù mới triển khai được ở vài trường tiểu học, song chúng tôi thấy học sinh Việt Nam đều rất thích môn hoc robotics. Chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo và lãnh đạo Việt Nam rất ủng hộ, phê chuẩn như là môn học ngoại khóa.
Bảo Nam
Theo Infonet