Chồng ỷ lại vì vợ
Bật mãi mà cái bóng điện trong phòng tắm không sáng, Huệ cầm tiền đi mua một chiếc bóng mới rồi nhanh nhẹn tháo lắp trong khi Kiên – chồng Huệ vẫn thản nhiên nằm xem tivi.
Ảnh minh họa |
Đây không phải lần đầu tiên Huệ tranh giành hết những việc nhà nặng nhọc vốn thuộc về người đàn ông. 6 tháng kết hôn, Huệ hầu như quán xuyến hết mọi chuyện lớn bé trong nhà, từ đi chợ, cơm nước đến thay bóng đèn hay sửa xe máy. Nhiệm vụ của Kiên sau giờ tan sở về nhà là nghỉ ngơi, xem tivi, đọc báo.
Từ hồi yêu nhau, vợ chồng Huệ đã như đôi đũa lệch. Huệ cao đến 1.7m, nặng trên 60kg, năng động, vui vẻ cười nói suốt ngày trong khi Kiên lại chỉ cao 1.68 và cân nặng tương đương với vợ. Đó là lý do không bao giờ bạn bè, đồng nghiệp hay người thân thấy Huệ yểu điệu diện giày cao gót khi sánh bước cùng chồng.
Không chỉ có vóc dáng "lực lưỡng", Huệ còn tháo vát, đảm đang hơn chồng rất nhiều. Cô hiện là kỹ sư cơ khí nên khá thành thạo trong việc sửa chữa, máy móc và các vật dụng trong gia đình. Chẳng bù cho vợ, Kiên là giáo viên THCS, chân tay yếu ớt, thư sinh lại khá vụng về trong việc nhà.
Có lần bố mẹ vợ nhờ Kiên xem hộ cái xe đạp cho đứa cháu. Anh loay hoay tay ốc, tay vít “đánh vật” với cái xe gần 1 giờ đồng hồ. Kết quả, cái xe đạp không đi được, anh cũng không biết mình đã lắp sai cái gì. Bí quá, anh đành "lôi" vợ từ bếp lên để giải nguy. Với tài năng của Huệ, chỉ mất nửa tiếng đồng hồ, chiếc xe đạp của cháu đã “đâu vào đấy”.
Sau cái ngày biết “tài năng” của con rể, bố mẹ Huệ không dám nhờ việc gì nữa, bởi các cụ biết cuối cùng thế nào cũng đến tay con gái mình.
Cô vợ khó chiều
Cùng cảnh vợ đảm như Huệ nhưng vợ chồng Linh liên tục xảy ra căng thẳng. Dũng – chồng Linh lần nào động tay vào việc nhà cũng bị vợ nhanh tay tranh mất phần.
Mỗi lần Dũng định cầm chổi quét nhà, Linh đã nhanh nhẹn: “Để em làm cho, anh quét có bao giờ sạch đâu, em toàn phải quét lại, để em làm luôn cho nhanh”.
Lần khác, anh gọi thợ vào sơn nhà, Linh chen ngang, muốn chỉ đạo anh thợ phải sơn chỗ này, chỗ kia sao cho đẹp mà chẳng để ý đến thái độ, cảm xúc của chồng. Bực mình, Dũng lớn tiếng bảo: “Em cứ làm việc của em đi” thì vợ lại ngúng nguẩy: “Anh thì làm việc gì cũng hỏng lại còn đòi làm. Để anh làm em chẳng yên tâm gì cả”.
Kỳ lạ ở chỗ, khi Dũng không chịu nổi tính vợ, phải phóng xe ra ngoài cho đỡ ức chế thì Linh quay lại trách mắng: “Anh chẳng giúp gì cho em”.
Đôi lời góp ý dành cho người vợ
Xưa nay, những phần việc như sửa chữa đồ đạc, máy móc trong nhà thường được gắn với chức trách của người đàn ông. Nhưng có những trường hợp, người vợ có sức khỏe, vốn kiến thức, kỹ năng vượt trội hơn chồng. Điều này khiến cho chồng có cảm giác thừa thãi khi bị vợ tranh hết phần việc.
Lâu dần thói quen này lại cổ vũ cho bản tính chây lười, thích ỷ lại của chồng và dẫn tới bất công trong cuộc sống gia đình.
Khi người chồng bị lép vế lâu ngày anh ấy sẽ trở nên nhu nhược, thiếu tự tin vào bản thân. Kết quả, chồng sẽ phó mặc mọi chuyện trong nhà cho vợ với suy nghĩ “Mình cũng chẳng làm được việc gì”. Lúc đó, chính người vợ lại nảy sinh tâm lý ức chế vì phải làm quá nhiều việc mà chồng không chịu giúp đỡ.
Để tránh tình trạng này, tốt nhất ngay từ đầu, người vợ nên phân chia công việc nhà hợp lý để chồng được dịp thể hiện mình. Nếu chồng có vụng về, hậu đậu, vợ cũng không nên vì thế mà chê cười.
Nếu biết động viên, hướng dẫn chồng làm việc nhà đúng cách, tình cảm vợ chồng sẽ êm đẹp, hạnh phúc hơn.
Theo Mẹ và Bé