Là những người đầu tiên tiếp xúc trực tiếp với người về từ vùng dịch, 4 nhân viên tại sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) kể lại hành trình đặc biệt của bản thân trong những ngày này.
Lần đầu làm quen và thực hiện quy trình tiếp đón hành khách nghiêm ngặt, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của quốc tế về y tế.
Lần đầu đối mặt với tình huống công tác nguy hiểm, nhận nhiệm vụ ở tuyến đầu dịch bệnh.
Lần đầu phải xa gia đình, có hôm thức đến 2h, 3h sáng làm nhiệm vụ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Lần đầu cảm nhận được sự xúc động, ấm áp của tình đồng bào trong hoàn cảnh khó khăn.
Đó là cảm nhận chung của các nhân viên tại sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) - nơi được chỉ định đón những chuyến bay “đặc biệt” - chở người từ vùng dịch về Việt Nam.
Sau chuỗi ngày dài căng mình đón hàng nghìn đồng bào về nước, 4 nhân viên tại sân bay Vân Đồn chia sẻ với Zing.vn những câu chuyện, trải nghiệm của mình.
Tôi là một trong những người tham gia tiếp đón tất cả chuyến bay đặc biệt, từ giải cứu đồng bào ở Vũ Hán (Trung Quốc) đến những chuyến bay từ châu Âu (Anh, Pháp, Đức)...
Đối với tôi, lần công tác đặc biệt nhất chính là lần đón chuyến bay đầu tiên, chở đồng bào từ tâm dịch Vũ Hán trở về. Đây là lần đầu tiên tôi và các đồng nghiệp thực hiện những quy trình đặc biệt, chưa bao giờ có trước đây. Có thể, đây cũng là quy trình mà chưa có cảng hàng không nào tại Việt Nam thực hiện.
Trước ngày đón, tôi khá tự tin vì đã có khá nhiều kinh nghiệm trong ngành hàng không và chuẩn bị kỹ các quy trình phục vụ, phân công nhân sự phù hợp (lựa chọn các anh em có kinh nghiệm, kỹ năng xử lý tốt). Tuy nhiên, khi tàu bay bắt đầu đáp, nỗi lo lắng bắt đầu vụt qua, lo cho sự an toàn, thuận tiện của hành khách và an toàn cho chính nhân viên phục vụ nếu chẳng may sơ sẩy.
Khi máy bay xuất phát từ đầu Vũ Hán, chúng tôi đã liên tục liên hệ với tổ bay trước khi tàu bay hạ cánh, trong đó phải khuyến cáo trước các vấn đề và quy trình phục vụ dưới mặt đất để tổ bay nắm và bố trí trên tàu bay như: Bố trí lượng khách xuống phù hợp, mỗi lượt 20-30 hành khách, người khỏe mạnh xuống trước, sau đó mới đến những người có biểu hiện nghi vấn (ho, sốt, đau mỏi…), khuyến cáo hành khách chủ động đi vệ sinh trên tàu bay, khuyến cáo khai báo y tế…
Có nhiều hình ảnh xúc động cứ neo vào tâm trí tôi trong lần công tác này. Đó là những ánh mắt và cử chỉ, cái vẫy tay chào toàn bộ tổ công tác của đồng bào như một lời cảm ơn.
Tôi vừa thấy nhẹ nhõm trong lòng vì giúp được phần nào trong tình huống khó khăn, thậm chí là nguy hiểm như vậy. Phải nói thêm rằng, phục vụ chuyến bay này không giống như bình thường. Đối với ACV (quản lý 21 Cảng hàng không tại Việt Nam), họ vẫn liên hệ với sân bay Vân Đồn để hỏi về kinh nghiệm phục vụ trong đón tiếp các chuyến bay đặc biệt như vậy.
Cũng từ chuyến bay giải cứu này, chúng tôi rút ra được kinh nghiệm, những phương án để thực hiện các chuyến bay đặc biệt sau này theo đúng quy trình an toàn, thuận tiện và nhanh chóng. Chúng tôi có quy trình rõ ràng trong cả những chi tiết nhỏ nhất như phân luồng tuyến, bảng biển, bố trí nhân sự phù hợp.
Tôi nhớ trong chuyến bay đón đồng bào từ London (Anh) trở về vào ngày 16/3, một hành khách khai báo có triệu chứng ho và đau mỏi cơ thể. Chúng tôi phải sàng lọc hành khách ngay lập tức, tiến hành kiểm tra cũng như phát quần áo bảo hộ cho nữ hành khách đặc biệt này. Sau khi thực hiện lần lượt các bài kiểm tra, chúng tôi phát hiện cô ấy có tiền sử bệnh đau dạ dày, đau mỏi do ngồi lâu trên máy bay.
Bên cạnh đó, lịch trình của nữ hành khách này không có gì nghi vấn nên đã yên tâm đưa cô ấy đi cách ly với mọi người cùng chuyến bay. Chính cô ấy cũng đã quay lại cảm ơn tổ phục vụ vì sự ân cần, chu đáo khi cô bay trở về từ đất nước đang bùng phát dịch.
Ngoài sự chu đáo và an toàn, chúng tôi cũng đặc biệt để ý đến sự thoải mái của hành khách. Trong tất cả những lần đón chuyến bay đặc biệt, sân bay Vân Đồn chưa gặp trường hợp hành khách phản đối hay phản ứng thái quá. Mọi người đều thực hiện các quy trình kiểm tra sức khoẻ, khai báo hải quan cũng như thực hiện đi cách ly trong vòng 14 ngày.
Thực tế, cán bộ nhân viên làm việc tại sân bay Vân Đồn, đặc biệt là những người trực tiếp đón các chuyến bay đặc biệt đều dễ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, với những kiến thức, phương tiện bảo hộ được trang bị, chúng tôi tự tin đẩy khả năng đó xuống mức thấp nhất khi công tác.
“Quy trình của sân bay Vân Đồn đang triển khai là hoàn toàn tối ưu để tránh lây nhiễm chéo cho nhân viên và hành khách khác.
Quy trình chúng tôi thực hiện hoàn toàn ngoài trời, tại sân đỗ máy bay nên việc này sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động của nhà ga. Máy bay sẽ đậu ở bãi đỗ xa và sau đó xe bus chở lần lượt hành khách vào làm thủ tục: Kiểm tra thân nhiệt, làm tờ khai y tế điện tử, thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan, lấy hành lý để lên các xe quân sự, sau đó chở thẳng đến các khu vực cách ly.
Những công việc này được xử lý nhịp nhàng cùng với các đơn vị. Đến nay chúng tôi có thể tin tưởng và đảm bảo việc lây nhiễm khó có thể xảy ra đối với nhân viên. Việc lây chéo giữa các hành khách với nhau khi xuống sân bay cũng được giảm thiểu ở mức thấp nhất”, ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc sân bay Vân Đồn.
Tôi làm công việc giám sát nhân viên thực hiện nghiêm ngặt việc mặc quần áo và trang thiết bị bảo hộ trong quá trình đón và tiếp xúc với hành khách từ vùng dịch trở về sân bay Vân Đồn. Ngoài ra, tôi còn là người dẫn thang để đoàn từ máy bay xuống đến khu sân đỗ riêng biệt.
Tôi cũng chính là người đầu tiên gõ cửa cánh cửa tàu bay. Cảm xúc khi thấy đồng bào đặt chân xuống sân bay của mình an toàn thực sự rất xúc động.
Tôi hiểu họ đã rất khó khăn khi phải sống giữa tâm dịch, đối diện với hiểm nguy bệnh tật, chết chóc. Vì vậy, khi họ vừa đặt chân về đất mẹ, mình là người Việt Nam đầu tiên họ gặp, mình phải hân hoan, vui tươi chào đón họ, dành cho họ những tình cảm đẹp đẽ nhất. Tôi tự hào khi được làm công việc rất ý nghĩa này.
Tất nhiên, khi nhận nhiệm vụ, nhiều anh em và bản thân tôi cũng rất hoang mang. Đã quen thuộc với công việc kỹ thuật nhưng yếu tố đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn theo quy định của quốc tế về y tế, chưa kể có nhiều rủi ro về sức khỏe thì tôi chưa khi nào trải qua.
Tuy nhiên, tôi chỉ cho phép mình hoang mang một lúc rồi phải tự trấn an. Vì nếu tôi hoang mang, mọi người cũng hoang mang thì còn lấy ai làm việc nữa. Chúng tôi sẽ đón đồng bào trong tâm thế vui tươi, đàng hoàng, hào sảng.
Khi đón chuyến bay từ Vũ Hán về, có em nhân viên đã gặp tôi chia sẻ: “Em còn trẻ, em chưa muốn chết đâu. Lần đầu tiên em làm việc này”.
Tôi cũng trả lời rằng: “Đây cũng là lần đầu tiên anh làm. Nếu như mình không làm thì ai sẽ làm? Mình không làm thì lấy ai đón đồng bào mình trở về? Mình là người Việt Nam thì mình phải có tình đồng bào, máu mủ. Em hãy suy nghĩ nếu đây là người nhà em thì liệu em có đón không? Phải đặt cương vị mình vào vị trí họ, hãy nghĩ người ta như người nhà của mình”.
Bên cạnh đó, từng là một người lính được rèn luyện bản lĩnh trong quân đội, tôi coi đây cũng là một mặt trận và mình phải chiến đấu hết sức.
Khi nhận nhiệm vụ, tôi chỉ nói với vợ: “Anh sẽ phải phục vụ các chuyến bay đặc biệt. Em ở nhà với con, còn anh, công việc vẫn là công việc”.
Rồi câu nói nhẹ nhàng của vợ khiến tôi rất bất ngờ: “Anh nhớ trang bị khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ và ăn uống đầy đủ để bảo vệ cho mình khỏe mạnh”.
Cô ấy cũng biết tính tôi, khi đã quyết định làm điều gì đó thì sẽ không bao giờ còn lấn cấn hay sợ hãi nữa. Bởi nếu sợ, tôi sẽ không làm.
Tại nhiều nước trên thế giới, số người mắc Covid-19 chủ yếu ở nhóm cao tuổi, thường trên 60 (chiếm 92% người mắc và tử vong ở Italy, 80% ở Trung Quốc). Vì vậy, nhiều người trẻ tỏ ra chủ quan, xem nhẹ sự nghiêm trọng của dịch bệnh hay thậm chí cho rằng mình “miễn nhiễm”.
Tuy nhiên, dữ liệu được công bố vào 23/3 ở New York (Mỹ) cho thấy 44% người dương tính với virus corona nằm trong độ tuổi từ 18 đến 44, theo The New York Times. Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cũng cho thấy 38% người nhập viện nằm trong độ tuổi 20 đến 54, trong đó 12% bệnh nhân trong tình trạng nặng có độ tuổi 20-44.
Tại Việt Nam, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận xét diễn biến dịch nước ta có xu hướng ngược với một số tâm dịch như Vũ Hán (Trung Quốc) và Italy, khi 90% người mắc Covid-19 là người trẻ.
Ông Nguyễn Đức Chung nhận định những người ở độ tuổi trẻ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn do nhóm này thường xuyên đi lại nhiều hơn, ít phòng ngừa hơn. Bởi vậy, với diễn biến khó lường của dịch bệnh, Chủ tịch Hà Nội khuyến cáo người dân nên ở trong nhà, hạn chế ra đường và sử dụng phương tiện công cộng, nếu ra ngoài phải đeo khẩu trang.
“Chào mừng anh/chị đã về đến quê hương”, “Anh/chị chỉ còn cách gia đình 14 ngày cách ly nữa thôi ạ”. Đó là những câu nói thường xuyên nhất của tôi khi đón tiếp hành khách trở về những ngày này.
Tôi là nhân viên nam duy nhất trong tổ phục vụ hành khách thuộc Sân bay Quốc tế Vân Đồn đón tiếp các chuyến bay đặc biệt. Không thực hiện đón tiếp tất cả chuyến bay giải cứu đồng bào từ vùng dịch Covid-19 trở về, song lần nào làm nhiệm vụ đối với tôi cũng rất đặc biệt.
Mỗi nhân viên được trang bị hai bao tay, hai khẩu trang và đồ bảo hộ. Quy trình mặc, tháo bất cứ vật dụng nào hay sát khuẩn, khử trùng sau mỗi lần tiếp đón đều rất quan trọng. Thực hiện đầy đủ một quy trình chuẩn chỉnh, chúng tôi hiểu rằng mình được bảo hộ tuyệt đối an toàn.
Khi Covid-19 dần lan rộng sang nhiều nước, đồng bào ở các vùng nguy hiểm cũng bắt đầu về tránh dịch. Các chuyến bay từ Incheon (Hàn Quốc) rồi London (Anh) liên tiếp đáp xuống. Cao điểm, ngày 15/3, có 3 chuyến bay từ Anh, Paris (Pháp) và Frankfurt (Đức) hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn.
Trải qua những lần tác nghiệp đó, chúng tôi thực sự đã chiến thắng nỗi sợ, làm việc vui vẻ vì biết chúng tôi đang phục vụ những chuyến bay đặc biệt, những chuyến bay chở đồng bào của mình về từ vùng dịch.
Có khó khăn, có nguy hiểm nhưng điều đó có thấm tháp gì so với nỗi vất vả của đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu, hàng ngày đối mặt với bao nguy hiểm. Nghĩ vậy chúng tôi thấy công việc của mình còn quá bé nhỏ trong công cuộc chống dịch này.
Những lần công tác đón các chuyến bay giải cứu ấy mang đến cho tôi nhiều cảm xúc trái chiều, nhưng trên hết là niềm vui và sự xúc động.
Trên chuyến bay đón công dân ở Hàn Quốc, hình ảnh những em bé sơ sinh trở về mà không có cha mẹ bên cạnh khiến tôi đặc biệt ấn tượng. Tôi biết, bố mẹ của các em cũng rất lo lắng, nhưng họ tin tưởng con mình sẽ an toàn về Việt Nam và không bị lây nhiễm bệnh.
Xúc động hơn cả với tôi đó là hình ảnh của Hảo - nhân viên y tế sân bay - khi dỗ một em bé, cho em uống sữa vì đói. Những lúc như thế, tôi thấy tình người thật ấm áp. Và trong lúc khó khăn, tình người mới càng khăng khít, mọi người bao bọc nhau hơn thì phải.
Những chuyến bay được giải cứu từ vùng dịch trở về trong suy nghĩ của nhiều người sẽ chỉ là đám đông mang theo nỗi lo lắng, hoang mang, sợ hãi. Tuy nhiên, tôi được chứng kiến không ít câu chuyện vui, lạc quan của những người mang tâm thế thoải mái khi đã trở về được tới Việt Nam, khiến mọi người trong tổ bay cùng nhân viên mặt đất chúng tôi thấy “vui lây”.
Thời gian này, trời mưa rét buốt, thức khuya chờ đợi máy bay hạ cánh rồi lịch bay thay đổi liên tục, hay những chuyến bay dồn dập đáp xuống... dần trở thành “chuyện thường ở huyện” đối với chúng tôi.
Có hôm nhiều đồng nghiệp tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, lên xe trở về nhà nhưng khi được lãnh đạo báo có chuyến bay sắp hạ cánh, họ lập tức trở lại sân bay, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ mới.
Đến khi mọi người vào vị trí, cục hàng không lại thông báo chuyến bay hoãn. Mọi sự thay đổi đó, chúng tôi đều biết là tình huống cấp bách, và chấp nhận nó như sự tất yếu.
Nhờ có những chuyến bay đặc biệt, tôi mới cảm nhận được tình cảm quê hương của những người Việt sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Họ tha thiết mong về đất mẹ ra sao. Có những hành khách vì niềm vui và sự an tâm được trở về đã quên cả hành lý mang theo.
Bảo đảm phục vụ hành khách chu đáo, chúng tôi cũng luôn chú ý sự an toàn của chính mình. Hoàn thành mọi thủ tục khử trùng, khử khuẩn, vệ sinh sạch sẽ rồi mới ăn là điều bắt buộc, kể cả khi rất đói, mệt lả đi sau ca làm việc căng thẳng.
Tôi có làm công tác tư tưởng với gia đình khi được phân công thực hiện đón các chuyến bay đặc biệt, trực tiếp tiếp xúc với những người từ vùng dịch trở về. Mẹ tôi vẫn khuyên: “Con ơi, hay con tránh đi nếu có thể”.
Tuy nhiên, tôi thường nói với mẹ rằng: “Làm sao mà tránh được. Phải đối đầu thôi”. Nếu tôi tránh, ai sẽ làm việc khó khăn này thay tôi? Mỗi lần đối mặt là chúng tôi có thêm kinh nghiệm tốt hơn cho chính mình.
Tính đến 24/3, toàn thế giới ghi nhận 378.927 ca nhiễm Covid-19, trong đó 16.869 người đã tử vong. Tại Việt Nam, 123 người được ghi nhận dương tính với virus corona, 17 người đã hồi phục, chưa có trường hợp tử vong.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người hay đến nơi công cộng là các biện pháp phòng lây lan dịch Covid-19 được cơ quan y tế khuyến cáo.
Tôi nhớ trong chuyến bay từ Vũ Hán trở về, có một cặp vợ chồng du học sinh và người vợ đang mang bầu, chúng tôi phải có quy trình đón tiếp và phục vụ đặc biệt để hai mẹ con được cách ly an toàn nhất có thể.
Khi tôi hỏi thăm sức khỏe, chị trả lời rất thành thực: “Hạnh phúc lắm". Khi lên xe, chị rơm rớm nước mắt. Sau đó, biết được chị đã sinh bé an toàn, tôi rất vui.
Trước khi đón chuyến bay đặc biệt từ Vũ Hán, chúng tôi mường tượng trong đầu rằng đấy là tâm dịch của Trung Quốc nên không thể tránh được tâm trạng hoài nghi, hoang mang, lo sợ. Không chỉ sợ khả năng về truyền bệnh mà chính ở quy trình của mình có khép kín, chuyên nghiệp và đảm bảo an toàn hay không?
Với vai trò là trưởng phòng An ninh hàng không, tôi phải là người xung phong tiếp cận tàu bay đầu tiên. Tôi không nghĩ rằng mình làm gương mà hy vọng chính sự chủ động của mình sẽ phần nào truyền cảm hứng, khiến cho các cán bộ nhân viên khác an tâm thực hiện công việc được giao phó.
Tôi rất vui khi tiếp xúc với những đồng bào của mình trở về, họ cũng tuân thủ những thủ tục về đo thân nhiệt, kê khai sức khỏe đủ an toàn để lên máy bay trở về nước.
Có lần, hành khách bay chặng bay từ Hàn Quốc về mất khá nhiều thời gian, xuống máy bay lại phải xếp hàng chờ nhập cảnh nên một số hành khách do thiếu bình tĩnh đã có những phản ứng nhất thời nóng giận.
Tuy nhiên, điều đó đã nằm trong phương án phục vụ, chúng tôi ngay lập tức nhắc nhở, chấn chỉnh, đảm bảo an ninh trật tự khu vực phục vụ nhập cảnh.
Làm việc trong ngành hàng không cũng được 13 năm, tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm nhưng thời gian này, lần đầu tiên tôi bắt gặp những hình ảnh thực sự xúc động.
Đó là khi nữ nhân viên vừa vệ sinh khử khuẩn sau khi thực hiện đón tiếp một đoàn bay. Xong việc, cô đang ăn dở ổ bánh mì thì nghe tin có một em bé sơ sinh đi cùng người thân lớn tuổi, không có bố mẹ về cùng cần chăm sóc.
Cô liền mặc đồ bảo hộ, thay khẩu trang và găng tay mới, nhanh chóng đến hiện trường để chăm sóc và cho em bé uống sữa. Tôi thấy đó là tấm gương, là sự hết mình vì công việc, vì đồng bào của người trẻ.
Dù cô chia sẻ thấy nó rất bình thường và không suy nghĩ gì sâu xa, nhưng cô không biết rằng anh em nam giới chúng tôi xem đó là một hình ảnh khó quên trong đợt dịch này. Cái ấm áp của nghĩa tình đồng bào, của bản năng người mẹ muốn chăm sóc trẻ nhỏ.
Cũng có hôm, các cán bộ nhân viên phải đón những chuyến bay trong đêm, họ liên tục làm việc trong vòng nhiều tiếng đồng hồ, từ 22h hôm trước đến 2h hôm sau để đảm bảo mọi công tác đón hoàn chỉnh, an toàn.
Dù có khó khăn nhưng chúng tôi vui, chúng tôi thầm tự hào bởi đã đóng góp phần nào công sức của mình để làm nên hình ảnh của một sân bay chuyên nghiệp, là nơi mà mọi hành khách có thể an tâm tin tưởng để thực hiện những chuyến bay đi và đến trong tương lai.