Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'KTX ĐHQG TP.HCM chẳng thiếu thứ gì, đặc biệt là tình yêu thương'

“Ký túc xá là nơi đã vỗ về, an ủi tôi trong những năm tháng đầu tiên sống xa gia đình, tập tự lập, tập trưởng thành hơn”.

“Bún thịt nướng A11, cơm A13, sinh tố A3, quán karaoke A6, sân bóng chuyền, sân bóng đá, CLB guitar, trượt ván, patin, phòng tập thể hình, yoga…”

5 năm sau ngày chuyển ra khỏi ký túc xá khu A ĐH Quốc gia TP.HCM, Đào Thư (cựu sinh viên trường ĐH Khoa Học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) vẫn có thể kể vanh vách từng khu nhà, quán xá, sân chơi trong ký túc xá ngày đó.

Đối với Thư, ký túc xá gắn liền với 2 năm đầu đại học của cô không khác gì “thiên đường” với đầy đủ cơ sở vật chất, một không gian thoáng đãng, nhiều cây xanh không dễ tìm ở Sài Gòn.

“Không thiếu thứ gì và đặc biệt là tình yêu thương, đùm bọc mọi người dành cho nhau”.

ky tuc xa dai hoc quoc gia anh 1

Sinh viên tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Ký túc xá trong tôi.

Ngôi nhà ký túc xá

Những dãy nhà khu A đã sử dụng nhiều năm nên mọi thứ không còn mới, nhưng Đào Thư cho biết cơ sở vật chất ở đây từ phòng ốc, giường chiếu, nhà tắm, nhà vệ sinh, quạt trần cho đến điện, nước, wi-fi luôn được đảm bảo. Mỗi lần có hư hại gì chỉ cần báo trưởng nhà là có thợ đến sửa ngay.

Còn ở khu ký túc xá khu B và A mở rộng, mọi thứ đều mới và có phần tiện nghi hơn khu A khi được trang bị đầy đủ siêu thị mini, phòng tập gym, bưu điện…

Những dịp đặc biệt, ký túc xá còn tổ chức trang trí khung cảnh xung quanh khiến ở đây không chỉ là nơi đi chốn về mà còn là “góc thần thánh” được sinh viên ưu ái check-in mỗi ngày.

“Riêng mình vẫn thích ký túc xá cũ hơn vì ở đó có nhiều cây xanh, thoáng đãng, mát mẻ quanh năm. Các hoạt động thể thao như bóng chuyền, đá bóng, cầu lông, đá cầu hay chạy bộ dọc khuôn viên rợp bóng cây vì vậy mà rất được sinh viên ưa thích”, Đào Thư nói.

An toàn, gần trường và giá phòng rẻ là những lý do đầu tiên khiến tân sinh viên các trường đại học thành viên trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM tìm đến khu ký túc xá nằm ở khu đô thị làng đại học, quận Thủ Đức, TP.HCM.

Thế nhưng, khi đã gắn bó ở đây 2-3 năm, nhiều sinh viên cho biết họ muốn ở lại vì nhiều lý do khác và đều cảm thấy lưu luyến khi phải chuyển đi.

Trương Quang Trường (sinh viên khoa Điện tử viễn thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, đã sống tại ký túc xá 3 năm) cho biết Tết năm nào ký túc xá cũng hỗ trợ các sinh viên khó khăn bằng cách kết hợp với nhà xe, đại lý tìm mua vé xe, vé tàu rẻ. Những sinh viên nào không đủ điều kiện về quê ăn Tết, ký túc xá vẫn sắp xếp chỗ ở và có một buổi tiệc tất niên vui vẻ cho các bạn.

“Một trong những điều vui nhất khi ở ký túc xá là cứ khoảng một hay 2 tháng sẽ có một buổi ca nhạc lớn tùy vào quy mô tổ chức mà có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng về tham dự”, Quang Trường cho biết.

Nam sinh cũng nói thêm khi sinh viên trong ký túc xá có bất kỳ vấn đề vướng mắc gì sẽ thường đưa ý kiến trực tiếp lên ban quản lý hoặc thảo luận chung trên các group Facebook. Hầu hết đều được giải quyết, khắc phục ngay sau đó.

"Nơi vỗ về tôi những năm đầu sống xa nhà"

Không chỉ tiện nghi, đầy đủ, ký túc xá trở thành nơi đặc biệt với Thanh Vy (sinh năm 2000) bởi nó đã lưu giữ những tình cảm, kỷ niệm ấm áp của quãng thời gian đầu sống xa nhà.

7 người bạn cùng Vy chia sẻ căn phòng rộng chưa đến 30 m vuông đến từ những vùng quê khác nhau, bắc, trung, nam đủ cả. Mỗi người một chất giọng, một tính cách nhưng đã hòa hợp để cùng chung sống, đùm bọc lẫn nhau trong suốt 2 năm qua.

“Ở ký túc xá, mọi người chung phòng thường ít khi gọi nhau bằng tên mà đều có biệt danh cả. Chúng mình có thể chia sẻ cho nhau từng gói mì, cái tô cho đến chút bột giặt. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng lại dễ cảm thông cho nhau hơn khi cùng sống xa gia đình”, 10X nói.

Sau 2 tháng ở quê ăn Tết rồi đến tránh dịch, Lại Linh (sinh năm 2000, sinh viên ĐH Nông Lâm) bắt đầu thấy nhớ ký túc xá, chiếc giường nhỏ xinh của mình và cả những người bạn cùng phòng dễ thương.

“Mình nhớ mỗi tối khu ký túc xá lại trở nên nhộn nhịp hơn cả. Các bạn sinh viên tập trung ở các khu ghế đá hóng gió, dạo mát ở hồ Bán Nguyệt, nói chuyện rôm rả. Có cả những hội văn nghệ đàn hát, cứ lân la tới xin tham gia là kiểu gì cũng trước lạ sau quen”.

Vì là “ngôi nhà chung” của sinh viên đến từ khắp các tỉnh thành, ký túc xá đôi khi còn là nơi hội tụ của những món đặc sản nức danh ở các vùng quê. Lại Linh kể mỗi lần về nhà, các bạn cùng phòng lại mang lên bao nhiêu thứ quà quê để mời mọi người ăn cùng. Mỗi người một món, góp lại thành bàn tiệc nhỏ ấm cúng.

Nhờ những kỷ niệm ấm áp mà thời sinh viên của nhiều bạn trẻ trở nên đong đầy hơn. Ký túc xá ĐH Quốc gia trở thành mái nhà thứ 2 của bao thế hệ trước ngưỡng cửa bước vào giảng đường.

Nếu ai đã từng gắn bó chắc sẽ không thể nào quên. Với Lại Linh, đó sẽ là ngôi nhà thân thuộc cô muốn tiếp tục gắn bó trong những năm đại học còn lại. “Ký túc xá là nơi đã vỗ về, an ủi mình trong những năm tháng đầu tiên sống xa gia đình, tập tự lập, tập trưởng thành hơn”, nữ sinh năm 2 nói.

Bữa cơm vội của nhân viên KTX Đại học Quốc gia TP.HCM trong mùa dịch

Hình ảnh các nhân viên, đội tình nguyện dùng bữa trên hành lang, nằm ngủ ở sân sau KTX lan truyền trên các diễn đàn khiến nhiều người không khỏi xúc động.

Lê Vy - Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm