Mickey là chú chuột màn ảnh nổi tiếng, gắn bó với thời thơ ấu của nhiều thế hệ khán giả. Hơn 9 thập kỷ trước, không ai nghĩ rằng từ một bản vẽ sơ khai, Disney có thể tạo ra một nhân vật hoạt hình có tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực, trong đó, quan trọng nhất là quân sự, văn hóa và kinh tế.
Nguồn gốc ra đời
Hơn 90 năm về trước, Mickey mới chỉ là một hình ảnh phác thảo sơ khai nhưng chú chuột này đã nhanh chóng tạo nên cơn sốt. Qua một thời gian dài, diện mạo của Mickey dần được hoàn thiện nhưng vẫn giữ được nét thân quen, gần gũi, ngộ nghĩnh và lém lỉnh.
Chuột Mickey lần đầu ra mắt công chúng vào ngày 18/11/1928 trong bộ phim hoạt hình Steamboat Willie tại nhà hát Colony thuộc thành phố New York (Mỹ). Họa sĩ Ubbe Iwerks là “cha đẻ” của chú chuột đáng yêu này. Khi lên màn ảnh, Mickey được chính ông chủ hãng phim - Walt Disney - lồng tiếng. Sau này, chú chuột với nét đặc trưng là đôi tai lớn, đeo găng tay trắng trở thành linh vật của hãng Disney.
Mickey lần đầu tiên xuất hiện trong bộ phim hoạt hình Steamboat Willie. |
Steamboat Willie là tác phẩm hoạt hình lồng tiếng đầu tiên của Disney. Sau khi công chiếu, bộ phim nhận được nhiều lời khen ngợi không chỉ vì cho ra đời một nhân vật hoạt hình nổi tiếng nhất thế giới mà còn bởi sự đột phá trong kỹ thuật hoạt họa.
Ban đầu, nhân vật Mickey mà Disney tạo ra trông giống một con chuột và gầy hơn, đôi chân có móng vuốt. Mickey cũng thực hiện những hành vi thô lỗ, hư hỏng như hút thuốc, uống rượu. Trong phim ngắn thứ hai Gallopin’ Gaucho, Mickey còn đến quán bar - nơi Minnie là một người phục vụ.
Trong vòng 2 thập kỷ đầu tiên, Walt Disney liên tục thay đổi để hình ảnh chú chuột ngày càng trở nên dễ thương hơn. Ông điều chỉnh khuôn mặt và cơ thể Mickey trở nên tròn trịa và trẻ con hơn, mắt của nó trở nên to và tròn hơn.
Ngoại hình của Mickey được biến đổi dần để trở nên đáng yêu hơn. |
Bên cạnh đó, cá tính của Mickey cũng được sửa đổi để phù hợp hơn với trẻ em. Nhân vật này có tính cách nhẹ nhàng và sở hữu đầy đủ đặc điểm của người thuộc tầng lớp trung lưu là sở hữu một ngôi nhà, một người bạn gái cùng một chiếc xe hơi. Disney tìm cách lôi kéo sự chú ý của khán giả thông qua tính cách trẻ con kỳ quặc của chuột Mickey.
Trải qua hơn 90 năm tồn tại và phát triển, chuột Mickey dần phổ biến trên toàn thế giới. Nhân vật này xuất hiện trong hàng trăm bộ phim hoạt hình. Tại Nhật, chú được gọi là Miki Kuchi, ở Italy là Toponio, còn ở các nước Mỹ Latin thì chú lại có cái tên là Raton Miquelio.
Chuột Mickey là nhân vật hư cấu đầu tiên được viết tên trên Đại lộ Danh vọng vào dịp sinh nhật lần thứ 50, năm 1978 và là một trong những nhân vật hoạt hình đáng yêu nhất mọi thời đại do khán giả bình chọn.
Ý nghĩa biểu tượng của chuột Mickey
Mickey là một hình tượng đa nghĩa. Nó có thể tượng trưng cho những mâu thuẫn mơ hồ, niềm vui và nỗi đau, quá khứ và hiện tại. Mickey cũng có thể là một định nghĩa cho những điều không tưởng, đẹp đẽ, hoàn hảo. Trải qua những thăng trầm của thời đại, chú chuột này còn được xem là một “liều thuốc tinh thần” xoa dịu nỗi lòng, khiến con người yên tâm hơn trước một thế giới dường như đang trượt dài trong sự hỗn loạn và suy tàn.
Khán giả có thể thấy rõ vai trò xoa dịu tâm hồn của chuột Mickey trong thời kỳ chiến tranh. Chú chuột này là công cụ hoàn hảo giúp Disney khơi sâu vào nỗi tiếc nhớ quá khứ cùng khao khát có được một quãng thời gian bình yên và vô tư của con người. Quá trình này bắt đầu từ Thế chiến II. Những người lính ra trận đã trưởng thành cùng với Mickey. Nó khiến họ cảm thấy yên tâm.
Hình ảnh Mickey gắn bó mật thiết với Thế chiến II. |
Năm 1939, Disney nhận yêu cầu của một phi đội không quân Mỹ, thực hiện một bộ phim hoạt hình lấy bối cảnh trên máy bay để vực dậy tinh thần của những người lính. Kể từ đó, Disney luôn tìm cách đảm bảo rằng chuột Mickey cùng các nhân vật khác gắn bó với quá trình chuẩn bị cho chiến tranh.
Các công nhân thuộc nhà máy vũ khí khoác lên mình những chiếc áo đơm cúc hình Mickey. Kho bạc Mỹ in hình Mickey lên trái phiếu trong thời gian cho vay trong chiến tranh. Trên một tấm áp phích, Mickey mặc đồng phục của Dịch vụ Cảnh báo Máy bay (Aircraft Warning Service) – một tổ chức dân sự tình nguyện được thành lập nhằm bắt sóng tín hiệu cảnh báo cuộc tấn công của kẻ thù.
Nhân vật hoạt hình này gắn bó mật thiết với chiến tranh đến mức cụm từ “Mickey Mouse” trở thành mật khẩu cho cuộc họp quan trọng diễn ra khoảng 1 tuần trước khi quân đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy (D-day). Trong chiến tranh, Disney không gắn Mickey với một cốt truyện hay tính cách cụ thể mà thay vào đó, biến chú chuột thành một biểu tượng trừu tượng.
Cách tiếp cận ấy đã đưa đến kết quả rằng mọi người có thể gán hình ảnh Mickey với mong muốn cá nhân của riêng họ, biến chú chuột này trở thành biểu tượng cho bất cứ điều gì họ muốn. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, người dân châu Âu xem Mickey là biểu tượng của chủ nghĩa tư bản. Cụm “chuột Mickey” đôi khi còn được sử dụng như từ lóng, ám chỉ một thứ gì đó tầm thường, vô giá trị, chẳng hạn như “tổ chức Mickey Mouse” hay “tấm bằng Mickey Mouse”.
Tuy nhiên, ở những nơi mà "cha đẻ" của hãng phim - Walt Disney - nắm quyền kiểm soát câu chuyện, ông cố gắng gắn hình ảnh Mickey với tuổi thơ, lòng tốt và hy vọng. Disney muốn nhân vật của mình được biết đến rộng rãi và được yêu mến. Bởi vậy, hãng rất thận trọng trong việc kiểm soát hình ảnh chú chuột khi cấp phép kinh doanh Mickey cho các thương hiệu. Disney tỏ ra nhạy cảm trước những mô tả tiêu cực về nhân vật hoạt hình nổi tiếng trên.
Disney kiểm soát gắt gao việc các thương hiệu hợp tác khai thác hình ảnh chuột Mickey để bảo vệ ý nghĩa biểu tượng của nhân vật này. |
Disney muốn đẩy mạnh ý nghĩa biểu tượng cho sự tích cực và ngây thơ của chuột Mickey. Đây có lẽ là lý do vì sao người lớn thường bị thu hút bởi nhân vật này trong thời kỳ bế tắc, khủng hoảng. Trong Thế chiến thứ II, người ta thường xem Mickey như một liều thuốc xoa dịu tâm hồn để đối phó với những điều kinh hoàng xảy ra trước mắt.
Ngày nay, nếu con người lo lắng về viễn cảnh chiến tranh hạt nhân hoặc ngày tận thế vì biến đổi khí hậu, họ có thể mua một chiếc chăn có hình Mickey khổ lớn, được thiết kế bởi các bác sĩ để có được giấc ngủ ngon hơn vào ban đêm.
Sức ảnh hưởng không chỉ trên màn ảnh
Chú chuột nổi tiếng không chỉ có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực văn hóa, quân sự mà còn tác động tích cực đến kinh tế. Disney đã mất nhiều công sức để biến Mickey trở thành một thương hiệu toàn cầu. Chỉ trong vòng 5 năm đầu kể từ khi ra mắt, nhân vật hoạt hình này đã đem về 1 triệu USD/năm doanh thu từ các mặt hàng ăn theo.
Theo Garry Apgar - nhà sử học nghệ thuật dành nhiều năm để nghiên cứu biểu tượng văn hóa chuột Mickey, ban đầu những sản phẩm trên chủ yếu nhắm vào trẻ em, bao gồm thú nhồi bông, tàu hỏa và giấy dán tường. Nhưng sau này, đối tượng bán hàng không chỉ là các em nhỏ mà còn mở rộng ra người lớn.
Những mặt hàng gắn liền với hình ảnh Mickey thường bán chạy, mang lại doanh thu khổng lồ cho Disney cùng các thương hiệu được cấp phép sử dụng hình ảnh chú chuột nổi tiếng. |
Mọi thứ thay đổi sau Thế chiến II. Vào thời điểm đó, nhu cầu về các mặt hàng mang khuôn mặt Mickey từ nhóm người trưởng thành tăng vọt. Khi ấy, Mickey đã tồn tại gần 20 năm. Điều đó có nghĩa là lứa khán giả đầu tiên của nhân vật hoạt hình này đã ở độ tuổi 30 và 40.
Để kích thích sức mua, Disney đã biến Mickey từ biểu tượng của sự ngây thơ thành biểu tượng của nước Mỹ trong và sau chiến tranh, khi người dân đang tuyệt vọng và cần một thứ gì đó có thể khiến họ yên tâm. Không uổng công Disney vạch ra một kế hoạch tiếp thị hoàn hảo, các sản phẩm in hình nhân vật hoạt hình của hãng phim đã mang lại doanh thu 100 triệu USD, theo một bài báo đăng tải trên New York Times vào năm 1947.
Tại thời điểm đó, Disney đã sáng tạo thêm các nhân vật như Bạch Tuyết, Pinocchio, Dumbo và Bambi, nhưng tờ New York Times nhận định rằng Mickey là “nhân viên bán hàng” tốt nhất trong số chúng. Hàng trăm mặt hàng liên quan đến chú chuột đáng yêu này đã được bán ra cho nhóm khách hàng trẻ em và người trưởng thành. Với sức ảnh hưởng đáng nể trên lĩnh vực kinh tế, Mickey đã lọt vào danh sách “tỷ phú hư cấu” do Forbes bình chọn năm 2004.
Cho đến tận bây giờ, khi năm 2020 - năm con chuột theo lịch phương Đông, hình ảnh Mickey vẫn được bán tràn lan dưới nhiều hình thức. Mickey vẫn được yêu thích sau 9 thập niên ra đời.