Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ đề bảo vệ tổ quốc làm 'nóng' Đại hội Đoàn

Làm thế nào để trở thành lực lượng xung kích bảo vệ tổ quốc, hội nhập thành công và lập nghiệp thuận lợi là những vấn đề “nóng” nhất của phiên thảo luận chiều 11/12.

Chủ đề bảo vệ tổ quốc làm 'nóng' Đại hội Đoàn

Làm thế nào để trở thành lực lượng xung kích bảo vệ tổ quốc, hội nhập thành công và lập nghiệp thuận lợi là những vấn đề “nóng” nhất của phiên thảo luận chiều 11/12.

Chiều qua (11/12), 1.000 đại biểu của Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tham gia thảo luận 10 chủ đề tiêu biểu và thiết thực đối với thanh niên. Trong đó các vấn đề về thanh niên lập nghiệp, bảo vệ tổ quốc và hội nhập nhận được sự quan tâm và thảo luận sôi nổi của các đại biểu.

Bảo vệ tổ quốc là nhiệm vụ quan trọng của thanh niên Việt Nam

Trong phát biểu đề dẫn tại buổi thảo luận đã tổng kết và chứng minh vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng thanh niên trong vấn đề bảo vệ tổ quốc. Thanh niên đã thể hiện vai trò trong rất nhiều các hoạt động nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc đặc biệt là vùng biên giới và hải đảo.

Đại biểu Nguyễn Hữu Quý – Trưởng ban Thanh niên – Cục Chính trị Quân khu I (Đoàn đại biểu Thanh niên Quân đội) khẳng định trong tham luận của mình: Chủ quyền lãnh thổ quốc gia là quyền tối cao, tuyệt đối, hoàn toàn và riêng biệt của quốc gia đối với lãnh thổ và trên lãnh thổ của mình.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thanh Tùng, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an TP Hà Nội đã nêu lên thực trạng đó là một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên có lối sống vô cảm, thiếu trách nhiệm với chính bản thân và cộng đồng. Bên cạnh đó là hiện tượng đáng báo động khi số lượng thanh thiếu nhi phạm pháp gia tăng.

 
Lực lượng thanh niên Quân đội là lực lượng đi đầu trong nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.

Để khắc phục hiện trạng này, đại biểu Trần Thanh Tùng cũng đưa ra nhiều giải pháp đáng chú ý như: tạo việc làm cho thanh niên, phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng hiệu quả việc giáo dục công dân; cần trang bị kiến thức cho thanh niên trước khi lập gia đình, để lấy gia đình là thành trì giúp người trẻ vượt qua cái xấu, cái ác…

Đồng thời nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc của thanh niên còn được thể hiện trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ cứu nạn.

Trong chủ đề thảo luận này, lực lượng thanh niên Quân đội được tập trung chú ý. Đây là lực lượng nòng cốt, chủ yếu, xung kích đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ; cùng với tuổi trẻ cả nước góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thanh niên cần phải hội nhập

Trong buổi thảo luận, các đại biểu tập trung chủ yếu vào vấn đề khai thác nguồn lực quốc tế trên những lĩnh vực chủ yếu như đào tạo lãnh đạo trẻ, đào tạo nghề, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, trao đổi tình nguyện viên…

Đối với các nước láng giềng lân cận như Lào, Trung Quốc, Campchia, việc quan hệ giữa thanh niên hai nước được các đại biểu hết sức quan tâm.

Tiêu biểu, trao đổi về vấn đề này, bạn Nguyễn Minh Thơ - Bí thư Tỉnh Đoàn Lạng Sơn  - tỉnh có nhiều cửa khẩu giáp với Trung Quốc cho biết, hai bên đặc biệt quan tâm đến các hoạt động ký kết bảo vệ đường sắt liên vận, phòng chống ma túy, ngoài ra thanh niên cũng tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa hai nước.

Theo các đại biểu, những hoạt động nhằm mở rộng quan hệ giữa thanh niên Việt Nam và các nước láng giềng còn nhiều hạn chế, mang tính hình thức và chưa thực sự phù hợp. Nguyên nhân chính được đưa ra đó là do vấn đề kinh phí còn hạn hẹp.

 
Cần phát huy sức mạnh của lực lượng thanh niên trong và ngoài nước.

Ngoài ra, một vấn đề cũng được các đại biểu quan tâm đó là công tác thanh niên ngoài nước. Việc tăng cường thông tin hai chiều, thường xuyên tổ chức giao lưu trực tuyến, tổ chức các đoàn đi gặp gỡ thanh niên, sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước đã đem lại nhiều lợi ích như quảng bá hình ảnh đất nước, xây dựng cộng đồng thanh niên nước ngoài yêu nước, hướng về tổ quốc.

Công tác thanh niên ngoài nước trong những năm qua đã được chú trọng và có nhiều khởi sắc. Theo báo cáo đề dẫn, trong nhiệm kỳ qua, Trung ương Đoàn đã tổ chức được gần 300 đoàn ra với trên 7.000 lượt người và đón gần 200 đoàn vào với gần 4000 lượt người.

Buổi thảo luận còn là diễn đàn để các đại biểu Đại hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những giải pháp nhằm phát huy vai trò của thanh viên khi hội nhập quốc tế.

Vấn đề việc làm của thanh niên Việt Nam

Đây là vấn đề quan trọng được thảo luận ở nhiều trung tâm của Đại hội với nhiều chủ đề khác nhau như: thanh niên lập nghiệp, Tuổi trẻ học tập vì ngày mai lập nghiệp, Nguồn nhân lực trẻ dựng xây đất nước.

Vấn đề này đã thu được nhiều đóng góp tâm huyết của các đại biểu giúp Đoàn tìm ra con đường, biện pháp giúp thanh niên Việt Nam lập nghiệp, làm giàu cho bản thân đồng thời làm giàu cho đất nước.

Tại buổi thảo luận nhiều đại biểu đã nêu ra những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn và đề xuất các giải pháp về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong sự phối hợp giữa các bộ, ngành với Đoàn thanh niên trong công tác giáo dục và đào tạo, đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, xây dựng và phát triển đất nước.

Theo kết quả điều tra dân số đến năm 2011, Việt Nam có gần 87 triệu người, trong đó người trong độ tuổi lao động chiếm 58,5%. Đây là lợi thế quan trọng giúp kinh tế Việt Nam phát triển. Tuy nhiên con số này cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như việc làm, cơ hội khởi nghiệp, con đường phát triển, những kỹ năng cần thiết để lập nghiệp thành công của thanh niên Việt Nam.

 
Việc làm là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với thanh niên Việt Nam.

Qua buổi thảo luận với chủ đề “thanh niên lập nghiệp”, các đại biểu tập trung đánh giá và làm rõ hơn nhu cầu lập nghiệp, những khó khăn của thanh niên; vai trò của tổ chức Đoàn trong quá trình hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, những giải pháp đẩy mạnh các hoạt động lập nghiệp trong thanh niên. Đồng thời chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai nội dung đồng hành với thanh niên lập nghiệp; phân tích cụ thể hơn nữa mong muốn, nhu cầu và những khó khăn của thanh niên.

Góp ý với Đoàn, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, Đoàn cần quan tâm đến việc giáo dục thanh niên trở thành những người tử tế. Mọi lý tưởng cao xa đều bắt nguồn từ những việc rất nhỏ, rất cụ thể, như đừng vứt rác ra đường, đừng nhổ cây, đừng vượt đèn đỏ… Không tử tế chắc chắn không làm được gì. Mọi lý tưởng cao xa đều bắt nguồn từ những việc rất nhỏ, rất cụ thể.

 
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ tại buổi thảo luận.

Nguyên Phó Thủ tướng còn chia sẻ “Tôi thấy rất đau lòng về ý thức kém của nhiều thanh niên Việt Nam hiện nay. Vì thế, trong phương hướng phát triển của Đoàn, bên cạnh bồi dưỡng người tài, phải đặc biệt chú ý bồi dưỡng về đạo đức cho thanh niên”, nguyên Phó thủ tướng nhấn mạnh”.

Ngoài ra, chủ đề này nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu và đưa ra những phân tích đánh giá về những ưu, nhược điểm của thanh niên Việt Nam trong quá trình lập nghiệp.

Đại biểu Hà Thị Bích Hồng (Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thái Nguyên) cho rằng thanh niên nên chủ động lập nghiệp và làm theo những cách riêng của mình thì sẽ hiệu quả hơn.

Chị nhận thấy rằng điểm nổi bất nhất mà chỉ thanh niên có đó là dám nghĩ dám làm, họ là những người rất trẻ, có sự sáng tạo, dám ước mơ hoài bão và dám thực hiện ước mơ hoài bão đó. Tuy nhiên để làm được điều đó thanh niên cần chủ động trang bị cho mình những kiến thức cần thiết.

 
Chị Hà Thị Bích Hồng - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thái Nguyên.

Chị cho rằng thanh niên Việt Nam còn thiếu tự tin để tự mình lập nghiệp, thứ hai việc trang bị các kiến thức kỹ năng cần thiết trong việc lập nghiệp còn chưa đầy đủ, kiến thức học trong nhà trường là những kiến thức cơ bản mà môi trường bên ngoài rất phức tạp đòi hỏi thanh niên cần phải trau dồi thêm kiến thức để đáp ứng nhu cầu thị trường; thứ ba, tính khoa học khi làm việc của sinh viên còn chưa cao.

Anh Nguyễn Tuấn Linh (Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Kinh tế tài chính Thái Nguyên) lại khuyên các bạn thanh niên nên chủ động tìm việc làm và nên sẵn sàng đón nhận mọi công việc dù ở trong các cơ quan nhà nước hay các doanh nghiệp tư nhân, “các em phải luôn nghĩ rằng có công việc có thu nhập đã là rất tốt rồi”.

Trên cương vị của một giảng viên, anh Linh còn nhận định thiếu sót lớn của sinh viên Việt Nam đó là ngoại ngữ và tin học, mặc dù đây chính là cơ sở cho sinh viên có thể hội nhập tốt. Anh hy vọng trong tương lai gần các bạn sẽ chú trọng vào vấn đề này bởi đây là hai yếu tố giúp sinh viên thành công hơn và tăng cường tính hội nhập quốc tế.

Chị Nguyễn Thị Kim Dung (Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang) đưa ra những nhận định sâu sắc “Việc làm là việc đầu tiên con người phải nghĩ đến và đặc biệt là thanh niên. Điều quan trọng là phải tự tin vào chính bản thân mình, nhưng không phải tự tin thái quá mà phải hiểu rõ bản thân mình, mình muốn gì, cần gì và năng lực mình đến đâu để mình khởi nghiệp. Bất cứ trong hoàn cảnh nào con người ta cũng cần phải tìm được việc làm cho riêng mình”.

Theo chị, thanh niên hiện nay cũng còn thụ động, một bộ phận thanh niên có đầy đủ năng lực nhưng lại chưa tự tin để có thể tự lập khởi nghiệp công việc mà mình yêu thích hoặc có khả năng.

Bên cạnh đó,  một bộ phận thanh niên Việt Nam khi đưa ra mục tiêu nhưng lại không đủ khát khao, nghị lực để theo đuổi đến cùng. Đây cũng là những hạn chế mà thanh niên cần thay đổi để lập nghiệp thành công. Chị mong muốn thanh niên nên chọn cách đối mặt và trải nghiệm qua những khó khăn thử thách, từ đó có thể tìm được những hướng đi mới và thành công mới.

Để giúp thanh niên Việt Nam có đủ tự tin và bản lĩnh hơn trong con đường lập nghiệp, về phía Đoàn cũng đã có nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực.

Đại diện cho khối trường của tỉnh Thái Nguyên, anh Nguyễn Tuấn Linh cho biết sinh viên Việt Nam cần trang bị thêm những kỹ năng mềm như khả năng diễn thuyết, làm việc nhóm, tự tin giao tiếp, thuyết trình. Đương nhiên đối với hoạt động Đoàn cũng cần thay đổi và cải thiện để tăng cường kỹ năng này cho sinh viên.

 
Anh Nguyễn Tuấn Linh - Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Kinh tế tài chính Thái Nguyên.

“Đoàn trường thường xuyên lồng ghép việc rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên như tổ chức cuộc thi sơ tuyển MC, câu lạc bộ tiếng Anh, khiêu vũ giúp các em tự tin và năng động hơn. Trong chương trình đào tạo của nhà trường từ năm học 2010 – 2011 đã đưa môn nghệ thuật đàm phán kinh doanh và kỹ năng giao tiếp vào tất cả các chuyên ngành”, anh Linh chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Kim Dung (Tỉnh đoàn Bắc Giang) cho rằng việc bổ sung các kỹ năng mềm cũng được thanh niên rất quan tâm. Bởi những kỹ năng như giao tiếp, ứng xử, quan hệ, giải quyết mâu thuẫn… là điều thanh niên còn nhiều hạn chế.

Chị Dung cho biết Tỉnh đoàn cũng đã tổ chức nhiều lớp học kỹ năng về khởi nghiệp và lập nghiệp cho thanh niên mời những chuyên gia kinh tế các nhà tâm lý, các nhà quản lý về nói chuyện và chia sẻ kinh nghiệm.

Ngoài ra đối với các bạn thực sự có ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp, Tỉnh đoàn sẵn sàng  tổ chức hỗ trợ các bạn vay vốn sản xuất kinh doanh, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, tuyên truyền quảng bá những hình ảnh và hoạt động của các doanh nghiệp thanh niên.

Đây là những việc làm hết sức ý nghĩa và thiết thực giúp cho thanh niên Việt Nam chủ động, sáng tạo hơn trong còn đường lập nghiệp.

An Hoàng

Theo Infonet 

An Hoàng

Theo Infonet 

Bạn có thể quan tâm