Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ nhân của 1.500 bằng sáng chế chưa tốt nghiệp tiểu học

Sau 3 tháng học chính thức ở trường, Thomas Edison được mẹ dạy tại nhà, không tới lớp nữa. Qua con đường tự học, ông tiếp nhận kiến thức, đưa ra những phát minh vĩ đại.

Thomas Alva Edison là nhà phát minh, thương nhân người Mỹ có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trên thế giới trong thế kỷ 20. Một nhà báo từng gọi ông là “Thầy phù thủy ở Menlo Park”. Edison giữ 1.500 bằng sáng chế cả trong và ngoài nước Mỹ.

Thomas Edison thành công nhờ tự học và làm việc chăm chỉ. Ảnh: Biography.

Phát minh vĩ đại nhất của ông là bóng đèn điện. Nhờ nó, ông được tôn vinh là “người thắp sáng văn minh thế giới”.

Thomas Edison sinh ngày 11/2/1847 ở Milan, Ohio, Mỹ. Ông là con út trong gia đình có 7 anh chị em.

Năm cậu bé Thomas lên 7 tuổi, gia đình ông chuyển đến Port Huron, Michigan. Tại đây, ông theo học trường công lập. Thomas Edison đi học muộn hơn các bạn cùng tuổi vì hồi nhỏ, sức khỏe của ông không ổn định.

Tại trường học, ông là nam sinh giàu lòng hiếu kỳ và dành rất ít sự chú ý đến bài học. Trong khi các bạn học mải mê với các trò chơi trẻ con, Thomas Edison đã luôn băn khoăn về những thứ xung quanh và muốn hiểu rõ chúng.

Ông Reverend G. B. Engle, thầy giáo cũ của nhà phát minh tài ba, từng nhận xét Thomas là “rối trí”. Mẹ ông, bà Nancy Edison, rất tức giận trước sự cứng nhắc của thầy Engle. Ngay ngày hôm sau, bà dẫn con trai về và tự dạy cậu bé học.

Thomas Edison nghỉ học chỉ sau 3 tháng nhập học. Mặc dù sau đó ông có theo học hai trường khác nữa nhưng phần lớn thời thơ ấu, Edison đều tự học.

Trên thực tế, sự dạy dỗ từ mẹ, một nhà giáo xuất sắc, đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp khoa học, kinh doanh sau này của Edison. Nhiều người đánh giá ông là “thiên tài của sự làm việc chăm chỉ và tự học”.

Bà dạy con trai biết viết, đọc, làm toán và không ngừng khẳng định con mình người thông minh. Dưới sự hướng dẫn của mẹ, ông bắt đầu hứng thú với sách vở.

Bà làm được điều mà các giáo viên trường học cũ của Edison không làm được. Bằng lòng tận tụy và sự đa dạng trong cách truyền tải nội dung bài học, bà tạo cho con niềm yêu thích học tập.

Matthew Josephson, tác giả cuốn tiểu sử về Edison, viết về bà Nancy: “Bà không ép buộc hay khuyên con trai học hành. Bà chỉ cố gắng kích thích sự hứng thú của con bằng cách đọc cho con nghe những tác phẩm văn học xuất sắc. Bà ấy là một độc giả tuyệt vời”.

Năm Edison 11 tuổi, việc dạy học của mẹ không còn đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu kiến thức của ông. Nancy Edison dẫn Edison tới thư viện và khuyến khích ông đọc sách để giải cơn khát kiến thức. Bắt đầu bằng những nội dung đơn giản nhất, cuối cùng, cha đẻ của bóng đèn điện trở nên đam mê các tác phẩm của Shakespeare cũng như tác phẩm lịch sử khác.

Lên 12 tuổi, ông bán kẹo, báo, tạp chí ở ga tàu Grand Trunk. Một lần, Edison gây rắc rối vì làm thí nghiệm ở đây, bị nhân viên bảo vệ tát khiến thính lực của ông dần suy giảm. Một thời gian sau, tai trái của ông điếc hoàn toàn, khả năng nghe của tai phải chỉ còn lại 80%. Đây là trở ngại nhưng cũng là một trong những yếu tố mang lại thành tựu xuất sắc của nhà khoa học tài năng.

Bóng đèn điện là một trong những phát minh vĩ đại của Edison. Ảnh: History.

Năm Edison 16 tuổi, để trả ơn việc ông cứu con trai mình, trưởng ga tàu dạy ông về điện tín và tìm hộ công việc điện tín viên lưu động. Trong thời gian này, ông học thêm về động cơ hơi nước, điện năng, pin.

Năm 19 tuổi, Thomas Edison làm việc cho hãng tin tức Associated Press. Đây là cơ hội tuyệt vời để ông có thể tự học và tiến hành các thí nghiệm.

Một lần, ông mắc sai lầm khi thí nghiệm với pin, phá hủy sàn nhà cùng bàn làm việc của ông chủ. Edison bị sa thải và lâm vào cảnh khốn cùng.

Sau đó, ông tìm đến Franklin Leonard Pope, một điện tín viên, nhà phát minh kiêm luật sư, ở thành phố Elizabeth, New Jersey. Nhờ sự hỗ trợ của Pope, Edison có thể chuyên tâm phát minh.

Ngày 1/6/1869, ông nhận bằng sáng chế đầu tiên với phát minh máy kiểm phiếu điện tử cho Nghị viện. Nhờ một số phát minh hợp tác với Pope, Thomas Edison kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống.

Một người bạn của ông kể lại: “Thomas dành phần lớn tiền để mua sách và các thiết bị. Ông thậm chí không mua quần áo. Mùa đông, Thomas còn không có áo khoác để mặc”.

Năm 1871, Edison xây phòng thí nghiệm đầu tiên và bắt đầu kiếm những khoản tiền lớn. Những kiến thức tự học, lòng quyết tâm cùng sự chăm chỉ giúp ông thành công lớn trong sự nghiệp khoa học và kinh doanh.

Đến thời điểm Thomas Edison qua đời vào ngày 18/10/1931, ông sở hữu số lượng bằng sáng chế khổng lồ, 1.500 bằng, trong đó, 1.093 bằng được Mỹ cấp, theo History.

Thiên tài Newton từng suýt bỏ học

Nếu không nhờ cậu thuyết phục mẹ và sự giúp đỡ từ thầy hiệu trưởng trường trung học, Isaac Newton đã bỏ học và trở thành một nông dân vô danh, thay vì là nhà bác học vĩ đại.

Người phụ nữ giành hai giải Nobel từng muốn làm giáo viên

Marie Curie là người đầu tiên giành hai giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, bà du học Pháp với dự định theo đuổi nghề sư phạm thay vì cống hiến cho ngành khoa học.



Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm