Từ đầu năm 2023, nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc bắt đầu đăng tải câu trích dẫn: "Nếu đứa con sinh ra để kế thừa sự vất vả, nghèo khó của bạn, vậy không sinh con cũng chính là một loại lương thiện".
Nhà văn người Trung Quốc Eileen Chang (Trương Ái Linh) được cho là chủ nhân của câu nói nổi tiếng này.
Trương Ái Linh (1920-1995), tên tiếng Trung là Zhang Ailing, là một trong những nhà văn lớn của Trung Quốc. Các tác phẩm của bà như Sắc giới, Chuyện tình giai nhân, Cái gông vàng... thường xoay quanh đề tài như đau khổ của người phụ nữ, tình yêu cấm kỵ, và những mâu thuẫn xã hội.
Nhà văn Trương Ái Linh. |
Theo Sixth Tone, sự sáng tạo văn học của Trương Ái Linh không chỉ là nguồn cảm hứng cho thế hệ độc giả và nhà văn, mà còn là một phần quan trọng của di sản văn hóa Trung Quốc.
Không rõ câu "Nếu đứa con sinh ra để kế thừa sự vất vả, nghèo khó của bạn, vậy không sinh con cũng chính là một loại lương thiện" xuất hiện trong tác phẩm hay được nhà văn nói trong dịp nào. Tuy nhiên, câu nói thường xuyên được trích dẫn và gây bàn tán trên mạng xã hội xứ tỷ dân.
Một số ý kiến cho rằng điều kiện tài chính ảnh hưởng rất lớn đến quyết định sinh đẻ của các cặp vợ chồng và tiềm lực kinh tế gia đình là bệ phóng để trẻ gặt hái thành công sau này. Tuy nhiên, nhiều người nhận định sinh con hay không hoàn toàn là lựa chọn, quyết định cá nhân dựa trên nhiều yếu tố, nên không thể lấy thước đo giàu - nghèo để áp đặt.
Bài viết No Job, No Marriage, No Kid: China’s Workers and the Curse of 35 (tạm dịch: Không nghề nghiệp, không hôn nhân, không con cái: Công nhân Trung Quốc và lời nguyền tuổi 35) xuất bản tháng 6/2023 của The New York Times và bài báo China wants more babies. Women want the right to say no. (tạm dịch: Trung Quốc muốn có thêm trẻ em. Phụ nữ muốn có quyền nói không.) xuất bản tháng 1/2023 trên The Washington Post cũng đề cập đến câu nói nổi tiếng của nhà văn Trương Ái Linh.
Một sinh viên đại học họ Xu nói với The Washington Post rằng cô đăng câu trích dẫn này vì nó thể hiện cảm giác đau lòng, sự dè dặt của mình với ý định có con. "Tôi không có đủ tiền và không tin mình sẽ có thể cho các con một cuộc sống sung túc trong tương lai", Xu chia sẻ.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.