Chiều muộn, dắt bộ chiếc xe đạp đã bị xuống hơi, bà Trần Thị Dương (57 tuổi, quê Quảng Nam, làm nghề thu mua đồng nát) ghé vào tiệm sửa xe nằm trên vỉa hè đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê, Đà Nẵng).
Chủ tiệm sửa xe liền kiểm tra, sau đó bơm căng hai lốp xe đạp cho bà Dương. Xong xuôi, bà Dương định rút tiền ra trả. Đáp lại bà Dương là cái xua tay của chủ tiệm kèm câu nói: “Không, tôi không lấy tiền đâu”.
Bà Dương cười, cảm ơn chủ tiệm rồi lên xe, đạp về phòng trọ, kết thúc một ngày rong ruổi, mưu sinh.
Tiệm sửa xe của ông Hùng trên đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) |
Chủ tiệm sửa xe trên là ông Nguyễn Viết Hùng (55 tuổi). Ông Hùng đã có gần 30 năm làm nghề sửa xe tại góc ngã tư đường Điện Biên Phủ-Hà Huy Tập. Những người nghèo, tàn tật hay học sinh đều được ông sửa xe miễn phí.
Tiệm sửa xe của ông Hùng hoạt động từ 15h đến 4h sáng ngày hôm sau.
Ông Hùng cho biết, từ ngày xưa ông đã sửa xe miễn phí cho người khó khăn. Nhưng có lần thấy cháu học sinh phải dắt bộ xe đạp hỏng, mà ông gọi thế nào cháu bé cũng không chịu vào sửa xe.
“Có lẽ cháu sợ vào sửa xe không có tiền để trả nên không dám vào. Chỗ tôi sửa xe cũng gần mấy trường học, từ đó, tôi mới nghĩ làm tấm biển này, gắn lên đây để học sinh và mọi người biết, cứ yên tâm vào sửa”, ông Hùng nói.
Ông Hùng sửa xe miễn phí cho người nghèo, người tàn tật, học sinh |
Thu nhập từ nghề sửa xe của ông Hùng cũng bấp bênh, ngày ít, ông kiếm được khoảng 100 nghìn đồng, ngày nhiều thì 300 - 400 nghìn đồng.
Ông là lao động chính trong gia đình. Hoàn cảnh gia đình khó khăn khi phải nuôi mẹ già và 3 đứa con. Chính vì thế không ít người nói ông “khùng” vì đã nghèo còn đi làm từ thiện.
“Tôi nghĩ đó là cái lương tâm của mình. Tôi coi các cháu học sinh như con cái mình. Còn người nghèo, người tàn tật thì mình lấy tiền của họ làm chi. Mình không có tiền thì mình giúp công. Nghề sửa xe này chủ yếu là giúp công”, ông Hùng bày tỏ.
Tiệm sửa xe trở thành địa chỉ quen thuộc của những người lao động nghèo |
Nhiều chiếc xe mang đến tiệm bị hỏng nặng cần phải thay cái này cái kia. Những lúc như thế, ông Hùng không ngần ngại chạy đi kiếm phụ tùng thay thế.
“Tôi tìm những thứ tận dụng, bị bỏ đi nhưng vẫn còn dùng tốt để thay thế miễn phí cho họ, giúp họ bớt gánh nặng”, ông Hùng nói.
Gần 30 năm nay, tiệm sửa xe của ông Hùng đã trở thành địa chỉ quen thuộc của các cháu học sinh, những người tàn tật, lao động nghèo ở Đà Nẵng.
Cũng làm nghề thu mua ve chai, bà Lê Thị Thảo (Đà Nẵng) chia sẻ, xe đạp là phương tiện mưu sinh của bà. Do đi lại nhiều nên xe thường xuyên hư hỏng, phải bơm vá, sửa chữa.
“Nếu thay lốp xe mất 100 nghìn, còn bơm vá cũng mất 3 - 10 nghìn/lần. Mấy lần tôi mang xe đến sửa, nhưng ông Hùng không lấy tiền. Có địa chỉ sửa xe miễn phí này, tôi đỡ được rất nhiều”, bà Thảo bày tỏ.
Khi gặp những trường hợp không may, ông cũng sẵn sàng ra tay giúp đỡ.
“Có nhiều xe máy bị hư hỏng, dắt bộ giữa đường cả đêm. Không lẽ để họ dắt bộ thì tội quá. Biết họ không có tiền, tôi vẫn sửa chữa, thay lốp mới cho họ. Có nhiều người hôm sau quay lại trả nhưng cũng có người để cả chứng minh thư lại làm tin nhưng cả năm trời cũng chưa quay lại.
Một khi mình chấp nhận thay cho họ thì mình cũng xác định có thể không lấy lại được. Tôi luôn suy nghĩ cho đi sẽ nhận lại, nên cứ kệ thôi”, ông Hùng tâm sự.
Ở tuổi gần 60, ông Hùng cho biết, ông chưa bao giờ có ý định dừng việc sửa xe miễn phí này, ông sẽ tiếp tục đến lúc nào không đủ sức khoẻ nữa thì thôi.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.