Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đổ xô xem Thái Công livestream bình hoa trăm triệu dù không chốt đơn

Nhiều người thích xem các sản phẩm đắt tiền vì sự tò mò, nhận thức về tính rủi ro, chứ không phải do sở thích cá nhân hay nhu cầu tiêu dùng.

Bình hoa 235 triệu đồng, ly mạ vàng 15 triệu đồng, rổ trái cây 878 triệu đồng... là các sản phẩm trong giỏ hàng TikTok Shop của nhà thiết kế (NTK) Thái Công.

Những sản phẩm gia dụng có giá "trên trời" khiến nhiều người bàn tán. Phiên livestream bán hàng cũng như các từ khóa liên quan được tìm kiếm, thảo luận trên nhiều nền tảng.

Tất cả phản ánh tâm lý tò mò của mọi người về những món hàng đắt đỏ. Dù không có nhu cầu hay ý định mua hàng, đa số vẫn thích theo dõi các phiên livestream hàng hiệu, clip quảng cáo đồ đắt tiền.

Chưa bàn đến những thứ như tính năng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, việc định giá hàng hóa đã là một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh, marketing của nhiều thương hiệu.

Chỉ nói về giá, chưa bàn về chất lượng

Vào năm 2017, một nghiên cứu được thực hiện để tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của giá thành đến việc thưởng thức rượu vang của người tiêu dùng.

Những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu nếm thử rượu trong khi kết nối với máy quét MRI. Tất cả nếm thử cùng một loại rượu nhưng được cung cấp thông tin khác nhau về giá thành.

Kết quả từ máy quét MRI cho thấy mọi người có xu hướng thưởng thức và đánh giá tốt hơn khi được thông báo đang uống loại rượu đắt tiền hơn.

Câu chuyện cũng tương tự với trải nghiệm ăn uống trong nhà hàng. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cornell đã đến dự một bữa tiệc buffet kiểu Italy ở ngoại ô New York và nghiên cứu thói quen ăn uống của 139 khách hàng.

thai cong anh 1

Những món đồ đắt tiền luôn được nhiều người quan tâm, dù không có nhu cầu sử dụng.

Khách hàng được mời ăn buffet với giá 4 USD hoặc 8 USD và được yêu cầu đánh giá bữa ăn trên thang điểm 9. Những khách hàng trả tiền cho tiệc buffet 8 USD thưởng thức món ăn của họ nhiều hơn 11% so với những khách hàng ăn các món 4 USD.

Không chỉ vậy, những người trả tiền cho tiệc buffet rẻ hơn cũng có nhiều khả năng cho biết họ cảm thấy ăn quá nhiều, nhưng không ấn tượng về bữa ăn.

Thế nhưng, thực tế cả hai nhóm đều ăn cùng một lượng thức ăn và những món hoàn toàn giống nhau. Tác giả nghiên cứu Brian Wansink, giáo sư về hành vi người tiêu dùng, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng giá cả tác động rất lớn đến cách mọi người diễn giải trải nghiệm của mình”.

Cả hai nghiên cứu kể trên cho thấy mọi người có xu hướng liên kết chi phí với chất lượng. Đó cũng là lý do khiến chúng ta bị thu hút, ấn tượng bởi những món đồ có mức giá “trên trời”, dù không có nhu cầu tiêu dùng hay trải nghiệm sản phẩm thực tế.

"Hiệu ứng giả dược"

Điều gì khiến bạn thích thú với một ly champagne, một con hàu tươi hay thực đơn nếm thử tại một nhà hàng sang trọng? Mặc dù sở thích cá nhân cũng có vai trò, đôi lúc giá thành mới là yếu tố quyết định, theo Business Insider.

Nhiều nghiên cứu cho thấy chúng ta có xu hướng đánh giá cao những món đồ đắt tiền hơn những hàng rẻ tiền, bất chấp chất lượng của chúng tương đương nhau. Đây được gọi là "hiệu ứng giả dược" (Placebo effect) trong tiếp thị.

thai cong anh 2

Nhiều người có niềm tin rằng giá tiền đi kèm với chất lượng.

Hiệu ứng giả dược ảnh hưởng tới niềm tin và suy nghĩ của chúng ta về mọi thứ bằng cách gán cho chúng những đặc điểm và tính chất riêng. Trong marketing, hiệu ứng này được các nhà quảng cáo sử dụng để hướng người dùng tin vào các đặc điểm và tác dụng của mặt hàng.

Đôi khi sản phẩm không đem lại hiệu quả mạnh mẽ như quảng cáo, nhưng niềm tin ban đầu được xây dựng từ hiệu ứng giả dược đã đánh lừa khách hàng.

Điều này không chỉ đúng với những thứ bạn mua cho chính mình, mà còn áp dụng cho những thứ bạn có thể mua cho người khác, khiến những ngày nghỉ lễ trở thành khoảng thời gian đắt đỏ nhất trong năm.

Victor Ricciardi, giáo sư tài chính tại Goucher College ở Baltimore (bang Maryland, Mỹ), cho biết việc chúng ta thích thú với những sản phẩm đắt tiền hơn cũng xuất phát từ nhận thức về tính rủi ro.

Nếu chi nhiều hơn cho một chai rượu vang, chúng ta coi đó là khoản "đầu tư" ít rủi ro hơn vì mọi người có xu hướng liên kết giá thành với chất lượng sản phẩm.

"Mọi người có khả năng trả nhiều tiền hơn cho một thứ gì đó nếu họ nhận thấy sản phẩm rẻ tiền mang lại sự hài lòng thấp và rủi ro cao hơn", ông Ricciardi nói.

Sự lo ngại rủi ro này có thể áp dụng cho cả giao dịch lớn và nhỏ. "Ví dụ khi mua một ngôi nhà đắt hơn, mọi người có nhiều khả năng coi đó là khoản đầu tư đáng giá với lối suy nghĩ: 'Chi nhiều tiền hơn thì tôi sẽ ít phải hối hận hơn'".

Ai thực sự xấu tính trong drama giữa Selena Gomez và Kylie Jenner?

Clip thì thầm chưa đến 20 giây giữa Selena Gomez và Taylor Swift ở Lễ trao giải Quả cầu Vàng 2024 đã mở ra một bộ phim dài tập không khác gì "Mean Girls" trên mạng xã hội.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm