Từng có thời điểm, không ai nghĩ Gucci sẽ bán thứ gì đó khác ngoài quần áo, túi xách. Nhưng đến năm 2017, thương hiệu thời trang xa xỉ này đã trình làng bộ sưu tập Gucci Décor và bắt đầu bán từ dụng cụ gắp đá 125 USD, chiếc nĩa 310 USD cho đến cái ghế 4.200 USD.
Sự kiện này đánh bước đi nghiêm túc của Gucci vào thị trường đồ gia dụng và nội thất gia đình trị giá hàng trăm tỷ USD.
Gucci không đơn độc trong cuộc chơi này. Hãng thời trang cao cấp của Tây Ban Nha Loewe cũng đã ra mắt bộ sưu tập đồ gia dụng trong cùng năm. Đến năm 2020, nhãn hiệu Kenzo của Nhật Bản đã tung ra thương hiệu thiết kế nội thất mới mang tên K3.
Vào năm 2022, Louis Vuitton đã mở cửa hàng thiết kế nội thất đầu tiên ở Thượng Hải, Trung Quốc. Fendi và dòng nội thất Fendi Casa cũng khai trương cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc, nâng số lượng cửa hàng chuyên biệt lên 3 trong cùng năm.
Tất nhiên những ông lớn như Dior, Chanel hay Hermès không đứng ngoài cuộc. Hiện tại, bạn có thể tìm mua một chiếc giá treo áo len giá 21.300 USD, hủ nến thơm hơn 300 USD hay xô đựng đá 1.450 USD từ thương hiệu Hermès.
Thị trường béo bở
Trong cuộc chuyển đổi nhằm đa dạng hóa mặt hàng của các thương hiệu thời trang xa xỉ, Ralph Lauren được xem là người tiên phong.
Vào mùa thu năm 1983, Ralph Lauren trở thành nhà thiết kế thời trang đầu tiên giới thiệu bộ sưu tập hoàn toàn dành riêng cho đồ gia dụng và nội thất, mở đường cho các thương hiệu nhảy vào lĩnh vực phong cách sống thượng lưu.
Sau sự thành công của Ralph Lauren, nhiều thương hiệu, đặc biệt là trong lĩnh vực xa xỉ, đã chuyển sự chú ý sang thế giới trang trí.
Theo một nghiên cứu được thực hiện vào tháng 5/2020 bởi Allied Market Research, thị trường trang trí nội ngoại thất toàn cầu dự kiến đạt 840 tỷ USD từ năm 2020 đến năm 2027. Con số này tăng mạnh so với 617 tỷ USD vào năm 2019.
Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu đóng vai trò trung tâm trong khoản đầu tư ngày càng tăng của các thương hiệu vào lĩnh vực trang trí và nội thất.
Gucci ra mắt Gucci Décor để nhảy vào thị trường thiết kế nội thất từ năm 2017. Ảnh: Jens Ingvarsson. |
Riêng tại Pháp, thị trường này có tổng trị giá gần 28,5 tỷ USD. Trong trang trí và nội thất, vật liệu phủ sàn và tường (50%), đồ dệt gia dụng (19%), bộ đồ ăn (18%), đèn chiếu sáng và các đồ vật trang trí khác (14%).
Brainy Insights ước tính rằng thị trường nội thất cao cấp trị giá 23,4 tỷ USD sẽ đạt 42,7 tỷ USD vào năm 2032.
Những con số cho thấy thị trường thiết kế nội thất là lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Lauren Santo Domingo, người đồng sáng lập nhà bán lẻ thời trang cao cấp Moda Operandi, nói: "Khi chúng tôi mới chuyển sang lĩnh vực đồ gia dụng, số lượng phải tăng gấp 3 do nhu cầu cao".
Mua phong cách sống
Mặc dù mối liên hệ giữa sự sang trọng và trang trí đã được thiết lập rõ ràng lâu nay, Covid-19 mới là một bước ngoặc khiến nhiều ông lớn quyết tâm dấn thân vào ngành thiết kế nội thất.
Trước hết, đó là một chiến lược đa dạng hóa vượt ra ngoài thế giới thời trang và phụ kiện. Các thương hiệu xa xỉ coi đây là cách tốt để nắm bắt động lực tăng trưởng mới, đồng thời giảm thiểu rủi ro khi quá phụ thuộc vào một vài mặt hàng chủ chốt.
Thứ hai, gia nhập thị trường thiết kế, trang trí nội thất sẽ giúp các thương hiệu theo kịp lối sống của nhóm khách hàng giàu có, vì bán một phong cách sống nói chung là cách hiệu quả để tạo nên sự kết nối sâu sắc hơn với khách hàng.
Sản phẩm gia dụng cho phép thương hiệu xa xỉ thể hiện tính thẩm mỹ của họ ngay trong ngôi nhà của khách hàng. Nhờ sự nổi lên của mạng xã hội, nhà ở có nhiều đồ trưng bày hơn bao giờ hết.
Điều này có nghĩa là khi ai đó muốn trông nổi bật với chiếc váy Gucci, họ cũng sẽ muốn ngôi nhà trở nên bắt mắt với rèm cửa Gucci.
Các thương hiệu xa xỉ đều lần lượt trình làng những bộ sưu tập, cửa hàng bán đồ gia dụng, trang trí nội thất. Ảnh: Dolly Devi. |
Thứ ba, việc tìm kiếm lợi nhuận vẫn là động lực cho các thương hiệu. Thị trường đồ nội thất đặc biệt sinh lợi, với nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm chất lượng cao và sáng tạo độc đáo. Các thương hiệu xa xỉ có thể tận dụng hình ảnh uy tín của mình và đưa ra mức giá cao nhất, thúc đẩy doanh thu và tỷ suất lợi nhuận.
Cuối cùng, nội thất và đồ trang trí là bước đầu tiên trong việc phát triển dịch vụ khách sạn, đỉnh cao của xây dựng thương hiệu phong cách sống.
Trên thực tế, thế giới khách sạn - nhà hàng đóng vai trò là nơi trưng bày của nhiều loại sản phẩm dành cho gia đình. Và nếu mọi người có trải nghiệm tốt ở những nơi này thì đó là cơ hội tuyệt vời để thương hiệu chuyển đổi nhóm khách hàng khách sạn thành những người mua sản phẩm trang trí trong tương lai.
Nhà thiết kế thời trang Virgil Abloh, người từng hợp tác với thương hiệu nội thất Ikea của Thụy Điển, nói rằng khi khách hàng đã muốn mua một phong cách sống kết hợp mọi khía cạnh trong cuộc sống, các thương hiệu thời trang và đồ gia dụng cao cấp không còn có thể coi nhau như những thực thể riêng biệt.
"Tôi đã được hỏi điều gì ngăn cách hai thế giới rất khác nhau mà tôi cố gắng kết hợp. Đối với tôi không có sự phân định nào cả. Tôi cũng từng tự hỏi mình câu hỏi tương tự trước khi bắt đầu nghĩ: 'Tại sao chứ, tại sao phải có sự ngăn cách tồn tại ở đây?'", Abloh nói.
Mỗi bộ quần áo mang đến một thông điệp riêng
Cuốn sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy là sự chiêm nghiệm của tác giả David McRaney về thế giới quan của con người thông qua các câu chuyện tâm lý học hành vi rất gần gũi. Theo ông, cùng với các loại vũ khí và công cụ, quần áo đã được phát triển như một trong những loại hình nghệ thuật đầu tiên, và cũng là một trong những biểu hiện bằng vật chất đầu tiên từ thế thế giới nội tâm phong phú của con người.