Chiều 23/10, TAND tỉnh Sóc Trăng cho biết, đã nhận được cáo trạng của Viện kiểm sát cùng cấp về việc truy tố bà Phạm Thị Mai (44 tuổi), Nguyễn Thanh Tùng (34 tuổi, cùng ngụ TP Cần Thơ) tội Cưỡng đoạt tài sản.
Bà Mai tại tòa sơ thẩm tháng 3/2013. Ảnh: Việt Tường. |
Theo hồ sơ tố tụng, năm 2009, bà Mai bán hơn 33 tấn cá tra trị giá gần 5 tỷ đồng cho Doanh nghiệp tư nhân Vạn Hưng ở huyện Vĩnh Châu (nay là thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng). Doanh nghiệp này do bà Huỳnh Dù Táng làm Giám đốc.
Sau nhiều lần thanh toán tiền, cuối năm 2010, doanh nghiệp còn nợ hơn 1,6 tỷ đồng. Tháng 1/2011, bà Mai mua lại Vạn Hưng và tiền nợ được chuyển thành tiền đặt cọc.
Theo thỏa thuận, một tháng sau tài sản phải sang tên cho người mua nhưng bà Táng được cho là cố tình lẩn tránh, không bàn giao nhà máy. Cuối tháng 2/2011, bà Mai cho người đến Vạn Hưng lấy nhiều tài sản trị giá hơn một tỷ đồng.
Do máy phát điện quá cồng kềnh, họ đập tường để đưa ra ngoài. Hai ngày sau, Tùng đến Vạn Hưng đòi gần 400 triệu đồng tiền bán cá. Thấy nhà máy thủy sản đã có người tháo gỡ tài sản, Tùng vào lấy bàn gỗ, máy nén, máy ép... trị giá trên 70 triệu đồng.
Sức khỏe kém, bà Mai thường ngất xỉu tại tòa. Sau phiên xử tháng 3/2013, nữ bị can được tại ngoại để đi điều trị bệnh. Ảnh: Việt Tường. |
Với các hành vi trên, Mai và Tùng bị VKSND tỉnh Sóc Trăng truy tố tội Cưỡng đoạt tài sản. Ngoài ra, nhà chức trách còn cáo buộc bà Mai có hành vi Cố ý hủy hoại tài sản.
Chấp nhận cáo trạng của cơ quan công tố, tháng 3/2013, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên bà Mai 7 năm 6 tháng tù vì phạm phải hai tội. Tùng lĩnh một năm tù vì Cưỡng đoạt tài sản. Sau đó, hai người đã kháng cáo kêu oan.
Tại phiên phúc thẩm xử tháng 9/2013, bị cáo Mai cho rằng, trước khi gỡ lấy tài sản bà đã được Phó giám đốc Doanh nghiệp Vạn Hưng là Khưu Chí Thức đồng ý. Còn Tùng khai, được bảo vệ Trần Thại cẩn thận dặn: "Anh lấy món gì nói tôi ghi sổ, báo Thức biết".
Theo HĐXX phúc thẩm, cấp sơ thẩm chưa làm rõ những lời khai của hai bị cáo Mai, Tùng. Hai lãnh đạo của Vạn Hưng là Thức và Táng có phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không (vì nhiều lần hứa hẹn trả nợ nhưng lại bội tín) cũng chưa được các cơ quan tố tụng làm sáng tỏ.
Mặt khác, lúc chủ nợ đến nhà máy tháo gỡ tài sản, lãnh đạo doanh nghiệp biết nhưng không ra mặt. Như vậy, người có thể bị uy hiếp trong trường hợp này là bảo vệ Trần Thại chứ không phải chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Thại khai, không bị ai đe dọa dùng vũ lực để lấy tài sản mà còn nhận tiền chủ nợ cho.
Tùng bị tạm giam gần một năm. Ảnh: Việt Tường. |
Từ đó, HĐXX cho rằng, cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng, nhiều nội dung chưa được làm rõ và xác định sai người làm chứng là ông Trần Thại gây khó khăn cho quá trình xét xử.
Với những lý do trên, cấp phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại. Sau đó, bà Mai được đình chỉ điều tra hành vi Cố ý hủy hoại tài sản. Đối với tội Cưỡng đoạt tài sản, nữ bị can vẫn bị truy tố cùng với Tùng.
Hiện, Mai và Tùng được tại ngoại sau một thời bị tạm giam.
Trong những lần vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm, đại diện bị hại cho rằng khi Mai đến lấy tài sản, chủ doanh nghiệp nhiều lần gọi điện báo Công an Vĩnh Châu nhưng thượng tá Nguyễn Quốc Văn (lúc đó là Trưởng Công an huyện) không ngăn cản người có hành vi trái pháp luật. Vì vậy, phía doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm ông Văn về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo nhà chức trách, TAND tỉnh Sóc Trăng đã 3 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung để xác định vai trò của ông Văn trong vụ án. Tuy nhiên, lần nào VKSND cũng giữ nguyên quan điểm không truy cứu thượng tá này.
Sau khi vụ án xảy ra, ông Văn bị Công an tỉnh Sóc Trăng cho thôi làm Trưởng Công an Vĩnh Châu, rút về phòng tổ chức.
Đối với Khưu Chí Thức, thanh niên này đang chấp hành án vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các nạn nhân đều bị doanh nghiệp bội tín giống như Tùng, Mai.