Sáng 12/9, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án Vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, xảy ra tại quán karaoke số 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội hồi cuối 2016.
Ba bị cáo cùng gửi đơn kháng án gồm Nguyễn Diệu Linh (32 tuổi, chủ quán karaoke), Hoàng Văn Tuấn (25 tuổi, thợ hàn) và Lê Thị Thì (56 tuổi, quản lý của Tuấn).
Gia đình nạn nhân rất bức xúc
Quá trình xét hỏi, chủ tọa cho biết tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện gia đình các bị hại rất bức xúc do bị cáo không có thái độ thăm hỏi sau khi vụ án xảy ra.
Trả lời HĐXX, bị cáo Diệu Linh luôn cúi mặt. Nữ chủ quán karaoke trình bày, sau khi nộp hơn 120 triệu đồng cho cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả, cô ta không còn khả năng đền bù.
Nguyễn Diệu Linh (áo đen, nữ chủ quán karaoke) luôn cúi mặt trước tòa. Ảnh: Hoàng Lam. |
“Bố mẹ bị cáo đã bán hết nhà cửa để bồi thường, bị cáo không phải không muốn đền bù mà không thể đền bù được nữa”, Linh khóc và nói.
Thừa nhận hành vi để cho khách sử dụng dịch vụ tại quán karaoke khi cơ sở đang thi công và chưa được cấp phép, nữ bị cáo 32 tuổi không chối tội mà mong tòa phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt. Linh trình bày lý do xin kháng án là bởi cô ta đang phải nuôi con còn nhỏ.
Tiếp tục trả lời, bị cáo Lê Thị Thì khai nhận bản thân là người quản lý của thợ hàn Hoàng Văn Tuấn. Tuy nhiên, khi Tuấn hàn bản lề cánh cửa tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông, Thì đứng cách đó khoảng 3 m và mải nói chuyện với người khác nên không để ý.
“Trong hợp đồng không có hạng mục hàn này mà là chủ công trình nhờ hàn thêm”, Thì khai. Tuy nhiên, chủ tọa lập tức giải thích, bị cáo là người quản lý thợ hàn, nếu bị cáo không đồng ý thì Tuấn sẽ không dám thực hiện công việc.
Bị cáo Tuấn là người được xét hỏi cuối cùng. Thanh niên quê Nghệ An khai, anh ta biết rõ lúc hàn tại quán karaoke có thể sẽ gây ra cháy. Tuy nhiên, bị cáo đã chủ quan nên để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Nam thợ hàn quay nhìn người thân tại tòa phúc thẩm. Trước đó, Tuấn bị tòa sơ thẩm tuyên 7 năm tù. Ảnh: Hoàng Lam. |
Nói về lý do kháng cáo, nam thợ hàn cho biết gia đình anh ta khó khăn, bị cáo là lao động chính. Trong hợp đồng thi công tại quán karaoke 68, anh ta chỉ được hưởng tiền công 200.000 đồng. Bị cáo 25 tuổi mong HĐXX xem xét hoàn cảnh, giảm nhẹ hình phạt.
Đại diện bị hại xin giảm tội cho thợ hàn
Lần thứ 4 đến dự phiên tòa xét xử vụ cháy quán karaoke làm 13 người chết, khoảng chục người thân của các nạn nhân có mặt.
Trình bày trước HĐXX, anh Sơn (đại diện bị hại) khẳng định hầu hết gia đình có người tử vong đều kháng cáo, yêu cầu tăng hình phạt đối với Nguyễn Diệu Linh và cho rằng vụ án đã bỏ lọt tội phạm.
Theo anh Sơn, đối với bị cáo Tuấn, họ đồng loạt xin tòa phúc thẩm xem xét, giảm nhẹ hình phạt 7 năm tù so với bản án sơ thẩm đã tuyên.
Đại diện gia đình 13 nạn nhân tại tòa phúc thẩm. Ảnh: Hoàng Lam. |
“Chứng kiến gia đình Tuấn đến tòa, chúng tôi rất cảm thông hoàn cảnh và hiểu Tuấn đã ăn năn thực sự”, đại diện bị hại nhấn mạnh và cho biết thêm, với bị cáo Linh, họ cảm nhận việc nữ chủ quán đền bù 120 triệu chỉ là hành động qua loa, không cắn rứt lương tâm.
Đề cập đến hành vi của 3 người được cho có liên quan đến vụ án, gồm Trịnh Hoàng Tiến (chồng bị cáo Linh), Nguyễn Hữu Long (cùng góp vốn sở hữu quán karaoke 68) và Phạm Văn Thiên (thi công hạng mục khác tại quán hát), đại diện gia đình các bị hại cho rằng tòa cần triệu tập họ đến phiên xử.
Tuy nhiên, chủ tọa cho rằng theo bản án sơ thẩm, 3 người này chưa bị khởi tố trong vụ án. Trong khi đó, đại diện VKSND Cấp cao nhận thấy, tài liệu điều tra bổ sung xác định chưa đủ căn cứ xử lý hình sự đối với họ.
Sau 15 phút nghị án, chủ tọa cho rằng các bị cáo không đưa ra được tình tiết mới để làm căn cứ xem xét kháng án. Do đó, HĐXX tuyên bác kháng cáo, y án sơ thẩm đối với 3 bị cáo.
Theo đó, tòa tuyên bị cáo Nguyễn Diệu Linh 9 năm tù về tội Vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy. Hai đồng phạm gồm Hoàng Văn Tuấn và Lê Thị Thì cùng lĩnh án 7 năm tù.
Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Diệu Linh là chủ quán karaoke số 68 Trần Thái Tông. Quá trình hoạt động, dù chưa được cấp chứng chỉ kinh doanh karaoke và chưa được cảnh sát nghiệm thu an toàn về phòng cháy chữa cháy, Linh vẫn để khách vào sử dụng dịch vụ.
Ngoài ra, dù có khách đang hát tại quán, Linh đã tổ chức thuê thợ đến hàn các khung sắt ở trần để ốp gỗ ngôi nhà. Tuy nhiên, nữ chủ quán đã thuê đơn vị không có chứng chỉ nghề hàn đến thi công. Khi sửa chữa quán, cô ta cũng không có mặt để giám sát.
Đối với Hoàng Văn Tuấn và Lê Thị Thì, TAND Hà Nội quy kết cả 2 không có chứng chỉ hành nghề chuyên môn nhưng vẫn nhận công trình. Quá trình thi công, họ đã không sử dụng biện pháp phòng chống cháy, nổ theo quy định gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 13 người tử vong.