Các bác sĩ xử trí cấp cứu và điều trị vết thương tại chỗ cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC. |
Vừa qua, khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, đã tiếp nhận, điều trị thành công nhiều bệnh nhân uốn ván nặng.
Điển hình là bệnh nhân nam 47 tuổi, trú tại Bắc Ninh, nhập viện với chẩn đoán uốn ván ngoại khoa giai đoạn toàn phát mức độ nặng, vào từ vết thương ngón một bàn tay trái do bị cưa cắt.
Trước nhập viện 3 ngày, do bất cẩn trong lúc lao động, người bệnh bị vết thương nhỏ tại ngón một, bàn tay trái do bị lưỡi cưa cắt. Vì chủ quan, người bệnh chỉ xử trí vết thương tại chỗ, không tiêm huyết thanh kháng uốn ván (SAT). Sau 3 ngày, người bệnh nhập viện trong tình trạng sốt, mệt nhiều, khít hàm, nói khó, khó nuốt, đau và tăng trương lực cơ vùng gáy, lưng, bụng, bí tiểu, vết thương ngón bàn tay trái có ít mủ và giả mạc.
Bệnh nhân được nhận định chẩn đoán uốn ván ngoại khoa, tiên lượng rất nặng, phức tạp do có thời gian ủ bệnh ngắn. Các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí cấp cứu và điều trị vết thương tại chỗ, tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván SAT, kháng sinh chống vi khuẩn uốn ván, kiểm soát tình trạng tăng trương lực cơ và cơn co giật bằng thuốc an thần - giãn cơ - chống co giật, kiểm soát hô hấp.
Qua một ngày điều trị, người bệnh có biểu hiện khó thở, tăng tiết đờm dãi nhiều, trương lực cơ toàn thân tăng, các cơn co giật gồng cứng toàn thân xuất hiện. Người bệnh nhanh chóng được đặt ống nội khí quản, thở máy và sau đó mở khí quản để kiểm soát chức năng hô hấp...
Sau 12 ngày thở máy, bệnh nhân đã cai được máy thở, sau đó tự thở oxy qua lỗ mở khí quản; liều thuốc an thần - giãn cơ - chống co giật giảm dần tương ứng với tình trạng tăng trương lực cơ giảm dần và cơn gồng cứng xuất hiện thưa dần. Vết thương ngón tay đã liền miệng, khô, sạch.
Tiếp tục điều trị, người bệnh đã khỏi bệnh và ra viện sau một tháng trong tình trạng tỉnh táo, tự thở, hết cơn co giật, tự ăn uống sinh hoạt như bình thường, không để lại di chứng.
Theo TS Vũ Viết Sáng, Chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, cho biết mọi người (người lớn và trẻ em) đều cần được tiêm phòng uốn ván, đặc biệt là những người có nguy cơ mắc bệnh cao như: Phụ nữ có thai; người làm ruộng, vườn, ở trang trại, các nông trường chăn nuôi gia súc gia cầm; người dọn vệ sinh cống rãnh, chuồng trại; công nhân xây dựng công trình, làm kỹ thuật tiếp xúc với vật sắc nhọn; bộ đội và thanh niên xung phong.
Khi bị vết thương, người dân cần xử trí tại chỗ đúng cách. Bạn có thể rửa vết thương dưới vòi nước sạch ngay tại thời điểm xuất hiện vết thương để loại bỏ chất bẩn ra ngoài. Nếu vết thương chảy máu và dính nhiều đất cát, bạn nên dùng oxy già để rửa, sát khuẩn vết thương và cầm máu.
Sau đó, bạn rửa lại vết thương bằng nước xà phòng rồi lau khô, sát khuẩn bằng cồn iod. Với vết thương có dị vật, người dân cần cần rửa sạch, lấy dị vật ra, vệ sinh băng bó lại vết thương. Người có vết thương cần được tiêm huyết thanh kháng uốn ván (SAT) và tiêm phòng vaccine uốn ván bổ sung nếu trước đó họ chưa được tiêm vaccine uốn ván đầy đủ.
Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe của Zing giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.