Cuối năm là thời điểm hầu hết các trường ĐH, CĐ tổ chức kỳ thi cuối học kỳ 1 cho hàng nghìn lượt sinh viên ở nhiều môn học. Sau kỳ thi là đợt chấm bài của giảng viên kéo dài từ 10 đến 30 ngày và thường diễn ra trong thời điểm giáp Tết.
Việc chấm bài thi vốn dĩ là một công việc hứng thú, không có gì căng thẳng, là lúc các thầy cô giáo ngắm nhìn sản phẩm đào tạo của mình trong suốt môn học.
Tranh minh họa: Người Lao Động. |
Cho điểm 0 vì không đọc được
Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, việc chấm bài thi đối với một số giảng viên (đặc biệt là giảng viên các môn xã hội) như cuộc đánh đố vì không đọc được bài thi của sinh viên. Sinh viên thời nay, nhiều em viết chữ xấu đến mức hơn cả khái niệm “chữ bác sĩ” mà người ta hay dùng, một số bài thi nhìn vào như một rừng chữ ký thay cho chữ viết.
Song song đó, ngôn ngữ mới (ngôn ngữ tuổi teen, ngôn ngữ internet...) thỉnh thoảng xen vào ngôn ngữ tiếng Việt làm cho bài thi như một thứ thập cẩm lạ đời.
Thời đại công nghệ thông tin, người ta có xu hướng đánh máy thay cho chữ viết nên không đòi hỏi phải viết chữ đẹp như chuẩn mực giáo dục ngày xưa. Tuy nhiên, dù không viết được đẹp như viết giấy khen thì chí ít cũng phải để người khác đọc được chữ của mình, để còn biết thông điệp mình muốn chuyển tải là gì. Chứ cứ nguệch ngoạc, chữ nào cũng như chữ ký thì làm sao người khác hiểu được mình muốn viết gì.
Đọc nhiều bài thi mà người chấm bài không biết chấm thế nào, chẳng lẽ đếm dòng chấm điểm, cân nhắc mãi thì một số giảng viên cũng cho được điểm 0 với lời bình “không đọc được”.
Bên cạnh việc chữ xấu, phần đông sinh viên hiện nay viết sai ngữ pháp tiếng Việt, là thứ tiếng mẹ đẻ và được học trong 12 năm liền. Giảng viên cũng không khắt khe đến mức yêu cầu sinh viên phải viết đầy đủ các thành tố của tiếng Việt như bổ tố, đề ngữ, trạng ngữ, định ngữ... nhưng chí ít một câu phải có chủ ngữ và vị ngữ; việc chấm, phẩy phải đặt đúng chỗ và hợp lý. Thế nhưng, đọc bài thi của sinh viên ĐH mà có cảm giác đây là sự lắp ghép thô kệch của ngôn ngữ nói vào bài thi chứ không còn được trau chuốt như một bài viết đúng nghĩa.
Rèn luyện văn hóa đọc
Viết đúng chính tả, ngữ pháp tiếng Việt và rèn luyện chữ viết mang về một ích lợi rất lớn nhưng việc này thường xuyên bị lãng quên. Học sinh có xu hướng tập trung học ngoại ngữ, học các môn tự nhiên nhưng ít khi thấy được tính liên hệ với công việc rèn luyện ngôn ngữ hoặc không nhìn thấy đây là một trong những yếu tố cản trở bước đường tương lai của chính mình.
Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến viết sai chính tả, sai ngữ pháp tiếng Việt là do học sinh và sinh viên, thậm chí người lớn hơn, ít chú ý đến văn hóa đọc sách. Theo xu thế phát triển, con người thường có xu hướng đọc trên mạng, điều đó cũng hỗ trợ và thay thế một phần cho văn hóa đọc sách truyền thống.
Tuy nhiên, nó chỉ hiệu quả khi người đọc chắt lọc được thông tin cần đọc; ngược lại, lên mạng chỉ để đọc các thông tin đơn thuần của mạng xã hội thì cũng không thể rèn luyện được ngữ pháp. Thậm chí, lâu ngày còn bị ngôn ngữ mạng cuốn hút, cộng với ngôn ngữ nói và giao tiếp thông thường làm cho văn viết bị lệch chuẩn hơn.
Theo thống kê mới nhất, người Việt trung bình mỗi năm đọc chưa đến một quyển sách. Nếu chia nhỏ hơn nữa thì trung bình mỗi ngày, người Việt chưa đọc được một trang sách. Như vậy, sức hút của văn phạm viết quá ít để định hình chuẩn ngôn ngữ chung mà thực tế là ngôn ngữ viết đang bị chi phối ngược lại bởi lực kéo khác, đó chính là ngôn ngữ nói thông qua giao tiếp, sinh hoạt, hội họp.... được thể hiện bằng những bài thi viết của sinh viên mang đậm dấu ấn của hội thoại hơn là một bài văn.
Vì vậy, việc điều chỉnh cho đúng chính tả và ngữ pháp tiếng Việt không chỉ là học tập các môn học như tiếng Việt hoặc tập làm văn của giai đoạn phổ thông mà cần phải thường xuyên rèn luyện văn hóa đọc.
Ảnh hưởng tương lai
Mặc dù công nghệ thông tin đã phát triển và thịnh hành nhưng nhiều nhà tuyển dụng vẫn yêu cầu “Đơn xin việc” phải viết tay. Việc làm này của nhà tuyển dụng không phải là thừa hoặc mang tính chất “bói toán” mà là để tìm hiểu ứng viên của họ có kỹ năng ghi chép và truyền đạt trong các cuộc họp đột xuất hay không, qua đó cũng đánh giá được phần nào tính cách con người.
Ngôn ngữ viết định hướng chuẩn mực cho ngôn ngữ nói, người nói tốt chưa chắc đã viết tốt nhưng người viết tốt thì phần lớn là người nói tốt. Vì vậy, tuân thủ chặt chẽ ngữ pháp trong ngôn ngữ sẽ rèn luyện kỹ năng soạn thảo văn bản được tốt hơn, hạn chế được những tranh chấp đáng tiếc trong các hợp đồng đã ký kết vì mắc lỗi ngôn ngữ.
Ngoài ra, ngôn ngữ viết sẽ tăng cường phản xạ cho ngôn ngữ nói để chuyển tải trọn vẹn ý tưởng cho người đối diện, hạn chế sai sót và tránh nguy cơ xung đột vì hiểu nhầm suy nghĩ của nhau.