Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chú tài xế miễn phí của học trò nghèo vùng biên giới An Giang

Nhiều năm qua, hình ảnh người đàn ông ngày ngày đưa đón học trò đến trường miễn phí chiếc xe độc lạ đã trở nên quen thuộc với người dân xã Phú Hội (An Giang).

Những năm qua, ông Nguyễn Văn Hội là lái xe miễn phí, đưa đón học trò trong xã Phú Hội, vùng đất giáp biên giới Campuchia, đến trường. Ông được người dân trong xã cũng như các em nhỏ gọi trìu mến là "chú Hội".

Đường đi học nơi đây trải dọc theo con sông Châu Đốc, nước chảy xiết, có cầu bắc ngang nhưng lại dốc và khá nguy hiểm cho trẻ nhỏ nếu đi một mình. Nhận thấy điều đó, chú Hội tình nguyện đứng ra nhận vai trò tài xế, đảm bảo các em được đến trường an toàn mỗi ngày.

lai xe mien phi anh 1

Mỗi ngày, chú Hội đều đưa đón học sinh mầm non và tiểu học đến trường miễn phí.

Kể với Zing về động lực khi bắt đầu và duy trì công việc này, chú Hội nói: “Đây là xã biên giới nghèo, cha mẹ của các em thường lên TP.HCM, Bình Dương tìm việc làm, để lại con nhỏ cho ông bà chăm sóc. Những đứa trẻ nhiều khi không có phụ huynh đưa rước, đi một mình rất nguy hiểm. Chưa kể vào mùa nước lên, các em không cẩn thận dễ sa chân xuống sông, nhiều lúc phải nghỉ học".

"Tôi muốn thay cha mẹ chăm sóc, đón đưa, coi như phần nào bù những thiếu thốn của tụi nhỏ”, người đàn ông 46 tuổi chia sẻ thêm.

San sẻ tình thương cho những đứa trẻ

Cách đây 10 năm, chú Hội đưa đón học sinh bằng xe máy, mỗi chuyến đưa 2-3 em, nên mỗi ngày chỉ chở được khoảng 70-80 bạn đến trường.

Sau này, chú được một mạnh thường quân tặng cho chiếc ba gác máy, số lượng học sinh được đưa đón lên đến 200 em/ngày.

Mỗi ngày, chú Hội bắt đầu công việc đưa rước từ 5h45. Các em chỉ cần đứng chờ trước cửa nhà, chú sẽ tới và đón đến trường. Mỗi lần di chuyển, xe chở tối đa 10 em trong thùng phía sau và thêm 2 em ngồi ở trước cùng chú để giữ thế cân bằng, đảm bảo xe không bị lật khi qua cầu.

Để tạo cảm giác thoải mái và vui vẻ cho các hành khách nhí khi di chuyển, chú “nâng cấp” xe bằng cách thiết kế thêm mái che, trang bị hai băng ghế, lắp thêm đèn.

Học sinh trong xã thích đến trường bằng xe của chú Hội. Có em khoe được chú đưa rước từ khi còn học mẫu giáo, tới giờ đã chuẩn bị lên lớp 6.

Các em nhỏ rất thương quý chú, bởi chú thường quan tâm từng đứa ngay từ những điều nhỏ nhặt nhất, như chỉnh cổ áo chưa bẻ thắng, sửa chiếc cặp bị lệch dây.

Một học sinh hào hứng chia sẻ lý do thích đi xe chú Hội hơn để gia đình đưa đón: “Đi xe chú Hội, em được ngồi chơi với các bạn vui hơn nhiều. Mấy lần em ngủ quên, tưởng trễ học rồi nhưng nhờ có chú Hội chở nên mới tới lớp đúng giờ. Lúc đi học về, tụi em còn được uống trà đá và ăn bánh kẹo do chú chuẩn bị sẵn trên xe nữa, thích lắm!”.

Người dân địa phương kể chú Hội lo đưa đón học sinh, nhiều hôm bận rộn đến mức quên ăn uống, vậy nhưng chú vẫn vui vẻ và nhiệt tình, chưa bao giờ trễ hẹn.

"Ước mơ lớn nhất là tụi nhỏ được đến trường"

Sống ở xã nghèo giáp biên giới, nhiều em nhỏ nơi đây phải bỏ học giữa chừng để lao động phụ giúp gia đình. Chính vì vậy làm sao để các em được đi học tử tế là điều chú Hội luôn trăn trở.

“Ước mơ lớn nhất của tôi là tụi nhỏ được đến trường, được học hành đến nơi đến chốn. Phải có như vậy mới mong tương lai của mấy đứa được tươi sáng hơn”, chú Hội bộc bạch.

Để thực hiện ước mơ lâu dài này, chú đã liên hệ, trao đổi thông tin với các gia đình và thầy cô, đảm bảo các em đều đi học đầy đủ cũng như hạn chế tình trạng trốn học hay bỏ học.

Chú gọi đây là “bắt tay ba nhà”, vừa hình thành sự liên kết chặt chẽ trong việc quản lý, vừa tạo động lực cho các em đến trường.

Cũng chính vì vậy, trên mỗi chuyến xe, chú Hội đều dành thời gian để dặn dò và động viên các hành khách nhí, chia sẻ với các em những khó khăn trong việc học tập. Khi các em có chuyện khúc mắc, chú cũng thông báo với thầy cô nhằm tìm ra cách gỡ rối.

lai xe mien phi anh 6

Phụ huynh luôn tin tưởng khi giao con cháu cho chú Hội đưa rước.

Những người tiếp xúc dễ nhận ra chú là người đàn ông kín tiếng. Chú Hội nói việc làm của mình xuất phát từ cái tâm chứ không cần ai khen ngợi, tung hô.

Chia sẻ câu chuyện của mình, chú mong thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đời sống khó khăn ở các xã nghèo vùng biên giới như Phú Hội sẽ được nhắc đến nhiều hơn, việc đến trường của trẻ nhỏ cũng vì vậy mà được quan tâm.

“Tôi vẫn ngại lắm khi nói về công việc của mình, nhưng tôi có niềm tin là câu chuyện về trẻ em trong xã sẽ nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng. Điều tôi quan tâm nhất là chuyện học hành của tụi nhỏ”, chú Hội cười vui vẻ khi bộc bạch về mong muốn của mình.

Khó khăn vẫn quyết không bỏ cuộc

Cuộc sống của chú Hội còn nhiều khó khăn. Không có nghề nghiệp ổn định, chú phải tìm nhiều cách để duy trì việc đưa đón học sinh như xin hỗ trợ từ chính quyền địa phương, từ hội hiếu học của tỉnh, huyện. Song chú nói rõ ràng đây không phải là biện pháp lâu dài.

“Nhiều lúc xe hư mà không có tiền sửa, nhưng người ta thương nên miễn phí luôn. Nước cho học sinh cũng được một người em tài trợ, tôi mừng lắm nhưng vẫn thiếu thốn đủ đường, nhất là sau dịch này ai cũng khó khăn, mình không dám nhờ thêm nữa”, chú chia sẻ.

lai xe mien phi anh 7
Những chuyến xe chở học sinh trong xã đang đứng trước nguy cơ tạm ngưng hoạt động.

Cách đây vài tháng, chú Hội gặp tai nạn khi đang xuống dốc cầu. Xe bị lật, chú xây xát nặng nhưng vẫn lo cho các em nhỏ trên xe trước rồi mới đến bệnh viện kiểm tra.

Lần đó may mắn không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của chú nhưng chiếc xe bị hư hỏng nặng, không dùng chở các em được nữa. Chú cho biết, hiện tại vẫn tiếp tục công việc chở các em đến trường bằng xe máy, nhưng số lượng học sinh được đưa đón cũng bị giảm xuống đáng kể.

“Nếu cứ bấp bênh như vậy hoài, chắc tôi phải tạm ngưng đưa đón các em một thời gian, đi kiếm việc làm thêm, phụ hồ hay ai kêu gì làm nấy cũng được, miễn có tiền lo xăng dầu rồi sửa xe. Mà chỉ là tạm ngưng thôi, chứ tôi không bỏ luôn đâu. Mong mỏi lớn nhất của tôi mà, làm sao mà bỏ được".

Má Dung 6 năm đón sinh viên tới ăn, ở miễn phí tại TP.HCM

Suốt nhiều năm nay, bà Dung giúp đỡ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người hiện đã ra trường, có công việc ổn định và vẫn giữ liên lạc với bà.

Hồng Anh

Bạn có thể quan tâm