Chiều 10/3, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chủ trì cuộc họp để nghe các cơ quan chức năng báo cáo về tình hình "tín dụng đen". Lãnh đạo ngành Công an, VKSND, TAND, Tư pháp và Ban Nội chính tỉnh Cà Mau cùng dự.
Theo ông Hải, "tín dụng đen" như báo chí phản ánh thời gian qua ở Cà Mau diễn ra hết sức phức tạp. Nhiều gia đình rơi vào cảnh mất nhà, mất đất vì vay tiền với lãi suất cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo ngành công an điều tra ngay tình trạng "tín dụng đen" mà báo chí gần đây đã phản ánh. Ảnh: CTV. |
"Tối 9/3, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi điện cho tôi, yêu cầu tỉnh chỉ đạo ngành công an làm rõ thông tin báo chí đưa tin về 'tín dụng đen' ở Cà Mau. Nếu có tình trạng người cho vay nặng lãi sử dụng xã hội đen để hành hung, trấn áp, buộc con nợ giao nhà, đất, hoặc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của công dân thì phải bắt ngay", ông Hải khẳng định.
Đại tá Trương Ngọc Danh - Phó giám đốc Công an tỉnh Cà Mau dẫn ví dụ năm 2015, cơ quan điều tra tiếp nhận 3 đơn yêu cầu của người dân yêu cầu xử lý hành vi cho vay nặng lãi và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Nguyễn Thị Bé Tám (56 tuổi, ngụ ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước).
"Theo các nạn nhân, bằng hình thức chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi vay tiền và nâng khống số tiền khi ghi trong hợp đồng chuyển nhượng tài sản, bà Tám đã chiếm đoạt tài sản của họ", ông Danh nói.
Lãnh đạo Công an Cà Mau cho biết, nhà chức trách đã làm việc với bà Trần Thị Thoại (50 tuổi, ngụ xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) - người được cho là "cò mồi" của bà Tám. Bà Thoại thừa nhận, từ năm 2013 đến nay, bà đã giới thiệu cho 24 trường hợp đến vay tiền của bà Tám với tổng số tiền hơn 3,3 tỷ đồng.
"Bà Thoại cung cấp 64 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 60 người dân vay tiền và làm hợp đồng chuyển nhượng tài sản cho bà Tám", lãnh đạo Công an Cà Mau thông tin. Hiện, cơ quan chức năng đang làm rõ giao dịch giữa bà Tám để xử lý theo pháp luật nếu có dấu hiệu hình sự.
Bà Lê Thị Nhung, Phó ban Nội chính Cà Mau cho rằng, trên địa bàn tỉnh đang xuất hiện loại tội phạm mới. Theo bà, tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" rất khó phát hiện nên để có cơ sở xử lý thì cần xem xét lại toàn diện mối quan hệ của các bên.
"Dù lãi suất vay chưa đủ cấu thành tội cho vay nặng lãi, nhưng có thể trên hình thức hợp đồng chuyển nhượng tài sản, người cho vay đã lách luật để chiếm đoạt tài sản của người đi vay", bà Nhung nói.
Đại tá Trương Ngọc Danh, Phó giám đốc Công an Cà Mau báo cáo tình hình tín dụng đen trên địa bàn. Ảnh: CTV. |
Từ báo cáo và quan điểm của lãnh đạo các ngành, người đứng đầu UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo, Sở Tư pháp phối hợp ngay với các cơ quan báo chí để tuyên truyền pháp luật liên quan đến tín dụng cho người dân. Đây là cách để giúp mọi người hiểu các quy định liên quan đến tiền vay và thủ đoạn của những người chuyên cho vay nặng lãi để không rơi vào tình trạng khó khăn.
"Sở Tư pháp phải kiểm tra, chấn chỉnh công tác công chứng để thực hiện việc công chứng đúng quy định của pháp luật, tránh những sơ hở hoặc bị lợi dụng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân", ông Hải nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Ngân hàng Nhà nước và chính quyền các địa phương rà soát lại những người có nhu cầu về vốn để sản xuất, kinh doanh. Từ đó, ngân hàng hướng dẫn và tạo điều kiện cho họ được vay tiền từ các chương trình tín dụng, chính sách của Chính phủ….
"Việc này nhằm giúp những người nghèo không vì khó khăn trong cuộc sống mà phải đi vay tiền bên ngoài với lãi suất cao", ông Hải nói.
Đối với ngành công an, lãnh đạo tỉnh Cà Mau yêu cầu các đơn vị nhanh chóng điều tra, vào cuộc quyết liệt để rà soát, nắm thật chặt tình hình, thật kỹ từng vụ việc để có hướng xử lý nghiêm theo pháp luật.