Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch HĐQT ĐH Đông Đô bị truy nã, hàng trăm học viên kêu cứu

Trong khi Chủ tịch HĐQT ĐH Đông Đô bị truy nã về tội "Giả mạo trong công tác", hàng trăm học viên của trường ở Hải Phòng gửi đơn cầu cứu.

Sự việc xoay quanh các sai phạm của lãnh đạo ĐH Đông Đô tiếp tục làm nóng dư luận khi hàng trăm học viên lớp chính quy văn bằng 2 và lớp liên thông chính quy cao đẳng lên đại học khoa Luật kinh tế của trường này (tổ chức tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Hải Phòng) vừa gửi đơn kêu cứu đến cơ quan chức năng.

Trong khi đó, ngày 20/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can Trần Khắc Hùng (47 tuổi), Chủ tịch HĐQT, kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục ĐH Đông Đô về tội "Giả mạo trong công tác".

Học thần tốc, thi lại gần 100%

Theo Tiền Phong, đơn thư phản ánh niên khóa 2017-2019 của khoa có 4 lớp với khoảng 200 người học, được khoa Luật Kinh tế, ĐH Đông Đô, đào tạo tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Hải Phòng. Đó là một lớp chính quy Luật Kinh tế, hai lớp chính quy văn bằng 2 Luật Kinh tế, một lớp trung cấp, cao đẳng liên thông lên đại học.

Theo học viên, thời lượng học rất nhanh. Trường chèn hồ sơ người đến nhập học sau và chỉ cần đóng tiền theo số môn. Có người đóng tới 20 triệu đồng cho những môn chưa học.

chu tich DH Dong do bi truy na anh 1
 Chương trình văn bằng 2 khoa Luật Kinh tế, lớp liên thông chính quy cao đẳng lên đại học của khoa Luật kinh tế, ĐH Đông Đô, được đào tạo ở Hải Phòng. Ảnh: Tiền Phong.

Lịch thi cũng oái oăm khi 5h báo, 8h tổ chức thi. Học viên không đến kịp coi như trượt. Ngoài ra, thi xong tốt nghiệp, học viên mới biết trượt những môn nào.

Số người phải thi lại lên đến gần 200 người, tức xấp xỉ 100% học viên theo học tại đây. Thậm chí, có người thi lại đến 16-17 môn (tổng số 20 môn). Học phí thi lại của một lớp liên kết như vậy khoảng một tỷ đồng.

Không những vậy, các học viên còn phản ánh trong 2 năm học, họ có nhiều thắc mắc nhưng không được giải đáp. Họ từng nghi ngờ tính hợp pháp của chương trình đào tạo và thắc mắc lên trường xem chương trình đang học có được Bộ GD&ĐT cấp phép không.

Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Hải Phòng cho rằng chỉ cho ĐH Đông Đô thuê phòng, không quản lý đào tạo. Thế nhưng, điều vô lý nằm ở chỗ trung tâm tham gia nhiều công việc như thông báo tuyển sinh, nhận hồ sơ, thu học phí.

Chủ tịch bị truy nã, hiệu trưởng bị bắt

Như Zing.vn đưa tin, ngày 20/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, đã ra quyết định truy nã bị can Trần Khắc Hùng (47 tuổi, quê Nghệ An), Chủ tịch HĐQT, kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục Đại học Đông Đô. Ông Hùng bị khởi tố về tội "Giả mạo trong công tác", quy định tại Điều 359, Bộ luật Hình sự.

Trước khi bị truy nã, bị can này trú tại khu đô thị Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

chu tich DH Dong do bi truy na anh 2
Bị can Trần Khắc Hùng. Ảnh: Bộ Công an.

Liên quan vụ việc này, ngày 2/8, Hiệu trưởng ĐH Đông Đô Dương Văn Hòa và Trần Ngọc Quang (Phó phòng Đào tạo và Quản lý sinh viên) cũng bị khởi tố với tội danh tương tự.

Hai cán bộ khác của trường là Phạm Vân Thùy và Lê Thị Lương bị khởi tố nhưng được cho tại ngoại.

Cụ thể, cơ quan điều tra xác định trường đã tuyển sinh và tổ chức đào tạo sai quy định văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh từ năm 2016. Năm 2018, trường liên kết tuyển sinh với khoảng 200 trung tâm đào tạo ngắn hạn để ăn chia.

Học viên không cần theo học, không phải thi đầu vào, đầu ra nhưng vẫn có bằng. Các khóa cấp văn bằng cấp tốc không thông báo tuyển sinh, không thành lập hội đồng chấm thi, không phê duyệt danh sách học viên và cán bộ coi thi. Có trường hợp được chèn hồ sơ vào danh sách lớp đã học.

Thông tin về nguyên nhân hiệu trưởng ĐH Đông Đô và thuộc cấp bị bắt phục vụ điều tra, trước đó, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT - cho biết những cá nhân này đã cấp phát văn bằng đại học không đúng quy định.

Cụ thể, nhiều năm qua, dù không được phép đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh, ĐH Đông Đô vẫn liên tục chiêu sinh. Riêng năm 2018, Hiệu trưởng ĐH Đông Đô là ông Dương Văn Hòa đã công nhận tốt nghiệp và cấp phát bằng cho hàng trăm sinh viên văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh.

Tiếp đó, trong văn bản trả lời báo chí ngày 17/8, Bộ GD&ĐT khẳng định không chỉ ngành ngôn ngữ Anh mà tất cả ngành mà trường này thông báo tuyển sinh văn bằng 2 đều chưa được cấp phép.

Bộ Giáo dục có vô can trong kiểm soát đào tạo văn bằng 2?

Ông Trinh dẫn quy định hiện hành cho biết các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ trong việc cấp phát văn bằng và phải chịu trách nhiệm về việc quản lý và cấp phát văn bằng của mình.

Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng khẳng định ĐH Đông Đô là đơn vị nhận phôi văn bằng từ Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT chỉ cung ứng phôi văn bằng cho trường. Việc in thông tin trên văn bằng, cấp phát văn bằng là trách nhiệm của nhà trường. Nhà trường phải tuân thủ các quy định hiện hành đối với công tác quản lý, cấp phát văn bằng.

Theo Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư số 19/2015/TT-BGDĐT ngày 8/9/2015 của Bộ trưởng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ in phôi văn bằng, chứng chỉ theo mẫu do Bộ GD&ĐT quy định. Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục đại học, do có những khó khăn trong việc tổ chức in phôi văn bằng, nên vẫn nhận phôi bằng từ Bộ GD&ĐT.

Đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định trong cả hai trường hợp, trách nhiệm quản lý phôi và cấp phát văn bằng, chứng chỉ đều thuộc về cơ sở giáo dục đại học. Bộ GD&ĐT, với chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo, định kỳ hoặc đột xuất thực hiện việc thanh tra, kiểm tra công tác này của các cơ sở giáo dục đại học. Hơn nữa, các cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ.

chu tich DH Dong do bi truy na anh 3
Ngoài vụ khởi tố lãnh đạo vì đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh bát nháo, ĐH Đông Đô còn vướng nhiều sai phạm khác từ khi thành lập đến nay. Ảnh: Công an cung cấp.

Trao đổi với VietNamNet, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), nhận định vụ việc không đơn giản là câu chuyện một trường tự đào tạo hàng nghìn học viên qua nhiều năm mà bộ không hề hay biết và không có sự quản lý.

“Theo quy định, hàng năm các cơ sở giáo dục ĐH phải báo cáo tổng số chỉ tiêu tuyển sinh, lượng trúng tuyển, lượng tốt nghiệp, lượng phôi văn bằng đã in, sử dụng... Do vậy, không có chuyện trường đào tạo 'chui' mà bộ không biết. Cơ quan điều tra cần làm rõ việc trường này có báo cáo đầy đủ với Bộ GD&ĐT hay không; nếu có thì nội dung báo cáo có chuẩn xác không? Với các đơn vị tổ chức liên quan, kể cả đơn vị quản lý, thanh tra Bộ GD&ĐT cũng cần xem xét có thực hiện hết trách nhiệm quản lý, giám sát hay không và việc báo cáo kiểm tra thể hiện qua những văn bản, tài liệu nào”, ông Cường nói.

Trong khi đó, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - cho rằng bộ cần chủ động kiểm tra và làm rõ trách nhiệm của mình.

Theo ông, bộ đang có khe hở để các trường lợi dụng. Các trường tự chủ, bộ vẫn chịu trách nhiệm thanh tra, giám sát. Nếu bộ làm chặt chẽ, việc phát hiện sai phạm của Đông Đô không khó. Trong khi thực tế, bộ phát hiện chậm.

Hàng loạt sai phạm từ khi thành lập

Vụ tuyển sinh và tổ chức đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh không phải bê bối duy nhất của ĐH Đông Đô.

Thành lập ngày 3/10/1994 theo quyết định số 534/TTg của Thủ tướng, ĐH Đông Đô là một trong những trường ngoài công lập đầu tiên được thành lập theo chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, trường này đã vướng nhiều scandal.

Theo Tiền Phong, đầu những năm 2000, hàng loạt lãnh đạo của trường vướng lao lý vì liên quan tuyển sinh vượt chỉ tiêu cho phép. Đầu năm 2002, Công an Hà Nội ra lệnh khởi tố vụ án lạm dụng quyền hạn khi thi hành công vụ, gây hậu quả nghiêm trọng (theo điều 281, Bộ luật Hình sự) ở trường này.

 Trước khi khởi tố, Công an Hà Nội đã cho rút 37 bài thi trong số gần 500 bài đã được chấm phúc tra ở kỳ tuyển sinh năm 2001 để xác minh. Kết quả là hầu hết bài thi giữa chấm lần đầu và phúc tra chênh lệch nhau 2-3 điểm, có trường hợp tới 5 điểm.

 Theo cáo trạng, các bị can đã làm sai lệch hồ sơ đăng ký thi đại học của các thí sinh, tuyển sinh vượt 2,8 lần số lượng cho phép. Hàng trăm thí sinh không đủ điểm chuẩn, không hồ sơ đăng ký vẫn được theo học tại ĐH Đông Đô. Đây có thể coi là vụ gian lận thi cử hệ chính quy cấp trường lớn nhất trong lịch giáo dục ĐH Việt Nam.

Năm 2012, Bộ GD&ĐT công bố kết luận kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường đại học, cao đẳng của 24 trường. 3 trường bị đình chỉ tuyển sinh gồm: ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô và Cao đẳng CNTT TP.HCM. ĐH Đông Đô bị đình chỉ với lý do tỷ lệ sinh viên/giáo viên quá cao: 4.276 SV/77 GV (55%).

Bộ GD&ĐT yêu cầu đến năm 2013, trường này không khắc phục được các điều kiện bảo đảm chất lượng sẽ xem xét đình chỉ hoạt động giáo dục. 

 Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng ra văn bản cảnh cáo 3 trường chưa có đất, trong đó có ĐH Đông Đô. Đến năm 2013, nếu các trường này vẫn chưa có đất xây dựng theo cam kết, thì đề nghị Thủ tướng giải thể trường. Ngay sau khi có cơ sở vật chất, ĐH Đông Đô lại dính vào những lùm xùm khác.

Phạt 20 triệu trường tổ chức thi liên thông tại nhà trưởng phòng GD&ĐT

Trường An ninh mạng Isapce bị phạt 20 triệu đồng vì tổ chức thi hết học phần cho lớp liên thông đại học tại nhà một trưởng phòng giáo dục của tỉnh Long An.

Nguyễn Sương (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm