Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm 4 thẩm phán TAND Tối cao

Bốn thẩm phán TAND Tối cao được bổ nhiệm gồm các ông, bà: Nguyễn Biên Thùy, Nguyễn Văn Dũng, Đào Thị Minh Thủy và Ngô Tiến Hùng.

Chiều 16/9, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức lễ bổ nhiệm chức danh thẩm phán TAND Tối cao.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố quyết định bổ nhiệm chức danh Thẩm phán TAND Tối cao với 4 ông, bà gồm: Nguyễn Biên Thùy (Chánh án TAND tỉnh Bến Tre); Nguyễn Văn Dũng (Phó chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng); Đào Thị Minh Thủy (Phó chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội) và Ngô Tiến Hùng (Chánh văn phòng TAND Tối cao).

Các quyết định bổ nhiệm có hiệu lực từ 1/10.

Sau khi trao quyết định bổ nhiệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu giao nhiệm vụ và nhấn mạnh 4 tân thẩm phán đều là những cán bộ có lập trường, tư tưởng kiên định, vững vàng; đạo đức tốt; được đào tạo cơ bản; có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt; có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quản lý, xét xử.

Chu tich nuoc trao quyet dinh bo nhiem 4 tham phan TAND Toi cao anh 1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định bổ nhiệm và tặng hoa chúc mừng các tân thẩm phán TAND Tối cao. Ảnh: H. Vũ.

Theo người đứng đầu Nhà nước, công tác cải cách tư pháp, trọng tâm là cải cách tư pháp trong TAND, là một trong những nội dung chủ yếu để xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đặt ra cho hệ thống tòa án những nhiệm vụ quan trọng.

Ông cho biết tới đây, Chủ tịch nước sẽ có buổi làm việc với TAND Tối cao để chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của TAND các cấp.

Chủ tịch nước đề nghị cán bộ, thẩm phán, công chức trong hệ thống TAND nói chung và 4 thẩm phán được bổ nhiệm lần cần tiếp tục rèn luyện bản lĩnh chính trị, giữ vững phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp.

Trước hết, mỗi thẩm phán cần nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò trách nhiệm của mình. Chủ tịch nước nhắc lại tòa án là cơ quan duy nhất được nhân danh Nhà nước để đưa ra những quyết định, phán xét về hành vi của một người bị truy tố trước tòa án là có tội hay không, và được quyền áp dụng các hình phạt theo quy định. Do đó, thẩm phán phải luôn ý thức tinh thần trách nhiệm trước pháp luật.

“Bất kỳ sai sót nào của thẩm phán đều hưởng đến kết quả, chất lượng xét xử, ảnh hưởng đến uy danh của tòa án và niềm tin của người dân vào pháp luật và công lý. Vì vậy, trong công tác xét xử, không cho phép thẩm phán có những quyết định, phán quyết chủ quan, không đúng pháp luật, không hợp lòng dân, không đảm bảo công lý”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Ông yêu cầu mỗi bản án đều phải là những chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội và có tác dụng giáo dục pháp luật, định hướng hành vi của người dân, của cả xã hội; qua đó khuất phục được tội phạm, thuyết phục được người dân và tạo sự đồng thuận, tuân thủ trong xã hội.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước nhắc nhở các thẩm phán không ngừng đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong xét xử; giữ gìn, bảo vệ pháp luật, không thiên lệch, hết mực công tâm, không vì lợi ích riêng tư.

Chủ tịch nước tới Mỹ, Cuba và kỳ vọng 'ngoại giao vaccine'

Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh chuyến công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sắp tới có nhiều mục tiêu, trong đó có việc triển khai chiến lược ngoại giao vaccine.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm